Việt Nam Thời Báo

Liệu các khoản nợ có bị lấp đi?

Các khoản nợ từ trái phiếu chính phủ, nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ đọng xây dựng cơ bản,… đang được chia tách và quản lý bằng các văn bản khác nhau thay vì tính vào nợ công. Liệu bất cập này có được khắc phục khi Quốc hội sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN)?

Dự thảo Luật NSNN sửa đổi phải được thiết kế để tuân thủ một nguyên tắc cơ bản là các khoản thu, chi NSNN phải được dự toán và do luật định như điều 55 của Hiến pháp đã quy định. Nguyên tắc cơ bản này phải là công cụ cơ bản để giải quyết những lỗ hổng hiện nay.
Từ thực tế… lọt sổ
Về phạm vi tính bội chi ngân sách, theo Luật NSNN hiện hành, bội chi NSNN không phản ánh khoản vay bằng phát hành trái phiếu chính phủ cho lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi; khoản vay về cho vay lại… Điều đáng nói là, theo thừa nhận của một báo cáo của Chính phủ, dù không được tính vào bội chi ngân sách, thì những khoản vay này được tính vào nghĩa vụ nợ của Chính phủ, nợ công và được bố trí để trả nợ. Đây là vấn đề “đại sự” bởi lâu nay Chính phủ vẫn phát hành một số lượng lớn trái phiếu chính phủ cho bù đắp bội chi, song lại không được tính vào bội chi hàng năm.
Một báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tính đến cuối năm 2014, tổng lượng trái phiếu chính phủ đã phát hành đạt 882.062 tỉ đồng, tăng 9,5 lần so với năm 2010. Như vậy, mỗi năm, phát hành lên tới 220.000 tỉ đồng. Một số lượng tiền rất lớn song không phản ánh trong bội chi – vốn chỉ ở mức 4,8-5,5% GDP, theo báo cáo của Chính phủ.
Hiện tại, quan điểm về tính bội chi như trên đang được xem xét lại, và bội chi đang được đề xuất trong dự thảo Luật NSNN sửa đổi là cần tính đúng, tính đủ theo thông lệ quốc tế. Khoản 4, điều 7 của dự thảo quy định, bội chi ngân sách trung ương được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và ngoài nước, bội chi ngân sách địa phương được bù đắp bằng nguồn vay trong nước (phần chênh lệch giữa số vay trừ đi chi trả nợ gốc) và quy định rõ nguồn bù đắp bội chi NSNN được xác định trên cơ sở vay trong nước, bao gồm cả từ nguồn công trái, trái phiếu chính phủ… và vay nước ngoài, trong đó có phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường vốn quốc tế.
Nếu luật được thông qua, quy định theo thông lệ quốc tế như vậy chắc chắn sẽ cho thấy rõ mức bội chi hàng năm thực sự sẽ lớn như thế nào.
Dự thảo Luật NSNN sửa đổi phải được thiết kế để tuân thủ một nguyên tắc cơ bản là các khoản thu, chi NSNN phải được dự toán và do luật định như điều 55 của Hiến pháp đã quy định.
Những thảo luận co kéo… việt vị
Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đang duy trì quan điểm vốn vay về cho vay tiếp tục không tính vào bội chi ngân sách. Lý do là hiện nay, Chính phủ thực hiện vay ngoài nước với hai mục tiêu là: (1) vay ưu đãi từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho bù đắp bội chi NSNN để đầu tư các chương trình, dự án thuộc kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp; (2) vay ưu đãi, vay thương mại của các nước và các tổ chức quốc tế để thực hiện cho vay lại đối với các dự án đầu tư phát triển có khả năng thu hồi vốn, bao gồm cả các dự án cơ sở hạ tầng. Khoản vay về cho vay lại này không tính vào bội chi NSNN.
Chính phủ giải thích, khi còn tiếp tục thực hiện cơ chế vay về cho vay lại thì thực hiện theo dõi và quản lý thông qua Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài, không phản ánh vào cân đối NSNN (không tính vào bội chi NSNN) vì đây là khoản vay đã xác định được nguồn để trả nợ, mặt khác đối tượng nhận vay chủ yếu là các doanh nghiệp, không phải là đối tượng của NSNN.
Quy định trách nhiệm trả nợ thuộc về các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước song trên thực tế, nhiều dự án không hiệu quả hoặc do quản lý, điều hành yếu kém, dẫn tới không có khả năng trả được các khoản nợ đến hạn, buộc phải chi trả nợ thay từ Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài. Điển hình là các dự án xi măng như Xi măng Đồng Bành với khoản vay 3,49 triệu đô la Mỹ, Tổng công ty Cơ khí xây dựng 4,25 triệu euro, Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) 4,25 triệu euro, Công ty Xi măng Ninh Bình 74,55 triệu đô la Mỹ. Đây là số liệu tổng hợp từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Báo cáo năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước cho biết thêm, một số dự án của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gặp khó khăn trong việc trả nợ, Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài phải ứng trả nợ thay lớn và có nguy cơ biến thành nghĩa vụ trực tiếp của NSNN. Chỉ riêng năm 2013, quỹ này đã ứng trả nợ thay cho sáu dự án tới 992 tỉ đồng (tương đương 47 triệu đô la Mỹ). Đến cuối năm 2013, số còn phải thu về quỹ này đối với số tiền ứng trả nợ thay cho các dự án là 3.956 tỉ đồng (tương đương 188 triệu đô la Mỹ), bằng 2,1% tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết thêm, chỉ 81 dự án được Chính phủ bảo lãnh đã có số dư nợ nước ngoài là 8.960 triệu đô la Mỹ (188.486 tỉ đồng), tăng gần 24% so với năm 2012.
Đây là những bằng chứng NSNN đã phải “trần lưng” ra trả nợ cho DNNN. Điều này rất đáng lo ngại khi nợ của khu vực DNNN rất lớn. Theo Báo cáo số 512/BC-CP ngày 25-11-2014, nợ nước ngoài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 325.936 tỉ đồng, trong đó, vay lại vốn ODA của Chính phủ là 125.061 tỉ đồng; vay lại nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 122.543 tỉ đồng, còn lại là các tập đoàn, tổng công ty tự vay, tự trả.
Những khoản nợ trên mới chỉ là một phần của tảng băng nợ của khu vực doanh DNNN. Báo cáo của Chính phủ số 512/BC-CP ngày 25-11-2014 cho biết, tổng số nợ phải trả của toàn bộ các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ là trên 1,6 triệu tỉ đồng.
Nợ công – tính đúng, tính đủ để biết đường lo
Theo các chuyên gia, nếu tính nợ của DNNN vào nợ công, thì nợ công phải lên đến hơn 100% GDP.
Trái phiếu chính phủ và nợ của DNNN mới chỉ là hai trong số hàng loạt tiêu chí cho nợ công. Trên thực tế, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất và quản lý phí cho các ngân hàng thực hiện chính sách xã hội, nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng, nợ quỹ bảo hiểm xã hội, nợ đọng xây dựng cơ bản, một phần nợ của khối DNNN vẫn chưa được tính vào nợ công.
“Chúng ta nên tính toán lại các chỉ số về nợ công theo đúng bản chất kinh tế của nó, thay vì tính toán theo các quy định của pháp luật về quản lý nợ công hiện hành”, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) tha thiết đề nghị Quốc hội khi thảo luận về kinh tế – xã hội và NSNN đầu tuần trước. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại: “Nếu tính cho đủ, cho đúng mức nợ công theo bản chất kinh tế, nợ công sẽ tăng thêm tới bao nhiêu, các con số về nợ công sẽ thế nào, nguồn thu ngân sách trong tương lai liệu có đảm bảo luôn trang trải được các nghĩa vụ trả nợ đến hạn hay không?”.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa, thành phố Đà Nẵng, bổ sung thêm: “Nợ công đang tăng ở mức độ cao 15-20%/năm trong một thập niên gần đây, tỷ lệ nợ công/GDP tăng mấp mé vạch đỏ 65% GDP. Nhưng nguy hiểm hơn ở chỗ tỷ lệ giữa nghĩa vụ trả nợ và thu ngân sách đã vượt ngưỡng 25%, dự kiến sẽ chạm mức gần 30% năm 2015. Đây chính là mối nguy hiểm trực tiếp và đáng lo ngại nhất của nền kinh tế. Đây là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay”.
Những vấn đề thực tế, và những băn khoăn của hai vị đại biểu và nhiều vị khác có được thẳng thắn đề cập khi bàn và thông qua dự luật NSNN sửa đổi tới đây? Liệu nguyên tắc các khoản thu, chi NSNN phải được dự toán và do luật định như Hiến pháp quy định có thực sự được tôn trọng?
Theo Tư Hoàng (Thesaigontimes)

* VNTB đặt lại hình ảnh

Tin bài liên quan:

VNTB – Năm 2023 đầy khó khăn đối với Chính phủ Phạm Minh Chính

Do Van Tien

Việt Nam đang bội chi gấp đôi chuẩn thế giới

Phan Thanh Hung

Dù vượt ngưỡng 5% Quốc hội giao, bội chi ngân sách vẫn trong giới hạn

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo