Dân Luận: Vụ việc nổ súng chết người của công an chưa kịp điều tra thì nhân chứng đang bị tạm giam bỗng… chết vì heroin với nhiều vết thương vật lý. Phải chăng công an thành phố Hồ Chí Minh đã giết người diệt khẩu?
Qua lời kể của công an thì nhóm lái xe rất hung hãn đe dọa tính mạng của trung úy Hùng khiến anh này phải nổ súng, vậy mà họ chỉ… làm rách quần và rớt cúc áo trên người trung úy. Súng bắn chỉ thiên không nổ, nhưng bắn vào người thì 4 phát nổ cả 4. Đối tượng bị súng bắn gục còn tiếp tục xông vào tấn công trung úy, chắc đây là người ngoài hành tinh. Cả tổ công tác đông vậy mà chỉ mình trung úy Hùng bị tấn công, những người khác đâu? Đang ngồi nhậu mà tự dưng tấn công cảnh sát, bị bắn vẫn tiếp tục xông vào thì quả là khó hiểu động cơ nào khiến họ làm vậy? Có quá nhiều nghi vấn, dù chỉ nghe qua lời kể một chiều từ phía công an.
Anh Phan Đức Đạt, người còn lại có liên quan đến vụ Công an phường Bình Chiểu – quận Thủ Đức nổ súng hôm 29/12/2014 vừa qua đã tử vong.
Trưa ngày 13/4/2015, anh Phan Thế Hùng – anh trai của anh Phan Đức Đạt cho biết, sau nhiều ngày bị giam giữ tại trại giam Chí Hòa của Công an TP.HCM, anh Phan Đức Đạt đã tử vong.
Chiều ngày 12/4, các giám thị của trại giam đã báo thông tin này cho người thân của anh Đạt. Theo lời anh Hùng kể lại, các giám thị trại giam báo về cho gia đình, anh Đạt tử vong do bị sốc thuốc, chơi heroin quá liều.
Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, thi thể của anh Đạt đã được đưa tới bệnh viện cấp cứu Trưng Vương lưu giữ. Kết quả giám định pháp y sau đó được đưa ra thì lại hoàn toàn không phát hiện thấy có heroin trong người anh Đạt, mà lại bị phát hiện gãy xương sườn, dập phổi, hộc máu…
Nguyên nhân vì sao anh Phan Đức Đạt bị như vậy thì hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục làm rõ, nên chưa có trả lời cho người thân anh Đạt.
Trần Anh Hùng (trái) và Phan Đức Đạt lúc mới bị bắt (Ảnh: CA)
Được biết, Phan Đức Đạt (31 tuổi) cùng với Trần Anh Hùng là những người đang bị tạm giữ về hành vi “Chống người thi hành công vụ”, do có liên quan đến vụ nổ súng xảy ra tại chợ đầu mối Thủ Đức tối hôm 29/12/2014.
Cơ quan CSĐT – Công an TP.HCM thông tin: Vào thời điểm nói trên, cả Đạt, Hùng và Bùi Văn Mạnh (SN 1983), Nguyễn Xuân Hoàng (SN 1990) và một số thanh niên khác chở xe tới chợ Thủ Đức giao hàng, rồi tổ chức nhậu nhẹt cùng nhau tại đây.
Trong quá trình uống bia, những đối tượng này có la ó, cãi nhau, gây mất trật tự, nên khi tổ tuần tra của Công an phường Bình Chiểu – quận Thủ Đức (Trung úy Phạm Tiến Hùng) nhìn thấy, nên yêu cầu kiểm tra giấy tờ tùy thân.
Khi bị đề nghị kiểm tra giấy tờ, Đạt đã trả lời không đồng ý, và yêu cầu Trung úy Hùng cho kiểm tra thẻ ngành trước. Anh Hùng không cho, vì đã mặc đồ quân phục thì không cần phải kiểm tra thẻ ngành. Đúng lúc này, Trần Anh Hùng và Mạnh chạy xe ngang qua, nên cùng với 2 ‘chiến hữu’ tổ chức đuổi đánh Trung úy Hùng.
Thấy nguy hiểm, Trung úy Hùng buộc phải sử dụng súng K54 nổ chỉ thiên, nhưng đạn lại không nổ. Thấy vậy, Trần Anh Hùng và đồng bọn đã nhảy vào tấn công Trung úy Hùng. Dù đã dùng súng liên tục nổ chỉ thiên nhiều phát đạn tiếp theo, nhưng những đối tượng này vẫn liên tục ép viên Trung úy CSKV vào xe container.
Nhiều tình huống nguy hiểm xảy ra với mình, nên Trung úy Hùng đã phải dùng súng bắn tiếp 4 phát đạn nữa, khiến đạn trúng vào đùi của Đạt và người của Mạnh, làm Mạnh tử vong tại chỗ, còn Đạt thì ngã gục xuống đường. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, khi tỉnh dậy, Đạt và Trần Anh Hùng vẫn tiếp tục lao tới, đánh làm rách quần rớt nút áo của Trung úy Hùng.
Nghe tiếng súng nổ liên tục, các tài xế và phụ xe ở khu vực chợ đầu mối Thủ Đức khi đó đã chạy đến lớn tiếng, làm áp lực lên tổ công tác của lực lượng Công an.
Nhận được tin báo, lực lượng Công an quận Thủ Đức đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, bắt giữ Trần Anh Hùng, đưa Đạt đến bệnh viện cấp cứu, ghi nhận toàn bộ sự việc nghiêm trọng này.
Kết quả kiểm tra nồng độ cồn trong máu của Hùng và Đạt sau đó cho thấy đều vượt mức quy định. Đối với quy trình sử dụng, nổ súng của Trung úy Phạm Tiến Hùng có đúng quy trình hay không, hiện vẫn đang được cơ quan CSĐT – Công an TP.HCM tiếp tục xác minh, làm rõ.
Thanh Xuân – Sự thật nào cho vụ nổ súng chết người ở thành phố Hồ Chí Minh?
Tất cả vẫn chỉ là thông tin một chiều do Công an cung cấp, Cần phải chứng minh được Công an đã hành động đúng chứ không phải là chứng minh nhóm lái xe sai.
Như tin một số báo đăng tải, tổ công tác của công an phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức gồm trung úy Hùng và hai bảo vệ dân phố đi tuần tra địa bàn phát hiện một nhóm hơn chục người đang ngồi nhậu ở góc đường nên tiến hành kiểm tra hành chính.
Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh dẫn lời Đại tá Lê Anh Tuấn – Trưởng công an quận Thủ Đức “ban đầu nhóm người này đã chửi bới tổ công tác rồi xông vào hành hung tổ công tác. Trung úy Hùng nổ nhiều phát súng chỉ thiên nhưng nhóm người vẫn hung hãn, có ba, bốn người xông vào giằng co súng với trung úy Hùng. Súng phát nổ, làm ông Bùi Văn Mạnh tử vong tại chỗ, còn ông Phan Đức Đạt bị thương ở chân”.
Đại tá Lê Anh Tuấn xác nhận, bước đầu đã tạm giữ hai người và đang tiếp tục truy bắt những người khác để điều tra, xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng. Riêng việc nổ súng làm một người chết và một người bị thương, hiện công an TP.HCM đang điều tra làm rõ.
Tất cả thông tin cho đến giờ vẫn chỉ là thông tin một chiều do công an quận Thủ Đức cung cấp. Theo lời đại tá Tuấn mà Vtc.vn đăng lại sáng 30/12/2014 thì “nhóm người gồm tài xế, phụ xe… đến giao hàng rau củ quả ở chợ Đầu Mối đang ngồi nhậu ngoài lề đường. Khi lực lượng làm nhiệm vụ yêu cầu kiểm tra hành chính thì nhóm người này phản ứng rồi xông vào tấn công”.
Những thông tin được cung cấp như vậy khiến người ta buộc phải hiểu những người tấn công cảnh sát, dân phòng là một lũ côn đồ hung hãn, một nhóm tội phạm sẵn sàng chống người thi hành công vụ chứ không phải lái, phụ xe đường dài và việc cảnh sát nổ súng chết người chỉ xảy ra sau khi “Trung úy Tuấn (Hùng?) nổ hàng loạt phát súng chỉ thiên cảnh cáo nhưng nhóm thanh niên vẫn lao vào giằng co cướp súng. Khẩu súng trên tay Trung úy Tuấn (Hùng?) phát nổ trúng vào ngực anh Mạnh khiến anh này tử vong tại chỗ” (Vtc.vn).
Được biết đại tá Lê Anh Tuấn nguyên là Chánh văn phòng công an thành phố Hồ Chí Minh mới được điều về quận Thủ Đức, chắc chắn ông rất có kinh nghiệm khi cung cấp thông tin cho truyền thông. Vậy thì vì sao khi còn đang điều tra, chưa có lời khai của nạn nhân và nhân chứng mà đã kết luận ngay, rằng nhóm tài xế, phụ xe khi bị “yêu cầu kiểm tra hành chính” thì “phản ứng rồi xông vào tấn công” cảnh sát?
Có vài câu hỏi phải đặt ra:
Thứ nhất: liệu ngồi nhậu vỉa hè lúc đó ngoài các lái, phụ xe từ Đà Lạt xuống còn có nhóm đối tượng “bản địa” nào khác “dị ứng” với cảnh sát khu vực?
Thứ hai: thái độ của công an, dân phòng khi “kiểm tra hành chính” như thế nào khiến cho nhóm lái xe “phản ứng rồi xông vào tấn công”. Nên nhớ lái xe rất ngại va chạm với cảnh sát, chuyện này thì có lẽ không cần dẫn chứng.
Thứ ba: nhóm lái xe giằng co cướp súng trước hay sau khi nạn nhân Mạnh bị bắn chết, nạn nhân chết vì một hay nhiều viên đạn bắn vào ngực vì theo Kienthuc.net.vn cập nhật lúc: 08:00 30/12/2014 thì “khi đến nơi, chúng tôi nhìn thấy một thanh niên nằm chết với nhiều vết máu trên ngực”?
Thứ tư: Khi nào thì công an và dân phòng được phép kiểm tra hành chính? Khi nhận thấy các biểu hiện vi phạm pháp luật hay cứ thấy ngồi ăn ở vỉa hè là kiểm tra?
Không biết việc cung cấp thông tin mang tính định hướng dư luận, kết luận ngay rằng những người ngồi ăn trên vỉa hè là tội phạm và công an đang “truy bắt những đối tượng liên quan đến vụ gây rối, chống người thi hành công vụ” là có vội vàng không?
Điều cần thiết hiện nay là công an quận Thủ Đức cần cung cấp thông tin khách quan, trung thực, có bằng chứng, dẫn chứng thuyết phục chứ đừng vội “bênh người nhà”. Cần phải chứng minh được rằng trung úy Hùng đã hành động đúng chứ không phải là chứng minh nhóm lái, phụ xe sai.
Người dân có thể sai nhưng không thể vì cái sai đó mà lấy đi sinh mạng con người.
Câu chuyện người dân tham gia giao thông bị cảnh sát dừng xe liền đưa “tờ rơi” cho cảnh sát là được đi, không bị phạt vẫn còn là một câu hỏi. Nay với kết luận vụ việc mà đại tá Tuấn công bố, người ta buộc phải suy luận:
Thứ nhất: Công an đã làm đúng.
Thứ hai: Người dân đã làm sai.
Thứ ba: Người dân có thể chưa đúng nhưng công an không sai.
Đây không chỉ là chuyện chống người thừa hành công vụ mà còn là chuyện bắn chết người, chuyện sử dụng vũ khí của lực lượng công an khi thi hành công vụ, chuyện kết luận một vụ việc khi chưa tiến hành điều tra cụ thể.
Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ và hy vọng công an thành phố Hồ Chí Minh sớm có kết luận công bằng, minh bạch dựa trên các bằng chứng xác thực chứ không phải là những suy đoán chủ quan./.
Nguồn: Giáo Dục Việt Nam