Chuyển giao nhân sự: Chính phủ, Thủ tướng đảm bảo trách nhiệm
Về mặt pháp lý, các phó thủ tướng, bộ trưởng được Bộ Chính trị phân công công tác mới vẫn là thành viên Chính phủ.
Cụ thể đó là trường hợp của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng (những chức danh được Quốc hội phê chuẩn) vừa được Bộ Chính trị phân công đảm nhận công tác mới.
![]() |
Phó chủ nhiệm VPCP Nguyễn Khắc Định. Ảnh: Phạm Hải
|
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều nay, VPCP cho biết: Theo Hiến pháp và luật Tổ chức chính phủ, nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ QH, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh phó thủ tướng, bộ trưởng do QH phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng. Đồng thời, theo Quyết định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ, những trường hợp này thuộc diện Bộ Chính trị quản lý và phân công công tác.
Do vậy, về mặt pháp lý, những trường hợp này vẫn là thành viên Chính phủ. Trách nhiệm lãnh đạo, quản lý chỉ đạo, điều hành các công việc vẫn do Chính phủ, Thủ tướng đảm bảo.
Cụ thể Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã điều chỉnh phân công công việc của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đảm nhiệm; của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng giao cho Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường; của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên giao cho Phó chủ nhiệm VPCP Nguyễn Khắc Định.
Vẫn chưa trình luật Biểu tình
Trả lời câu hỏi về việc UBTVQH không đồng ý với đề xuất lùi dự án luật Biểu tình, VPCP cho biết theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH, Chính phủ đã phân công, chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan soạn thảo dự án luật này.
Đây là một dự án luật quan trọng, phức tạp và nhạy cảm. Việc xây dựng được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, chặt chẽ. Thường trực Chính phủ và Thủ tướng đã họp cho ý kiến chỉ đạo về tư tưởng, quan điểm, nội dung cơ bản để định hướng cho việc soạn thảo.
“Ngay sau khi có ý kiến của UBTVQH (ngày 17/2/2016), VPCP đã báo cáo, Thủ tướng đã có ý kiến đề nghị UBTVQH chưa đưa nội dung cho ý kiến đối với dự án luật này vào chương trình kỳ họp thứ 11 của QH với lý do cơ quan chủ trì dự án luật chưa chuẩn bị kịp để trình Chính phủ xem xét tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016”, VPCP cho hay.
Đưa trang tin điện tử vào dự án luật Báo chí
Liên quan đến luật Báo chí (sửa đổi) dự kiến được thông qua vào tháng 3/2016 nhưng trong cuộc họp UBTVQH mới đây có ý kiến đề nghị luật quản lý cả trang thông tin điện tử, VPCP cho biết tiếp thu ý kiến UBTVQH, dự thảo luật đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định phù hợp với đặc điểm của trang thông tin điện tử tổng hợp và thông tin có tính chất báo chí trên mạng xã hội.
Trả lời về việc xử lý trách nhiệm các sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, VPCP khẳng định: “Đây là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có liên quan đến nhiều cấp quản lý. Quan điểm của Chính phủ là phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý quy hoạch đô thị, trật tự đô thị, quản lý đầu tư xây dựng và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật”.
Thu Hằng
Vietnamnet
————-
Quốc hội sắp dành một tuần xem xét nhân sự cấp cao
Quốc hội dự kiến sẽ dành thời gian từ 6/4 đến 14/4 để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định triệu tập kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá 13, khai mạc vào ngày 21/3 và dự kiến bế mạc vào ngày 14/4 tại Thủ đô Hà Nội.
Trong công văn mời các đại biểu về dự họp, Tổng thư ký Quốc hội thông tin: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho phép chưa trình dự án Luật Biểu tình tại kỳ họp này để có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, hoàn thiện việc chuẩn bị dự án.
Tại dự kiến chương trình làm việc của kỳ họp gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ dành thời gian từ ngày 6/4 đến 14/4 để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.
Chương trình cụ thể về nội dung này sẽ được trình Quốc hội tại phiên họp trù bị, vào lúc 8h sáng 21/3.
Chương trình cụ thể về nội dung này sẽ được trình Quốc hội tại phiên họp trù bị, vào lúc 8h sáng 21/3.
Trước đó, ở phiên họp thứ 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, khi xem xét việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11 của Quốc hội, nội dung về công tác nhân sự cũng đã được đưa ra và nhận được phản hồi khác nhau từ các thành viên của Uỷ ban.
Một số ý kiến cho rằng, tại kỳ họp này Quốc hội chỉ nên miễn nhiệm các chức danh của một số vị đã được phân công nhiệm vụ mới, chứ chưa nên xem xét nhân sự khác.
Ngoài một tuần làm nhân sự, kỳ họp thứ 11 – kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ – Quốc hội dành chủ yếu thời gian để xem xét báo cáo công tác nhiệm kỳ của chính mình và của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chính phủ, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tổng kiểm toán Nhà nước.
Quốc hội cũng sẽ nghe và thảo luận về kế hoạch tài chính, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch đầu tư công 5 năm tới.
Các dự án luật sẽ được thông qua tại kỳ họp gồm: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi), Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), Luật Dược (sửa đổi), Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), Luật Báo chí (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.
Vneconomy
———————-
* Tựa đề do VNTB đặt