Lại giảm lãi suất huy động: Ngân hàng “muốn” gì?

Viết Lê Quân

Vào năm 2001, khi mặt bằng lãi suất cho vay và tiêu dùng đều vượt trên 20%, thật khó có thể tưởng tượng các ngân hàng thương mại Việt Nam lại rơi vào cảnh “nhàn cư vi bất thiện” như giờ đây.

200.000 tỷ đồng dư thừa nằm trong trái phiếu chính phủ là con số tối thiểu đã được xác nhận “ngân hàng không biết làm gì để có lãi”. Hết sức rõ ràng, tình trạng có đến 9/10 doanh nghiệp “không biết vay vốn để làm gì” đã khiến cho những ngân hàng ngồi mát ăn bát vàng vào nhũng năm trước đang phải đối mặt với một cơn bĩ cực tự thân.


Vẫn chỉ là lợi nhuận

Giảm thiểu lãi suất huy động hoàn toàn không phải để kéo giảm lãi suất cho vay “nhằm hỗ trợ doanh nghiệp”, mà thực chất các ngân hàng chỉ muốn bảo vệ nguồn lợi nhuận ngày càng còm cõi của nó. Nếu ở châu Âu, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi chỉ 2-3%, thì ở Việt Nam luôn duy trì cao đến 4-5%. Đó là lý do mà suốt từ đầu năm 2012 đến nay, trong khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm hạ từ mức hơn 20% xuống còn chưa đầy 6%, lãi suất cho vay vẫn ở mức 9-10% hoặc hơn.

Vào những ngày đầu tháng 10/2014, như một tín hiệu “đến hẹn lại xuống”, một số ngân hàng lại điều chỉnh hạ lãi suất huy động các kỳ hạn. Khởi đầu muôn thuở vẫn là đầu tàu Vietcombank, với lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng chỉ còn 4,5%/năm, thay vì mức 4,8% và 5% trước đó. Kỳ hạn 3 tháng giảm xuống 5%, từ mức 5,5% cũ. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm còn 6,2%, so với 6,5% cũ. Các kỳ hạn xa hơn cũng giảm khoảng 0,2 – 0,3%.

Những ngân hàng khác như Techcombank cũng gần tương tự. Đáng lưu ý, từ ngày 1/10 tới nay Techcombank đã có tới 3 lần điều chỉnh lãi suất huy động, vào các ngày 1/10, 4/10 và 6/10.

Trong không khí tràn ngập tiền ứ đọng trong két sắt, các ngân hàng không còn mấy nhu cầu huy động vốn. Thậm chí đã cả năm nay, nhiều ngân hàng phải lao vào phong trào mua trái phiếu chính phủ để hưởng lãi cỏn con, đơn giản vì họ không còn cách nào khác. Đến kỳ đáo hạn, tiền từ chính phủ lại tuôn chảy về ngân hàng và càng làm cho ngân hàng dồi dào tiền mặt hơn.

Bi kịch của nền kinh tế cũng chính ở chỗ đó. Không phải ngân hàng thiếu tiền mặt, thậm chí họ còn dôi dư hàng trăm ngàn tỷ đồng mà không biết để làm gì. Nhưng ngược lại, thị trường sản xuất và tiêu dùng hầu như phải thở oxy ví không nhận được dòng tiền lưu thông đều đặn. Hệ số lưu thông tiền mặt hiện thời so với năm 2010 đã giảm đến 2/3.


Bi kịch hưu trí

Vào tháng 7/2014, một hiện tượng “lạ lùng” xảy ra từ phía Ngân hàng nhà nước: khuyến khích cho vay không cần tài sản bảo đảm.

Vào năm 2011 và 2012, đã không thể có một quy định “thoáng” đến như thế. Nhiều doanh nghiệp do những khó khăn về tài sản đảm bảo nên đã không thể tiếp cận được nguồn tín dụng từ ngân hàng. Vào thời điểm đó, các ngân hàng còn đang phấn khích trong niềm kiêu hãnh độc tôn và gần như chẳng cần đến ai.

Nhưng bây giờ, tình thế đã xoay chuyển gần 180 độ. Quy định khuyến khích cho vay không cần tài sản đảm bảo của Ngân hàng nhà nước là một bằng chứng rất rõ ràng về câu chuyện “tín dụng tăng trưởng vượt bậc” trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2014 của cơ quan này.

Rất nhiều người dân đang tự hỏi sẽ phải làm gì một khi tiền của họ cứ mỗi ngày một “hao hụt” trong ngân hàng. Hiển nhiên là tác động của đà sụt giảm lãi suất tiền gửi đang làm ảnh hưởng đến phần lớn đối tượng xã hội, đặc biệt giới về hưu – những người chỉ biết trông chờ vào sổ tiết kiệm.

Đó cũng là hậu quả mà nhóm lợi ích ngân hàng đã gây ra, từ “cực tả” sang “cực hữu”, chuyển từ lãi suất huy động cao chót vót đến 20% vào năm 2011 về chỉ còn 5% như hiện thời. Sự bất nhất và quay quắt ghê gớm như thế đang làm khốn đốn cả một nền kinh tế và đời sống dân sinh.

Bây giờ thì mọi chuyện sẽ phải “buông” đến mức tối đa. Từ cơ chế siết chặt và làm nghẽn mạch hầu như toàn bộ nền kinh tế, các ngân hàng bị chính hệ lụy của nó áp đặt: khối lượng khổng lồ đến vài trăm ngàn tỷ đồng nằm chết cứng trong két nhà băng mà không đẩy ra thị trường được đã làm khối ngân hàng chết dở sống dở.

Thậm chí trong thời gian tới, bất chấp thành quả sổ tiết kiệm hưu trí xã hội bị hao hụt nhanh chóng, các ngân hàng vẫn có thể tính đến biện pháp đưa lãi suất tiền gửi về mức 3% hoặc thấp hơn để duy trì mức lợi nhuận cho mình.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)