Lấy phiếu tín nhiệm trước, chất vấn sau: Vẫn ngược đời muôn thuở!

Thiên Điểu
* Tác giả gửi bài cho VNTB

Câu chuyện “lấy phiếu tín nhiệm” với 49 chức danh chủ chốt trong chính phủ vừa hạ màn. Câu chuyện chất vấn ở Quốc hội được kéo lên. Nhìn qua thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần 2 có thể xem là việc bình thường, việc chất vấn ở Quốc hội đã thực hiện hơn một năm nay cũng là bình thường. Nhưng cái bình thường ấy chỉ là “có vẻ bình thường” mà cách làm thì luôn bất bình thường.

Những cái ngược bất bình thường!

Bỏ qua chuyện dư luận đánh giá cuộc bỏ phiếu “lấy tín nhiệm”, thực chất là cuộc đấu đá trong nội bộ. Ngay việc đích thân ngài Tổng bí thư giải thích câu chữ phải là “lấu phiếu tín nhiệm” chứ không phải là bỏ phiếu tín nhiệm – để xác định ai xứng đáng và ai không xứng đáng. Kết quả sẽ xác định chuyện “đi – ở” sau kết quả kiểm phiếu, thì “lấy phiếu tín nhiệm” mang hàm ý cảnh cáo nửa vời hơn là một mục đích rõ ràng, quyết liệt. Nó thể hiện càng rõ khi ngay trước cuộc bỏ phiếu một ngày, thông tin báo chí không được đưa tin, tác nghiệp…, sau đó cải chính vào gần giờ chót cho thấy một ý định mập mờ nhằm kiểm soát cuộc lấy phiếu tín nhiệm theo định hướng nào đó. Câu nói dân dã “đánh rắn giữa khúc” có thể cũng chưa đúng trong cuộc lấy phiếu này vì nó mới chỉ là “xua rắn” chứ chưa “đánh” ai cả!

Ở một tổ chức, nhất là tổ chức quyền lực chóp bu, lãnh đạo một đất nước mà khi thực hiện một cuộc trưng cầu công khai đánh giá năng lực, uy tín toàn diện. Nhưng đến khi có kết quả không hề thấy bấy cứ thay đổi nào, không có bất cứ hình thức kỷ luật, cách chức với ai thì chỉ có thể hiểu nó là trò hề, làm cho có hoặc là cuộc mặc cả quyền lực với nhau sau hậu trường mà thôi!

Một cái ngược khác ở đây: Ngay sau khi kết quả công bố, nhìn vào thứ tự sắp xếp có thể thấy ngay người chịu trách nhiệm cao nhất trong Chính phủ là đương kim thủ tướng vẫn ở vị trí trung bình. Một số “tư lệnh ngành” đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế, xã hội như ngân hàng, đầu tư, bất chấp những sai phạm, hệ lụy dẫn đến bức tranh đen tối của Việt Nam mấy năm qua vẫn đạt mức “tín nhiệm cao”. Nó cho thấy lá phiếu được cân nhắc ở góc độ đánh giá cá nhân với cá nhân hơn là một biểu thị trách nhiệm bản thân trước tập thể, trước đất nước.

Với kết quả chung cuộc “an toàn cho tất cả”, cuộc lấy phiếu tín nhiệm khép lại, nhường chỗ cho  phiên chất vấn ở Quốc hội. Vấn đề đặt ra là: Nếu để “lấy tín nhiệm”, tại sao không  chất vấn trước để lắng nghe rồi mới bỏ phiếu? Vì nếu như thế, các bộ trưởng sẽ có cơ hội đối thoại công khai để các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm một cách khách quan hơn. Tuy là hoạt động được hoạch định mang tính định kỳ, nhưng tại sao không bố trí để nó phù hợp, đúng nguyên lý của nó mà lại ngược như vậy?

Một kết quả khác nhìn thấy ngay là cuộc lấy phiếu tín nhiệm  nhanh chóng được chuyển vào hậu đài, nhường chỗ cho chất vấn tại Quốc hội. Nhưng nhìn qua một lượt trên truyền thông, người ta dễ thấy vấn đề được “quan tâm” nhiều hơn lại là sự cố khai man tuổi của Công Phượng, hình ảnh danh hài Công Lý bận quần slip trên bìa cuốn sách Luật dân sự… Có thể nói những nội dung “trời ơi” này còn nổi hơn cả độ nóng trong cuộc chất vấn các bộ trưởng. Rõ ràng tất cả đã tạo nên một bức tranh chính trị với những chuyện ngược đời muôn thuở.

Bỏ gốc lấy ngọn

Qua ba ngày chất vấn tại Quốc hội, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy không khí chất vấn lần này ít kịch tính và các nội dung cũng ít có những câu hỏi mang tầm sâu sắc, có giá trị giải quyết vấn đề triệt để. Đương nhiên, các câu trả lời của các Tư lệnh ngành cũng vậy.

Phát biểu mở màn của ông Phạm Đức Châu (ĐBQH Quảng Trị) cho biết đến giờ chót, sáng 17/11/2014 – ngày bắt đầu chất vấn – mới nhận được báo cáo của Chính phủ, phải chăng là có phần từ nguyên nhân chờ kết quả cuộc lấy phiếu tín nhiệm trước đó?

Ý kiến của ĐB Trần Du Lịch, nếu nói những nội dung liên quan cơ chế quản lý, vấn đề nông nghiệp… thì nội dung đề xuất “bán khách sạn ở Thành phố để hỗ trợ ngư dân” lại rơi vào cái tính toán hạn hẹp kiểu cộng trừ mà không phải là chiến lược, thiếu tính hệ thống và không vạch ra ý nghĩa lâu dài cho một ngành nghề.

Nói về vấn đề tham nhũng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyên đặt ra: “Một cán bộ phát biểu trên truyền hình là cán bộ ta chưa bao giờ đòi dân đưa hối lộ cả mà dân cứ đưa. Tại sao phải đưa? Vì dân không có niềm tin vào anh, sợ anh không công tâm thì họ phải đưa thôi. Cho nên cần phải xây dựng lòng tin cho dân, làm cho dân tin”. Nhưng tại sao không là đặt vấn đề tăng cơ chế, chính sách thực thi các quyền công dân trong Hiến pháp để người dân dùng quyền của mình chống lại các hành vi tham nhũng? Bởi vì người dân không có các quyền dân chủ cơ bản nên mới mất lòng tin, mới bị ép vào cái thế không hối lộ không xong việc.

Phần chất vấn dành cho BT bộ GTVT có thể nói là sôi động nhất. Thế nhưng có đại biểu đặt vấn đề hài hước đến mức cả người chất vấn lẫn người trả lời phải bật cười. Tuy nội dung không có gì đáng bàn, nhưng rõ ràng có vẻ như người ta tập trung nhiều vào BT Thăng vì ông là một người hiếm hoi trong Chính phủ hiện nay có khả năng ứng đối và tác phong làm việc thực tế hơn cả. Các nội dung liên quan chất vấn chỉ xoay quanh các phản ánh mà cũng “lờ” đi nội dung có thể đặt ra giải pháp mang tính xây dựng, giải quyết tận gốc.…

Qua chất vấn ngành Công thương và Ngân hàng thì càng nhạt, thấy rõ xu hướng tung hứng, che đỡ lẫn nhau khá rõ nét. Khi mà các nội dung đưa ra cũng “nhạt độ” khá nhiều nếu so với các ngành khác.

Tóm lại, các chất vấn, các nội dung mà các đại biểu khác đưa ra hầu hết đều có chung cách đặt vấn đề và trả lời tương tự như vậy. Tựu trung vẫn là cái vòng xoay mở ra kéo vào trên sân khấu đã được định hướng sẵn.

Chưa biết kỳ chất vấn này có màn nức nở “cố gắng hoàn thành nhiệm vụ” để cụ Tổng đứng ra vuốt ve “nên thương cảm cho bộ trưởng” hay không?

Hãy chờ xem.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)