Việt Nam đã có hơn 130 triệu sim ĐTDĐ, các thiết bị di động khác cũng có thể gắn sim vào. Nếu như tích hợp được trên điện thoại cầm tay thì sẽ có nguồn dữ liệu về trạng thái giao thông trên đường.
Ngay lập tức, ý tưởng này bị phản ứng gay gắt. Dư luận cho rằng làm thế khác gì theo dõi nhau, vậy là vi phạm quyền riêng tư. Hơn nữa, trong rất nhiều trường hợp, dữ liệu báo về từ ĐTDĐ sẽ không chính xác khiến chủ thuê bao bị phạt oan. Nói chung là hoàn toàn không phù hợp, không khả thi.
Tất nhiên, bên đề xuất có lý lẽ riêng của mình. Ví dụ như phải có sự đồng thuận giữa chủ thuê bao và nhà mạng rồi mới áp dụng…
Nếu như đề xuất tịch thu xe bị phản đối lẫn được ủng hộ thì đề xuất mới này – xét trên thái độ tiếp nhận ban đầu của dư luận – thì hầu như không ai ủng hộ. Họ nêu ra rất nhiều tình huống bất hợp lý mà có lẽ phía đề xuất chưa hề nghĩ tới.
Tốt hơn hết, trong tình hình giao thông Việt Nam nhức nhối như vậy, trách nhiệm trước tiên của cơ quan hữu trách là hãy giải quyết những vấn đề gốc rễ, như cải thiện đường sá, nâng cao trách nhiệm đội ngũ thực thi công vụ, thi hành nghiêm pháp luật về giao thông. Còn các giải pháp “tăng cường”, kiểu như những đề xuất trên, nếu được vận dụng đi nữa thì cũng xử lý được phần ngọn của vấn đề mà thôi.
Không phải ý tưởng nào cũng trở thành sáng kiến, vì thế cần thận trọng khi chính thức công bố. Hồi cuối năm 2014, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐH Kinh tế – ĐHQG Hà Nội tiếp tục đề xuất phá giá tiền đồng 3%-4% trong vòng 2-3 năm tới thông qua một số bước với biên độ 1%-1,5% “để trả lại sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa”.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoRea) đề xuất đánh thuế thu nhập đối với khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng “nhằm chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư sản xuất, kinh doanh”. Rồi Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho nhập xe tuk tuk về dùng “để hạn chế xe máy”.
Đầu năm 2015, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội đề xuất triển khai thí điểm xe buýt dành riêng cho phụ nữ “nhằm chống quấy rối tình dục”. Mới đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị các bộ hữu quan “tôn trọng” cam kết bảo hộ ngành mía đường trong nước! Kể sao cho hết những “tối kiến” bị bác bỏ hoặc rơi vào lãng quên sau khi dư luận và báo chí lên tiếng, qua đó mới thấy ở xứ ta có tình trạng mạnh ai nấy đề xuất, miễn là có lợi cho ngành mình, dễ cho việc quản lý của lĩnh vực mình.
Thực tế đó cũng bộc lộ cách làm chính sách thiếu chuyên nghiệp, phi thực tiễn. “Đi trên mây” mà làm chính sách thì chính sách ấy sẽ chết từ trong trứng nước, nếu chẳng may được áp dụng thì… chết dân! Vì thế, phải thấy rằng lòng dân, ý dân thông qua phản biện là cực kỳ quan trọng.
(Theo Người lao động)