Việt Nam Thời Báo

Lầm lẫn dùng văn chương cố tình bênh vực quan chức tham nhũng tới hai lần

Phùng Hoài Ngọc
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

 Mấy tuần qua dư luận phàn nàn rằng ông Nguyễn Phú Trọng TBT hai lần gặp gỡ cử tri Hà Nội khi bị chất vất mạnh mẽ, ông sử dụng công cụ văn chương tục ngữ để thanh minh và bênh vực đám quan chức đảng viên tham nhũng. Chúng tôi thấy ông “cố tình” bởi vì ông bất chấp văn chương hoặc vì ông hiểu lầm văn học.

Lần 1: Ông Nguyễn Phú Trọng tố oan nhà Phật tham nhũng

Chiều 7/12/2013, đoàn Đại biểu thành phố Hà Nội tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri Hà Nội sau kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII. Trước những ý kiến gay gắt của cử tri về tình hình tham nhũng ở nước ta, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tham nhũng lãng phí là những vấn đề rất nhức nhối. Tham nhũng là vấn đề của mọi chế độ, mọi quốc gia, mọi thời kỳ. “Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh. Cho nên chúng ta phải xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt. Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng”.

Nào, chúng ta giở sách Tây Du ký của Ngô Thừa Ân đọc lại xem sao.

Tây du ký viết rằng khi A Nan và Ca Diếp đòi “ít nhiều lễ vật” để giao kinh, thầy trò Đường Tăng nói đừng xa chưa có sắm được lễ vật. Hai vị tôn giả cười nói “Giao kinh công không thế này người sau đến chết đói mất”. Rồi giao bộ kinh không có chữ. Sau thầy trò Đường tăng đến khiếu nại với phật tổ Như Lai. Phật Tổ cười nói “Nhà ngươi chớ nói ồn lên. Chuyện hai người đó đòi lễ vật ta đã biết rồi. Có điều là kinh không phải ai cũng cho, mà cũng không thể cho không được. Trước đây các tỳ kheo thánh tăng xuống núi cũng đem bộ kinh này đọc hết một lượt cho nhà trưởng giả họ Triệu ở nước Xá Vệ, giữ cho nhà ấy người sống an toàn, người chết siêu thoát, chỉ nhận được của nhà ấy ba đấu ba thăng vàng cốm đem về. Ta vẫn báo bọn họ bán rẻ quá, con cháu đời sau lấy tiền đâu mà sử dụng. Các người ngày nay tay không đến cầu cho nên họ mới đưa quyển trắng …”. Nói xong ra lệnh cho đem các bộ kinh có chữ giao cho thầy trò. Hai tôn giả vẫn đòi đưa tiền lễ. Tam Tạng phải bảo Sa Tăng lấy cái bát tộ bằng vàng tía hai tay dâng lên”.

Trên đây là nguyên văn trích trong Hồi thứ 98 Tây du ký của nhà văn Ngô Thừa Ân.

Đời sau đọc hiểu câu chuyện trên như thế nào ? Có thực nhà Phật đòi hối lộ ?

Có hai vấn đề cần chú ý khi phân tích tác phẩm văn học.

Giáo trình văn học TQ biên soạn và giảng dạy theo quan điểm Mác- Lê- Mao, người viết sách là những trí thức vô thần, luôn luôn tìm mọi cách đả kích tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng nên đã vội kết tội nhà Phật tiêu cực. Giáo trình đó khi được biên dịch qua tiếng Việt cũng giữ tinh thần y chang (các giáo sư Việt Nam như Trương Chính, Lương Duy Thứ, Lê Huy Tiêu, Lê Đức Niệm, Nguyễn Khắc Phi chủ trì biên dịch và giảng dạy ở đại học Hà Nội đã không hề tự chủ độc lập nghiên cứu, cứ thế dịch ra và truyền dạy). Cựu sinh viên Nguyễn Phú Trọng học môn này từ khoa Văn trường ĐHTH (nay là Trường ĐHKHXH-NV Hà Nội) khi đọc hiểu tác phẩm Tây Du, lại thiếu tinh thần phân tích duy vật- biện chứng, cũng không thể khá hơn các bậc sư phụ được.

Chùa Lôi âm tự ở Tây Trúc làm thế nào để có tiền mua giấy chép kinh ? Mua mực chép kinh? Ai trả công cho những người chép tay ? Số lượng kinh chép tay phân phát cho người đời nhiều lần, ắt phải tổn phí tiền bạc (duy vật chủ nghĩa đây nhá). Nhà chùa giao cho thầy trò một số kinh khá lớn (chất đầy lưng ngựa, phần còn lại Sa Tăng quảy một gánh nữa). Hai vị tôn giả đòi tiền bạc của thầy trò Đường Tăng để tái sản xuất, phục vụ cho nhiều người khác nữa. Như thế rõ ràng là công bằng hợp lý và có tính hiện thực. Các nhà làm phim Tây Du cũng cố tình hùa theo quan điểm đả kích tôn giáo mà bôi bác nhà Phật. (Thử so sánh: các nhà tuyên huấn Maoist và Việt Nam từng in nhiều sách chính trị bán rẻ hoặc phát không nhờ sẵn có tiền ngân sách nhà nước bù lỗ, do chúng sinh lao động đóng thuế mà nên, vậy thì Cộng sản có gì ưu việt hơn nhà Phật ?).

Vấn đề thứ hai: thầy trò Đường Tăng tiếc rẻ cái bát tộ bằng vàng do vua Đường cấp cho khi lên đường tây du vốn chỉ dùng để xin ăn. Nay thầy trò đã thành chính quả thì còn tiếc gì đồ vàng bạc? Nhà văn tạo tình huống này giúp 4 thầy trò bàn giao cái bát tộ vàng, cắt đứt thói tham sân si phàm tục trước khi chuyển hóa họ thành Phật. Nhà văn Ngô Thừa Ân viết như thế thực là chu đáo, khéo léo và tinh tế. Thầy trò khoa Văn đại học tổng hợp HN những năm 60 thế kỷ trước đã không hiểu được ý tứ của nhà văn họ Ngô, bởi vì thầy trò khoa Văn nghiên cứu học hành chưa đắc đạo. Cho đến tận cuối năm 2013 cựu SV nay là GSTS.Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ nhận thức mê lầm về văn học cổ điển Trung Hoa. Bởi vậy, ông Trọng trổ tài uyên bác nói với cử tri Hà Nội của ông “Chiều 7/12/2013, đoàn Đại biểu thành phố Hà Nội tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri Hà Nội sau kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII. Trước những ý kiến gay gắt của cử tri về tình hình tham nhũng ở nước ta, tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tham nhũng, lãng phí là những vấn đề rất nhức nhối. Tham nhũng là vấn đề của mọi chế độ, mọi quốc gia, mọi thời kỳ. “Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh. Cho nên chúng ta phải xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt. Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng”.

Xin quý bạn so sánh những phân tích của tôi và ý kiến của ông Trọng xem ai thực là người “khoa học và biện chứng”?
(nguồn: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong)

Lần 2.“Ném chuột cần phải giữ bình hoa”

Theo VNN đưa tin, trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội trước kỳ họp Quốc Hội, ngày 10-6.2014, TBT Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp nghe rất nhiều kiến nghị liên quan chống tham nhũng và tiêu cực. Ông nói:
“Phải bình tĩnh tĩnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định”.

Xin hỏi ông Trọng: đám chuột tham nhũng nó ăn hết lương thực, người dân bị đói, ai cần giữ cái “bình hoa” để làm gì?

Điều thứ hai, ông Trọng chưa nói rõ muốn “giữ được ổn định” cho ai? Thiên hạ bàn luận rằng, ý ông Trọng chỉ là muốn ổn định cho Đảng. Chứ nếu kiên quyết diệt hết bọn quan chức tham nhũng thì lý gì lại làm cho “xã hội mất ổn định”?!

Đi tìm nguồn gốc của tục ngữ “Ném chuột phải giữ bình hoa”

Chúng tôi đã nhìn thấy bản gốc Hán của câu tục ngữ được ông Nguyễn Phú Trọng TBT tâm đắc, nay xin diễn giải chính xác hơn:

欲投鼠而忌器 “Dục đầu thử nhi kỵ khí”.
(Muốn ném chuột mà lại tránh đồ đạc !)

Người TQ còn rút gọn lại như thành ngữ dạng bốn chữ cho dễ nhớ: 投鼠而忌 “Đầu thử nhi kỵ” (Ném chuột mà còn tránh !)

Ý nghĩa câu tục ngữ gốc là phê phán sự rụt rè, ngập ngừng của người đánh chuột. Tục ngữ không nhằm khuyên ngăn người ném chuột đâu đấy.

Người Việt từ bao giờ đã quen chuyển dịch câu tục ngữ thành “Ném chuột tránh vỡ bình”. E rằng quan điểm của “ông bà ta xưa và Bác Hồ” chỉ là lo giữ “đồ đạc” mà chịu sống chung với lũ chuột ăn hại, dơ bẩn gây bệnh dịch, mất vệ sinh, như ông TBT Nguyễn Phú Trọng tâm đắc nhắc lại với cử tri Hà Nội.

Chú thích

Theo học giả Nguyễn Cung Thông, câu tục ngữ trên có ở trong sách “Hán Thư” 漢書 (nhà sử học Ban Cố đời Hán bắt đầu soạn khoảng thế kỷ I trước công nguyên) nhưng ông Thông lại diễn giải theo cách hiểu của người Việt.

Trong Kinh Thi, Khổng phu tử có chép bài dân ca“Chuột mập” (nguyên văn 碩鼠Thạc thử) nội dung là lời than thở của dân chúng về nạn chuột to mập vì ăn hại lúa của dân chúng. Dân chịu hết nổi phải rủ nhau bỏ đi xứ khác. Hiển nhiên bài thơ ám chỉ quan lại thời nhà Chu tham nhũng bóc lột dân chúng như loài chuột mập.



PHN

Tin bài liên quan:

VNTB – Đời sống kinh tế – chính trị ở Việt Nam đầy u uất

Baraju T. Ogelefecejo

Vì sao Bản Kết luận Điều tra của Bộ Công an không liên quan tới trang Ba Sàm?

Phan Thanh Hung

Đỗ Thị Minh Hạnh đã đến được Áo để thăm Mẹ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo