Việt Nam Thời Báo

Lá thư Cuba: Cấm vận hay không? (Phần 1)

Phương Thảo (Hà Lan) dịch


(VNTB) – Cuba đang chuyển mình. Theo công thức nổi tiếng của Matthew Arnold thì Cuba đang đứng giữa cái chết và sự vùng vẫy để hồi sinh. Chủ nghĩa Mác Lê vẫn còn nguyên vẹn ở đó, nhưng những ngành nghề đơn giản như thợ làm tóc đang được tư nhân hóa và chính phủ đang xem xét đưa ra một vùng kinh doanh phi cộng sản ở cảng Mariel.
Bên cạnh việc Ả rập tẩy chay chống lại Israel, việc Mỹ trừng phạt Cuba đã kéo dài hơn bất kỳ một cuộc cấm vận khác trong kỷ nguyên hiện đại.
Cấm vận kinh tế được đưa ra từ những năm đầu thập kỷ 60 ngay sau khi Fidel Castro khơi mào chiến tranh kinh tế chống lại Mỹ bằng việc quốc hữu hóa các tài sản tư của Mỹ ở Cuba. Đảng cộng sản Cuba vẫn sống sót sau sự sụp đổ của Liên bang Sô Viết và sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, vì vậy vào năm 1993 mục đích của cấm vận kinh tế thay đổi dựa theo yêu cầu điều luật dân chủ Cuba trong đó nêu rõ việc cấm vận sẽ được gỡ bỏ chừng nào Chính quyền Havana tôn trọng “các chuẩn mực của quốc tế về vấn đề nhân quyền” và “các giá trị dân chủ.”

Trong nhiều năm, đối với tôi việc cấm vận đã trở nên lạc hậu và kém hiệu quả. Chính quyền Trung Quốc dù có ít hà khắc hơn Cuba nhưng cũng là một trong những đối tác kinh tế lớn nhất của Mỹ, trong khi Trung Quốc cũng giống Cuba trong việc coi thường các chuẩn mực của quốc tế về vấn đề nhân quyền. Và việc cấm vận Cuba đã tạo cho chính quyền Castro bào chữa việc công dân Cuba phải chịu đựng nền kinh tế tồi tệ. Cũng như mọi khi, mọi việc là do tụi Mỹ. Người dân Cuba nghèo khó không phải do chủ nghĩa cộng sản mà do Mỹ.

Sau một vài tuần ở Cuba vào tháng Mười và tháng Mười Một, tôi quay trở về nhà mà không chắc lắm với việc cấm vận đã lỗi thời. Fidel Castro ốm yếu đã chuyển giao quyền lực cho người em trai Raul vài năm trước đây và chế độ Raul đã cuối cùng nhận ra được cái sự thật hiển nhiên mà ai cũng đã nhìn thấy từ lâu lắm rồi, đó là chủ nghĩa cộng sản là một thiên sử thi bất thành. Cuối cùng thì sự thay đổi cũng đã xuất hiện phía chân trời của đảo quốc này và cấm vận có thể – chỉ là có thể, sẽ là một cơ hội có thể giúp cho Cuba đi được đến đích.

“ Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc cấm vận và cấm đi du lịch,” anh Valentin Prieto một người Cuba sống lưu vong nói, “ và tôi ủng hộ việc siết chặt cấm vận và phải thấy sự có hiệu quả thay vì chỉ là một hình thức cho có. Hợp chủng quốc Hoa kỳ là thành trì của nền dân chủ và tự do trên thế giới. Chúng ta không những không nên có mối quan hệ với một chế độ hà khắc, mà chúng ta cũng có trách nhiệm đạo đức để không khuyến khích, tài trợ tài chính, tham dự, hay hợp pháp hóa các chính thể hà khắc bằng bất cứ hành động nào.”

Giáo sư Alfred Cuzán của trường đại học West Florida lại đưa ra ý kiến trái khác. “Có người ủng hộ việc giữ nguyên cấm vận vì có như vậy Mỹ mới có thể gây sức ép cho anh em Castro thực thi các thay đổi tự do hóa. Tôi nghĩ khía cạnh này có những điểm tốt. Và Cuba đã trưng thu và tước đoạt tài sản của Mỹ. Nhưng tôi không nghĩ việc cấm vận có hiệu lực. Chính quyền Castro vẫn có được những gì họ cần từ Canada, Âu châu hay những nước khác. Việc cấm vận của Mỹ vẫn là một cái gì đó hoang đường.”

Ông ta có lý. Mỹ là bạn hàng lớn thứ 50 sau Venezuela, Trung Quốc, Tây ban nha và Brazil. Cuba nhập nhiều hàng hóa từ Mỹ hơn từ Canada và Mexico. Việc trừng phạt vẫn có hiệu lực, Cuba không thể mua mọi thứ và họ phải trả bằng tiền mặt- nhưng cấm vận vẫn chưa toàn diện.

Tuy nhiên Mỹ lại không mua gì của Cuba. Theo luật thì người Mỹ bị cấm đi đến đó. Anh không thể cứ mua vé máy bay là đi được tới Havana để nằm dài trên bãi biển. Anh phải đi chui qua ngả Mexico hay là mua một tua du lịch với giá trên trời qua một số ít các đại lý được bộ Tài chính cấp phép để có thể thu xếp được một chuyến đi tới Cuba. Những nhà báo như tôi là trường hơp ngoại lệ, nhưng tôi vẫn không được phép mua rượu rum hay xì gà Cuba để mang trở về Mỹ.

Vấn đề là cấm vận đã làm nền kinh tế Cuba bị tổn hại, nhưng hệ thống cộng sản phá sản lại gây ra còn nhiều tổn hại hơn, và trong bất cứ trường hợp nào người quyết định cắt đứt quan hệ kinh tế là Fidel Castro chứ không phải Mỹ.

“Cuba chỉ cách Mỹ có 90 dặm từ phía Florida,” giáo sư Cuzán cho biết, “và đã giao thương với nền kinh tế Mỹ hàng trăm năm rồi. Và rồi khi Castro đã xiết chặt kinh thương toàn diện và đẩy nền toàn bộ nền kinh tế theo hướng Liên Xô. Đó là một sự mất trí. Rồi ông ta là cố rèn dũa mối liên hệ văn hóa bằng việc bắt người Cuba học tiếng Nga. Dự án điên rồ ấy đã hủy hoại cả một quốc gia” .

Cuba không còn bị ràng buộc với Liên xô nữa, Liên xô đã tan rã nhưng hệ thống kinh tế vẫn gần như là chế độ cộng sản. Nhà nước Cuba vẫn sở hữu các nền công nghiệp trọng yếu bao gồm cả những doanh nghiệp nhỏ như nhà hàng, quán bar, vì vậy đại da số dân Cuba vẫn làm việc cho chính phủ. Lương bổng được hạn chế ở mức 20 đô la một tháng và được cấp thêm một thẻ phân phối khẩu phần.

Tôi hỏi một người phụ nữ Cuba rằng bà ta sẽ nhận được gì với cái thẻ phân phối đó. “Gạo, đậu, bánh mì, trứng, dầu ăn, và một ký thịt gà cho mỗi hai tháng. Trước đây chúng tôi còn nhận được xà phòng và bột giặt nhưng giờ thì hết rồi.”

Bác sỹ và bệnh viện được miễn phí, nhưng Cuba chưa bao giờ có đủ thuốc men. Tôi phải mang theo cả một cái túi xách có đủ thứ vì thậm chí ngay cả những thứ đơn giản như băng dán cá nhân hay thuốc trụ sinh vì những thứ này không phải lúc nào cũng có bán ở Cuba. Bệnh nhân khi đi bệnh viện phải tự mang theo thuốc, khăn trải giường, và thậm chí cả i ốt nếu họ có thể tìm mua được.

Cuba cũng thiếu ăn thường xuyên. Hồi tháng Mười người ta cho tôi hay họ không thể mua khoai tây được cho đến tận tháng Giêng năm sau. Điều này không thể là một hệ lụy của cấm vận được. Cuba là một quốc gia nhiệt đới với đất đai màu mỡ và có thể luân canh quanh năm nên có khả năng hoàn hảo để có thể tự cung tự cấp khoai tây. Nhưng khoai tây khan hiếm lại không phải là điều ngạc nhiên. Tôi gần như không nhìn thấy vùng canh tác nông nghiệp ở vùng ngoại thành. Hầu hết các cánh đồng bị bỏ hoang. Những thửa ruộng trồng trọt lại nhỏ xíu. Ở vùng sa mạc Đông Oregon của Mỹ còn có nền nông nghiệp tốt hơn, dù nơi này có đất đai bạc màu và chỉ có lượng mưa ít ỏi, ngoài ra lại thêm mùa đông kéo dài và lạnh giá. Tôi nghe kể không ngớt chuyện về việc thiếu hụt xà phòng trước và cả sau khi tôi đặt chân đến đó. Một anh bạn nhà báo của tôi đã đến Cuba khá thuờng xuyên đã mang theo những bánh xà phòng nhỏ xíu của khách sạn để tặng cho những người được anh ta phỏng vấn.
“Họ mừng đến phát khóc khi tôi cho họ những bánh xà phòng,” anh ta kể.
“Việc này có xảy ra thuờng xuyên không?” Tôi hỏi.
“Lúc nào cũng vậy.”

Tôi cũng mang theo xà phòng, những bánh xà phòng loại lớn tôi mua ở siêu thị chứ không phải những bánh xà phòng nhỏ xíu của các nhà trọ – nhưng tôi không muốn làm cho ai khóc cả vì vậy khi nào tôi rời đi, tôi kín đáo để lại vài bánh xà phòng cho nhân viêc khách sạn, các anh chị phục vụ, các anh lái taxi. Và tôi gởi tiền phục vụ phí hậu hĩnh ở bất cứ nơi nào có thể vì chính phủ không muốn trả lương cho họ.

Không có một điều kiện về kinh tế nào ở đây là hậu quả chính sách của người Mỹ. Ví dụ nước Mỹ đâu phải là quốc gia duy nhất trên thế giới sản xuất xà phòng. Cuba có thể mua xà phòng của Mexico hay Canada hay Cộng hòa Dominic. Cuba cũng có thể tự sản xuất xà phòng. Trên thực tế thì Cuba cũng tự sản xuất xà phòng. Lý do mà cả nước không có đủ xà phòng để dùng là vì chính phủ không quan tâm đến việc liệu có ai không có để dùng. Xà phòng cũng chỉ là một trong số hàng ngàn những nhu yếu phẩm bị giới hạn dành cho giới cao cấp, giới “nhà giàu” và cho những ai may mắn mua được xà phòng trước khi hết hàng.

Trong một quốc gia không cộng sản, nếu một sản phẩm bị thiếu hụt sẽ có người sản xuất sản phẩm ấy hàng loạt và mang ra bán. Làm xà phòng không cần phải đòi hỏi ngành hóa nguyên tử. Anh có thể tự làm xà phòng ở nhà. Cứ tra cứu “công thức làm xà phòng” trên mạng thì anh sẽ thấy làm xà phòng dễ đến như thế nào. Nhưng Cuba là một quốc gia cộng sản, nơi mà kinh doanh tư nhân bị cấm đoán. Nếu anh làm ra sản phẩm và mang sản phẩm đi bán, anh thuộc vào thành phần “giàu có” và là “giai cấp tư sản”, và chính quyền sẽ bỏ tù anh.

Đó là lý do tại sao Cuba nghèo khó. Bỏ cấm vận hay không cũng chỉ có một chút ảnh hưởng tới sự đần độn hung tàn.

Cuba do một đội ngũ lãnh đạo già nua điều hành, một đội ngũ lãnh đạo sợ thay đổi hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, ngoại trừ những nơi như Bắc Triều tiên, Iran, và Ả Rập Saudi. Chế độ Castro lại lo sợ khi có sự xuất hiện của điện thoại thông minh. Họ đã khóa hết các blog tự do như thể các blog này là các phương tiện tuyên truyền của các tổ chức khủng bố. Nếu những nhà bất đồng chính kiến không may mắn thì họ sẽ bị tống giam. Nếu họ may mắn thì họ sẽ bị giam lỏng có người đứng canh cửa nhà họ và các máy quay phim, chụp hình chĩa thẳng vào cửa sổ nhà để ghi lại mọi thứ và mọi người ra vào.

Dù vậy, Cuba đang chuyển mình. Chủ nghĩa cộng sản luôn quay trở lại chủ nghĩa tư bản và điều này chỉ mới chớm bắt đầu ở Havana và Fidel thì lại không thể nào làm ngưng dòng lịch sử. Theo công thức nổi tiếng của Matthew Arnold thì Cuba đang đứng giữa cái chết và sự vùng vẫy để hồi sinh. Chủ nghĩa Mác Lê vẫn còn nguyên vẹn ở đó, nhưng những ngành nghề đơn giản như thợ làm tóc đang được tư nhân hóa và chính phủ đang xem xét đưa ra một vùng kinh doanh phi cộng sản ở cảng Mariel.

Tin bài liên quan:

VNTB- Ngày của Mẹ và một lũ bội tình

Phan Thanh Hung

Các nền kinh tế lớn ở châu Á nới lỏng chính sách tiền tệ

Phan Thanh Hung

VNTB- Bộ Ngoại Giao Campuchia than phiền việc Việt nam xâm phạm biên giới

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.