Lá phiếu tín nhiệm: Đại biểu Quốc hội sao ông dốt thế?

Nguyễn Cao
* Tác giả gửi bài cho VNTB

Trước một ngày khi tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm 50 lãnh đạo cao cấp tại Nghị trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có đăng đàn phát biểu với nội dung mang đến cảm giác là “răn đe” các ông nghị.

Nhạy cảm nên cấm cửa truyền thông

Theo đó, “các vị đại biểu cần cảnh giác với thông tin không chính thức, loại ra thông tin chưa đủ căn cứ để đánh giá tín nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, “các chức danh được lấy phiếu do Quốc hội bầu và phê chuẩn là những đồng chí được Quốc hội tin tưởng giao nhiệm vị lãnh đạo nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của chúng ta nên có thể nói là rất nhạy cảm”.

“Do tính chất nhạy cảm như vậy, nên đồng bào cử tri cả nước đặt niềm tin ở từng vị đại biểu, nên phải tiến hành rất thận trọng khách quan, công tâm”, Chủ tịch nói.

Đầu giờ sáng ngày 15-11, có lẽ do khuyến cáo “nhạy cảm” của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nên trong một thông cáo báo chí được phát đi từ trung tâm báo chí kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, các cơ quan thông tấn báo chí được đề nghị không tham dự và đưa tin khi ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu lấy phiếu tín nhiệm sẽ diễn vào chiều 15-11. 

Chỉ sau ít phút các báo đưa tin về đề nghị không đưa tin khi công bố kết quả kiểm phiếu lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, đề nghị này đã được gỡ khỏi thông cáo báo chí của Trung tâm Quốc hội.

 

Đổi mới… như cũ

Nhắc lại vụ việc trên để bình tâm thấy rằng kết quả về những con số “tín nhiệm thấp” cao nhất với 192 phiếu là Bộ trưởng Bộ Y tế, thấp nhất là Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với 9 phiếu, Chủ tịch Quốc hội nhận 52 phiếu “tín nhiệm thấp”, Thủ tướng nhận 68 phiếu còn Chủ tịch nước là 20 phiếu…, đều mang tính… “tham khảo”, chứ không mấy liên quan đến năng lực của từng cá nhân mang trọng trách.

Trước tiên, với việc cả ba khối hành pháp – tư pháp – lập pháp được “trộn chung” cho lá phiếu tín nhiệm, thì góc nhìn khác nhau, yêu cầu khác nhau, nên so sánh “20 phiếu tín nhiệm thấp” của Chủ tịch nước với “68 phiếu tín nhiệm thấp” của Thủ tướng, rồi tạm kết là chức trách công vụ của Thủ tướng kém hơn Chủ tịch nước là một khập khiểng.

Đó là chưa nói đến chuyện lấy phiếu vẫn… “đổi mới như cũ”, tức là vẫn đánh giá tín nhiệm theo ba mức, thì có thể cử tri sẽ ngần ngại khi dành phiếu “tín nhiệm cao” cho Quốc hội.

Không nghe cử tri lẫn đại biểu Quốc hội thì làm sao tín nhiệm?

Trước khi diễn ra phiên họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có một tháng để tiếp xúc cử tri nơi ứng cử. Ghi nhận từ báo chí cho thấy, vấn đề chủ quyền quốc gia, vấn nạn tham nhũng – đặc biệt là tham nhũng chính sách thể hiện ở lợi ích nhóm, luôn được cử tri lên tiếng và đòi hỏi Chính phủ lẫn Đảng Cộng sản phải quyết liệt hơn trong đối sách và biện pháp hữu hiệu.

Tuy nhiên khi nhìn vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm 50 đại biểu cao cấp, tỷ lệ được ra khó thuyết phục đây chính là đại diện cho tiếng nói của cử tri.

Đơn cử Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, 340 phiếu “tín nhiệm cao”. Bốn tháng trước, phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng ngày 19-6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tha thiết đề nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết về Biển Đông và “tha thiết đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ quan điểm của mình”.

“Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố nào về Biển Đông thì nhân dân sẽ rất hoang mang, còn dư luận thế giới thì sẽ băn khoăn về việc này và đặt ra câu hỏi tại sao nghị sĩ các nước lại phải lên tiếng về các vấn đề trên Biển Đông” – đại biểu Nghĩa bày tỏ.

Ông Nghĩa cho biết là toàn bộ chương trình ở Nghị trường không có mục nào dành cho Biển Đông.

“Tôi tin rằng nhân dân sẽ rất thất vọng nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông. Không riêng tôi mà rất nhiều cử tri và các tầng lớp đồng bào, từ người dân bình thường đến cán bộ lão thành đều mong Quốc hội phải có một động thái chính thức”. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thiết tha “năn nỉ”.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) và Bùi Thị An (Hà Nội) bày tỏ đồng tình với kiến nghị của luật sư Trương Trọng Nghĩa. Theo bà An, vừa qua có nhiều vấn đề lớn Thường vụ Quốc hội đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến đại biểu. Vì vậy, bà hy vọng Thường vụ sẽ lắng nghe đề xuất của ông Nghĩa, nếu cần có thể phát phiếu thăm dò đại biểu.

Tuy nhiên người đứng đầu Quốc hội Việt Nam đã từ chối. Trong lúc đó, ngày 10-7, với toàn bộ phiếu thuận, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết mang mã số S.RES.412 về Biển Đông yêu cầu Trung Quốc quay lại nguyên trạng trước ngày 1-5-2014.

Đại biểu Quốc hội sao ông dốt thế?

Cũng nói thêm, trên cương vị là người đứng đầu Quốc hội, cho thấy tiếng nói của cử tri thông qua người đại diện của mình ở Nghị trường cũng chưa được Chủ tịch Quốc hội lắng nghe.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói rõ rất đồng tình với nhiều đại biểu chỉ nên để hai mức. “Tôi không thể nào thông suốt được đối với giải thích việc để ba mức tín nhiệm nhằm thể hiện tính thận trọng trong công tác cán bộ”. Cũng theo đại biểu Cương, thận trọng hay không là ở mỗi đại biểu, mỗi người.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) kể là cử tri rất khen việc lấy phiếu tín nhiệm, đây là bước tiến mới, thể hiện rõ quan điểm của Quốc hội để đánh giá, nhận xét cán bộ. Còn lấy phiếu tín nhiệm với ba mức thì cử tri rất chê, “có cử tri nói với tôi rằng là đại biểu Quốc hội sao ông dốt thế? Tôi hỏi tại sao dốt, cử tri trả lời phiếu nhiều là cao, phiếu ít là thấp, có gì đâu phải ghi tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp ở đây”.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho biết, qua tiếp xúc cử tri, đại đa số ý kiến cho rằng chỉ lấy phiếu ở hai mức, nếu để 3 mức thì chỉ là cách dung hòa, “không ông nào quá 2/3 tín nhiệm thấp hết”. “Đại đa số cử tri cho rằng làm như thế không thực chất, chỉ nên để hai mức tín nhiệm và tín nhiệm thấp thôi”, Phó chủ tịch Quốc hội nói. Đề xuất này cũng nhận được sự tán thành của Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không chỉ vẫn quyết “3 mức”, mà còn cho rằng “rất nhạy cảm” và xuýt chút nữa đã là trong nhà đóng cửa dạy nhau…


Người ta có quyền nghi ngờ lá phiếu tín nhiệm của các dân biểu trên Nghị trường.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)