Chắc chắn, những “địa chủ, tư sản” thời mới- những ông “quan cách mạng” thời mới vẫn sẽ tiếp tục sinh sôi nảy nở, nếu như cách làm vẫn còn duy ý chí, và nửa vời như lâu nay. Nếu không có được những giải pháp chính trị- kinh tế gắn bó, hỗ trợ nhau bền chặt.
Không phải ngẫu nhiên, từ xa xưa, từ thời nhà nước phong kiến đến nay, trong ngôn ngữ Việt Nam, nói đến đồng lương, người Việt vẫn dùng nhiều cụm từ khác nhau. Đó là bên cạnh lương, còn có lương bổng, lương lậu, thu nhập. Người viết bài tạm thời định nghĩa cho phù hợp với tinh thần… thời đại
Công thức: Lương + bổng lộc + lậu
Lương là đồng tiền lĩnh hàng tháng, được nhận theo quy định của nhà nước.
Bổng (lộc) là những giá trị vật chất (tiền bạc, tài sản, đất đai) được nhà nước đó cấp theo chức sắc, ngạch bậc hoặc ban thưởng cho. Bổng (lộc) trong XH mà nền quản trị quốc gia thiếu công khai minh bạch bao nhiêu càng dễ “giao thoa” sang “đặc quyền- đặc lợi” bấy nhiêu.
Lậu là những khoản không nằm trong những quy định của nhà nước (lương, bổng lộc), mà là những khoản người ta tự kiếm được bằng mọi cách phi pháp. Có thể bằng tham nhũng, ăn hối lộ. Cái chữ “lậu” mang ý nghĩa không chính danh, mà phải kiếm kiểu chui lủi, “đi đêm” không đàng hoàng. Mặc dù cái việc “đi đêm” đó diễn ra giữa ánh ngày, với ngựa xe bóng bẩy, áo quần bảnh bao.
Thu nhập: Với những người lao động, không có bổng lộc, cũng lại không có vị thế để tham nhũng, ăn hối hộ, ngoài lương, họ kiếm thêm bằng lao động, làm thêm, gọi là thu nhập. Khác với thu nhập của người lao động, “lậu” là khoản thu nhập không chính đáng của giới có quyền thế.
Cũng chính vì thế, không phải ngẫu nhiên, mà XH mới đây dấy lên sự ồn áo bàn tán với rất nhiều cách lý giải khác nhau trước thông tin Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đưa ra theo báo cáo thực hiện nghị quyết về chất vấn của Quốc hội.
Theo đó, mức lương cơ sở hiện hành 1.150.000 đồng/tháng thực hiện từ ngày 1/7/2013 mới đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2015 của khu vực doanh nghiệp (2.600.000 đồng/tháng).
Điều này dẫn đến các mức lương ngạch, bậc, chức vụ thấp theo, tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức tiền lương của người tốt nghiệp đại học hết tập sự khoảng 3,58 triệu đồng/tháng, bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng/tháng. Đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.
Có điều lạ, nếu như dư luận dễ thống nhất về mức lương của người lao động còn khó khăn, thì nhận định “lương Bộ trưởng cũng chỉ khoảng 14,4 triệu đồng/tháng còn nhiều khó khăn” của ông Bộ trưởng Nội vụ lại khá… khó khăn khi muốn nhận sự đồng cảm từ XH.
Không phải từ những người lao động một nắng hai sương, mà sự phản ứng, phản biện lại nhận định này của ông Bộ trưởng Nội vụ, lại bắt đầu từ những cựu quan chức, hoặc những ĐBQH trong guồng máy, trong nghị trường.
Ông Cao Sĩ Kiêm, ĐBQH đoàn Thái Bình thẳng thắn: Nếu nói mức lương của Bộ trưởng hiện nay khó sống thì rất vô cùng. Thực tế thì không ai khó sống, mà lại sống rất đoàng hoàng so với tiêu pha. Thu nhập “thực” của họ, tôi biết, gấp xa nghìn lần mức lương mà họ đang hưởng. Số liệu đó không phản ánh chính xác thực tế. Vì còn nhiều khoản thu nhập… ngoài không được kê khai, tính vào lương mà mình không biết, không thống kê được (VTC, ngày29/5).
ĐBQH Dương Trung Quốc thì vẫn hóm hỉnh như mọi lần: Nhìn cách sống là biết Bộ trưởng thu nhập rất cao. Nếu không, tại sao lương thấp vậy người ta vẫn muốn làm Bộ trưởng (Dân trí, ngày 29/5).
Còn ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) thì nhận xét: Nói lương là thế, nhưng tổng thu nhập của Bộ trưởng khác với lương, họ không khai làm sao mà biết được. Khoản này thì không có văn bản nào quy định. Cho nên, chừng nào chưa cải cách chế độ tiền lương mà chỉ sửa một cách chắp vá, tăng lương một cách nhỏ giọt như thời gian qua thì còn nhiều bất cập (LĐO, ngày 28/5).
Nói cho công bằng, những nhận xét trên của các ĐBQH vẫn chưa có tính “định lượng” cụ thể, nhưng vì sao XH tin ngay, chấp nhận ngay. Và các quan chức lại im lặng là vàng. Vì sao?
Người viết bài tin rằng, XH không ai “suy bì” tị nạnh với đồng lương cao, thậm chí rất cao được trả cho các quan chức, khi đồng lương đó tương xứng với tài đức, với cái tâm, cái tầm, với trách nhiệm XH vì nước, vì dân của các vị, nếu những thước đo về cống hiến và hưởng thụ, giữa cá nhân với cộng đồng rõ ràng, minh bạch.
Nhưng dư luận ồn ào, bàn tán, chính là bởi, dù muốn dù không, những khiếm khuyết và bất cập lâu nay của XH đã “định lượng” được những điều kiện minh chứng cho nhận định của các ĐBQH nói trên là có lý.
Đó là cơ chế quản lý XH còn thiếu minh bạch.
Đó là việc kiểm soát nguồn gốc tài sản của các quan chức, thực chất chỉ dừng ở mức thấp- kê khai, khác hoàn toàn bản chất với khái niệm công khai
Đó là tệ nạn tham nhũng đã ở mức “giặc nội xâm”, mà nhiều giải pháp hiện nay còn ít hiệu quả.
Đó là sự xử lý các hành vi sai phạm pháp luật, vi phạm tư cách đạo đức của những quan chức còn ở dạng “giơ cao đánh khẽ”, không đủ sức răn đe để những quan chức khác nhìn vào đó mà… “dọn mình”.
Và rõ ràng, có những quan chức trong XH, lương chỉ là danh chính ngôn thuận để ký tên trong sổ sách. Thực chất, “lương thật” của họ phải bao gồm: Lương (theo quy định) + bổng lộc+ lậu nữa, mới có thể xênh xang nhà lầu, xe hơi, con cái du học các nước tư bản.
Từng ấy những cái “đó” đặt trong hoàn cảnh mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu, nhưng nhất là mức lương hưu của người lao động (chưa đến 1.000.000 đ/tháng), trong bối cảnh giá điện, giá xăng lúc tăng lên lúc tụt xuống, nợ công của mỗi người dân lên tới 21 triệu đồng, không chỉ tạo nên sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc, mà còn tạo nên sự bất công rõ rệt giữa số đông dân chúng lao động, và bộ phận quan chức đặc quyền- đặc lợi.
Thế nên, mọi sự cải cách tiền lương của Bộ Nội vụ, nếu không có tầm nhìn chiến lược gắn với sự thay đổi, xóa bỏ những khiếm khuyết, bất cập của nền quản trị quốc gia hiện nay, thì xét cho cùng, cũng chỉ mang tính chất chắp vá, chẳng có ý nghĩa tác động gì nhiều vào việc xóa bỏ cái hố ngăn cách giầu nghèo, xóa bỏ sự phân hóa ngày càng sâu sắc. Và cái thước đo cũ kỹ, hình thức, đầy cảm tính “lương bộ trưởng 14triệu/ tháng, còn nhiều khó khăn” của Bộ Nội vụ đưa ra, chỉ làm tổn thương thêm lòng tin của người dân lao động vốn xưa nay cun cút làm ăn, toan lo nghèo khó.
Chỉ mặt đặt tên nhóm lợi ích
Khái niệm lợi ích nhóm (tiêu cực) từ lâu đã không còn xa lạ với dư luận XH. Nhưng có lẽ là lần đầu tiên được một quan chức- ông Vũ Ngọc Hoàng (Phó trưởng Ban Thường trực Ban TGTƯ), thẳng thắn nhìn nhận, và thừa nhận sức tàn phá kinh khủng của nó với những vấn đề lý luận rành mạch và hậu quả cực kỳ tai hại của lợi ích nhóm, đã gây ra sự chú ý, bàn luận trong XH, tuần qua.
Có điều, lợi ích nhóm (thực chất là những nhóm tham nhũng) cũng chỉ được dư luận XH biết đến khi những đường dây tham nhũng bị bắt, bị truy tố trước pháp luật dân biết mặt, tòa biết tên.
Còn nếu chưa bị truy tố, lợi ích nhóm luôn là một thứ kẻ thù “ảo”. Dù vậy, sự tàn phá XH của nó lại rất thật, rất ghê gớm. Vì quy mô câu kết rộng lớn, đa dạng thành phần, chiếm lĩnh trận địa ở bất cứ lĩnh vực nào, ngành nghề nào.
Chả lẽ, định nghĩa về tầng lớp dân trong XH hiện nay, chỉ nên gom về 03 nhóm: Người dân lao động; cán bộ, quan chức tử tế; và các nhóm lợi ích?
Lần đầu tiên, ông Vũ Ngọc Hoàng chỉ tận tay, day tận trán những đặc điểm của các nhóm lợi ích. Người viết bài chú ý nhất đặc điểm đầu tiên, vì nó vừa nhãn tiền, vừa nguy hiểm bởi tính lâu dài ngự trị của nó mà nếu không có giải pháp chế ngự, hữu hiệu, XH sẽ bị điều chỉnh bởi những chính sách có lợi cho các nhóm lợi ích mà thôi:
Đó là có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động, cùng phân chia lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong nhà nước và trong đảng cầm quyền. Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội (Tuổi trẻ, ngày 02/6)
Ngoài 04 nguyên nhân mà người viết bài (KD) phân tích ở phần trên (cơ chế quản lý XH thiếu minh bạch; việc kiểm soát nguồn gốc tài sản của các quan chức mang tính hình thức; giải pháp chống tham nhũng còn chưa hiệu quả; và xử lý sai phạm không đủ sức răn đe), có một nguyên nhân cực kỳ quan trọng, góp phần không nhỏ tạo nên các nhóm lợi ích mà ông Vũ Ngọc Hoàng nêu lên trong bài viết.
Đó là cơ chế xin- cho, mang tính ban phát tồn tại nặng nề ở khối các DNNN. Có thể nói, các vụ án khủng dính líu tới các đường dây (nhóm lợi ích) tham nhũng, đều nảy nở từ các DNNN. Các DNNN càng được… chiều chuộng, o bế, nguy cơ nảy sinh các nhóm lợi ích càng mạnh.
Chính vì thế, chưa bao giờ, tiếng nói của các ĐBQH trong kỳ họp lần này, lên án và báo động thực trạng tham nhũng lại thẳng thắn, thậm chí gay gắt đến thế. Bởi lẽ, tham nhũng thực sự đe dọa “sự tồn vong của chế độ”. Khi mà những con sâu mọt nảy nở như có… gien đột biến. Từ rất lâu, dân gian đã tổng kết sự ngoan cố của những kẻ tham nhũng bằng câu thành ngữ mới: Hy sinh đời bố, củng cố đời con.
Nhưng vỏ quýt dày, cần móng tay nhọn. Tại phiên thảo luận sửa đổi Bộ luật Hình sự chiều 26-5, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, đã phải thốt lên chua xót: Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng? Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa! (Dân trí, ngày 29/5)
Một câu hỏi và một câu trả lời- đều đích đáng, nhưng đầy sự bất bình, và có cả như sự… bất lực!
Chia sẻ những quan điểm này, Nguyên Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Độ còn cho rằng cách hành xử đối với tham nhũng càng làm mất lòng tin của người dân: Tội tham ô, nhận hối lộ quy định hình phạt tử hình nhưng thực tế không xử lý được bao nhiêu. Dân bảo các ông hô hào thôi chứ có làm được đâu? Thậm chí có những người tham ô nhưng về mặt Đảng chỉ cảnh cáo thôi. Tức là có độ chênh giữa quy định và thực thi trên thực tiễn … (Dân trí, ngày 29/5)
Chắc chắn, những bất công, phân hóa giàu nghèo còn sâu sắc. Chắc chắn, những “địa chủ, tư sản” thời mới- những ông “quan cách mạng” thời mới sẽ vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở, nếu như cách làm vẫn còn duy ý chí, và nửa vời như lâu nay. Nếu không có được những giải pháp chính trị- kinh tế gắn bó, hỗ trợ nhau bền chặt.
Một cơ chế kiểm soát, quản lý công khai, minh bạch.
Một sự kiểm soát nắm tận ngọn nguồn, tận gốc những đồng tiền, tài sản, gia sản của quan chức.
Một sự khẩn trương, tích cực tái cơ cấu kinh tế, cổ phần hóa các DNNN, tạo mặt bằng môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng trong XH.
Một sự xử lý nghiêm khắc đúng người, đúng tội những vị cán bộ tham nhũng- thực chất là thoái hóa, biến chất.
Không ai có thể làm mất niềm tin của người dân nhanh chóng như những “vị” sâu mọt bảnh bao này.
Sự hưng thịnh, suy vong của nước Việt giờ đây không chỉ phụ thuộc vào tốc độ phát triển kinh tế- văn hóa- XH, mà chính là phụ thuộc vào sự đổi mới nền quản trị quốc gia- có công khai, minh bạch hay không, có gắn với các giải pháp kinh tế, có phản chiếu đúng các thang giá trị về đạo lý, tạo nên phẩm cách một dân tộc công minh, công bằng hay không?
Theo Kỳ Duyên (Tuần Việt Nam)
* VNTB đặt lại ảnh minh họa