“Thấp cổ bé họng” thì hứng đòn. Ảnh: IJAVN |
Vụ việc “ xử lý” trên liên quan đến chuyện chặt hạ, thay thế cây xanh ở Hà Nội và chuyện còn “năm ăn năm thua” về cây trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm hay cây mỡ.
Nội dung thông báo có lẽ không cần nhắc lại thì ai ai cũng tỏ “đường đi lối về”, chỉ ngày hôm qua thôi, đồng loạt các phương tiện thông tin đã đăng tải nguyên vẹn thông báo này, khiến cộng đồng tranh luận nảy lửa với chỉ đạo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Lãnh đạo phòng PA 83 cũng quả quyết là “không có bất cứ văn bản nào gửi cho trường Đại học Lâm nghiệp về việc xử lý thông tin với báo chí, đó là quy chế, chuyện nội bộ của nhà trường, PA 83 không can thiệp”.
Để dư luận không hiểu lầm “đá bóng nhầm sân”, lãnh đạo PA 83 cho biết đã có băn bản gửi trường Đại học Lâm nghiệp, đề nghị cải chính thông tin này, để tránh gây ảnh hưởng, uy tín của cơ quan công an.
Ngay lập tức, người phát ngôn của trường Đại học Lâm nghiệp – ông Nguyễn Vũ Lâm – Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, lên tiếng với công luận, rằng không có chuyện phòng PA 83 chỉ đạo nhà trường xử lý cá nhân của trường. Lỗi thuộc người soạn thảo văn bản.
Rằng, “người soạn thảo đã không diễn đạt đúng chủ trương của nhà trường”. Rằng, “tinh thần của thông báo chỉ là nhắc lại một thông báo khác trước đó, trường đã ban hành liên quan đến quy chế phát ngôn, ngoài ra không cấm ai hoặc kiểm điểm ai”.
Thông báo số 373 tuy không còn trên website của trường Đại học Lâm nghiệp, nhưng ông Nguyễn Vũ Lâm khẳng định văn bản số 373 chính là do nhà trường phát hành.
Rõ ràng nội dung thông báo số 373 ghi rất rõ “sẽ thi hành kỷ luật theo quy định, nếu có vi phạm”, giờ dư luận phản ứng thì ông mới lại “không cấm ai hoặc kiểm điểm ai”. Lỗi này cũng tại người soạn thảo chăng?
Ông Nguyễn Vũ Lâm quả đã “vụng chèo” nhưng lại chẳng “khéo chống”.
Ừ thì, cứ cho là người soạn thảo văn bản cố nâng quan điểm để “hù dọa” mấy vị giáo sư, tiến sĩ, giảng viên của nhà trường đã “cầm đèn chạy trước ô tô”. Bởi theo lời của ông Lâm thì “những nội dung còn đang tranh luận, thảo luận thì chưa được phép phát ngôn”.
Khổ nỗi, Sở Xây dựng Hà Nội đã khẳng định là cây vàng tâm, cớ sao các giáo sư, tiến sĩ lại cứ “cây mỡ”. Giá cây vàng tâm và cây mỡ là chênh nhau một trời một vực, thưa các vị chỉ chú tâm nghiên cứu khoa học.
Ừ thì, cứ cho là lỗi của người soạn thảo văn bản, chẳng lẽ khi Hiệu trưởng Trần Văn Chứ cầm bút ký, ông lại không “liếc” qua nội dung văn bản hay sao.
Hay ông quá tin vào người “kề cận” mà ông đã tin tưởng giao phó cho “ký nháy” trước.
Để giờ đây chẳng ai chịu trách nhiệm về một văn bản đã đóng dấu, ban hành.
Cuối cùng, như thông lệ, người “hứng chịu” lại là người “thấp cổ, bé họng”.
* Tiêu đề gốc: “Thấp cổ bé họng” hứng đòn