Thạch Đạt Lang (Ba Sàm)
8-5-2016
Việc cá chết hàng loạt ở bờ biển trên 4 tỉnh miền Trung, trải dài trên 240 km, khởi đi từ nhà máy luyện thép Vũng Áng, khu công nghiệp Formosa, thị xã Kỳ Anh – Hà Tĩnh, qua Quảng Bình đến Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, đến nay đã hơn một tháng.
Cho đến hôm nay, nguyên nhân cá chết hiện vẫn chưa được chế độ CS Hà Nội thông báo chính thức. Phản ứng chậm chạp, cố ý trì hoãn, những tuyên bố chồng chéo, trốn tránh trách nhiệm hay những hành động mị dân, ngu xuẩn của các lãnh đạo cộng sản Hà Nội khiến tác hại cùng ảnh hưởng việc cá chết lan rộng trên cả nước, đặc biêt là môi trường bị hủy hoại nặng nề.
Căn cứ vào những chỉ dấu thu thập được từ nhiều nguồn, cá chết hàng loạt là do nhiễm các chất độc và kim loại nặng hòa trong nước biển bị ô nhiễm do chất xả từ khu công nghiệp Formosa thải ra.
Thiệt hại về kinh tế chưa thể ước tính, trước mắt là hàng trăm ngàn ngư dân ở ven biển 4 tỉnh nói trên bị mất ngư trường, không thể đánh bắt được các loại hải sản…, hoặc nếu có, cũng khó tiêu thụ khi mang về cảng vì không kiếm được người mua, thương lái.
Nhưng thiệt hại về môi trường còn ghê gớm, nặng nề, dai dẳng hơn. Môi trường ở vùng biển 4 tỉnh nói trên sẽ bị tác hại lâu dài có thể kéo dài vài chục năm. Người, sinh vật, cây cối trong vùng sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời tác động lẫn nhau gây ra tình trạng quái thai, èo oặt, dị dạng, phát triển không bình thường…Tin mới nhất cho biết, rạn san hô lớn nhất ở Quảng Bình đã chết.
Ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại này?
Căn cứ những khảo cứu, đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng với câu trả lời của Chu Xuân Phàm, giám độc đối ngoại của Formosa, câu trả lời đã có, dù chưa được nhưng cũng có thể không bao giờ được chế độ CS công khai nhìn nhận.
Qua việc thuê mướn một giáo sư người Nhật, ông Yoshihiko Yamada lên truyền hình VTV1 trả lời ngư dân rằng: Để điều tra nguyên nhân cá chết nhiều khi kéo dài cả năm, chứng tỏ chế độ CS Hà Nội đang tìm cách câu giờ, định hướng dư luận để bào chữa cho Formosa.
Thủ đoạn này cũng lừa được một số người nhẹ dạ, cả tin vì không ai biết ông Yoshihiko Yamada nói gì, chỉ thấy VTV1 dẫn lời như trên.
Giả thiết là các điều tra, kiểm nghiệm, phân tích nước biển… chứng minh KCN Formosa là thủ phạm trong biến cố cá chết hàng loạt nói trên được công bố thì ai, cơ quan nào có tư cách pháp nhân để đứng ra kiện Formosa, đòi bồi thường thiệt hại cho ngư dân cũng như môi trường?
Hồ sơ khởi tố sẽ gửi đi đâu, cho ai? Tòa án nào sẽ phán xét, tòa trong nước hay ngoại quốc? Luật sư nào có đủ khả năng (chuyên môn lẫn tài chánh), kinh nghiệm và can đảm để đảm trách vụ kiện? Đây là các câu hỏi nhức nhối cho những ai muốn tìm được câu trả lời.
Có tư cách pháp nhân cao nhất để kiện Formosa xả chất thải độc hại làm ô nhiễm môi trường khiến cá chết hàng loạt là sở Tài Nguyên & Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh, kế đó là bộ Tài Nguyên & Môi Trường mà Trần Hồng Hà là bộ trưởng.
Trong một quốc gia dân chủ, tự do, tam quyền phân lập thì vụ kiện sẽ dễ dàng được xét xử trong nước. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ không xảy ra tại VN, bởi chế độ CSVN không phải là chế độ tam quyền phân lập, mọi quyết định tối thượng đều do đảng CSVN quyết định.
Chính Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN đã tuyên bố hiến pháp CHXHCNVN là văn bản có giá trị thứ hai sau cương lĩnh của đảng CS.
Cho dù có công nhận nguyên nhân việc cá chết hàng loạt là do chất độc xả ra từ KCN Formosa thì việc kiện tụng Formosa ở trong nước cũng khó hình thành.
Đưa Formosa ra tòa về tội làm ô nhiễm môi trường sẽ làm chấn động, rung rinh, có nguy cơ giật sập chế độ CS, bởi những bí mật, gian dối được thỏa thuận, ký kết giữa Formosa và UBND Hà Tĩnh cùng những khoản tiền hối lộ cho lãnh đạo đảng CSVN sẽ được Formosa vì tự vệ sẽ tiết lộ, phơi bày.
Khi sở TN & MT Hà Tĩnh cùng bộ TN & MT của CSVN không đứng tên kiện Formosa thì người dân ở Hà Tĩnh và những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng từ sự ô nhiễm, hủy hoại môi trường có quyền đứng tên khởi tố tập thể.
Lúc đó đơn khởi tố không nên nằm trong phạm vi quốc gia nữa, mà nên gửi tới tòa án quốc tế, bởi nếu chỉ nằm trong phạm vi quốc gia, CS Hà Nội dễ dàng nhận chìm vụ kiện hoặc nếu có xử vì sức ép của công luận thì ngư dân cũng khó lòng thắng kiện.
Nếu được đem xử tại tòa án quốc tế với lý do ảnh hưởng của sự ô nhiễm không chỉ ở Việt Nam mà còn có thể lan rộng sang các nước láng giềng khác, vụ kiện sẽ lôi kéo được sự quan tâm, can thiệp của quốc tế. CS Hà Nội sẽ khó lòng ngăn chặn, bưng bít hay dùng thủ đoạn mờ ám để cho Formosa thắng kiện.
Trước đó, những luật sư soạn thảo hồ sơ khởi tố cần tham khảo sự góp ý, cố vấn của các chuyên viên, luật sư về môi trường trên thế giới.
Do sự bất minh, tham nhũng, hối lộ nặng nề của chế độ CS Hà Nội từ trung ương đến địa phương, xác suất để hình thành vụ kiện KCN Formosa dù trong phạm vi quốc gia hay quốc tế sẽ rất nhỏ, gần như bằng zero.
Tuy nhiên, nếu vụ kiện xảy ra trên chính trường quốc tế, phải dự trù CSVN sẽ che chở cho Formosa, tìm mọi cách ngăn chận không cho việc khởi tố hình thành, kể cả sử dụng những biện pháp bá đạo như hăm dọa, bắt bớ, khủng bố các luật sư, thủ tiêu nhân chứng, vật chứng, tài liệu…
CSVN cũng có thể từ chối không cho những phái đoàn, cá nhân hay tổ chức giảo nghiệm đến những nơi bị ô nhiễm nặng nề thu thập bằng chứng, đánh giá sự thiệt hại của môi trường.
Chính vì lý do đó, thiết nghĩ chúng ta cũng nên chuẩn bị, nếu may mắn vụ kiện trở thành hiện thực. Còn nếu may mắn hơn nữa, vì sức ép của người dân, CSVN bắt buộc phải thay đổi thể chế, chấp nhận đa nguyên, đa đảng, bầu cử tự do như Miến Điện, cơ hội kiện và thắng kiện Formosa rất lớn.
Để có thể thắng kiện, bắt Formosa phải bồi thường thiệt hại cho ngư dân, cũng như phải chịu hoàn toàn chi phí trong viêc làm sạch, tái tạo môi trường ở những vùng biển bị thiệt hại, mỗi người trong chúng ta, ngay từ lúc này nên thu thập dữ kiện, bằng chứng bất cứ từ đâu, từ nguồn nào. Thí dụ như video clip dài 2 phút do đài truyền hình VTC đưa lên You Tube chứng minh cá thả trong nước biển lấy từ Vũng Áng chết trong vòng chưa tới 2 phút, các bài báo, hình ảnh của các phân tích viên, khoa học gia, những nghiên cứu, thí nghiệm, phân tích nước… chứng minh rằng cá chết do các chất độc, kim loại nặng có trong chất thải xả ra từ KCN formosa, những tuyên bố của các viên chức trong chính quyền…
Với những người quan tâm đến biến cố, nếu có điều kiện, phương tiện, nên đi đến các làng chài, những nơi có cá chết, tiếp xúc với ngư dân, thu thập dữ kiện, tài liệu, hình ảnh, tên tuổi, địa chỉ nhân chứng, dự đoán thiệt hại của mỗi gia đình ngư dân trong trong tuần, tháng để sau này có thể làm nền tảng cho thiệt hại chung cũng như số tiền đòi bồi thường khi luật sư cần đến.
Ở Mỹ có những văn phòng luật sư chuyên về môi trường nổi tiếng, có thể nhờ họ đứng đơn, đại diện người dân VN lập hồ sơ khởi tố. Các văn phòng này thường chỉ nhận khi họ thấy khả năng thắng kiện lớn hơn thua nhiều lần.
Thông thường các văn phòng này ít khi đòi hỏi thân chủ ứng trước toàn bộ lệ phí. Tuy nhiên, phí tổn cho những vụ kiện như thế thường rất lớn, tiền honorar cho luật sư thường là 40% trên tổng số tiền bồi thường. Người dân VN nên chuẩn bị quyên góp một quỹ pháp lý khi quyết định khởi kiện Formosa.
Nếu hình thành, đây sẽ là vụ kiện của thế kỷ 21, bởi nó liên quan đến sự sinh tồn của hàng trăm ngàn người nếu không muốn nói là của cả dân tộc, đất nước Việt Nam.