Mấy mẩu chuyện biên tập

Bùi Minh Quốc
 
(VNTB) – Một đồng nghiệp làm việc lâu năm ở báo Nhân Dân có lần đã kể cho tôi nghe chuyện nhà văn Nguyễn Tuân “xin” chữ từ Ban biên tập của báo ấy. Báo định đăng một bài của Nguyễn Tuân nhưng thấy cần phải cắt mấy câu, vài chữ, tuy vậy không tự ý quyết định mà mời nhà văn đến toà soạn để bàn bạc thoả thuận (có lẽ đấy là đối riêng với Nguyễn Tuân, chứ với phần lớn cộng tác viên thì hẳn chẳng được trọng thị như thế). Bàn bạc một hồi, Nguyễn Tuân (chắc là bất đắc dĩ) chấp nhận cả, nhưng trỏ vào một chữ, bảo: “Xin để lại cho chữ này, một chữ này thôi”. Cuộc bàn bạc diễn ra giằng co, toà soạn thì khăng khăng muốn cắt, tác giả thì nằn nì xin để lại.
 
Chuyện nghe kể đã lâu lắm, tôi không còn nhớ kết cục thế nào, nhưng điều đọng lại đến nay là luôn phải tự xác định ý thức về sự hệ trọng của chữ nghĩa – dù chỉ một chữ, một chữ thôi cũng đủ để khiến xảy ra giằng co giữa người viết báo và người làm báo.
2 – Phần tôi, về sự “cắt”, có một kỷ niệm không bao giờ quên, chẳng phải là nỗi đau bị cắt, mà lại là niềm vui và niềm tri ân.Vâng, vui và tri ân! Sau ít ngày gửi bài thơ cho báo Lao Động, tôi được nhà thơ Thái Giang, biên tập viên phụ trách trang văn hoá – văn nghệ của báo mời đến toà soạn để trao đổi ý kiến. Năm ấy tôi mới 26 tuổi, nhà thơ Thái Giang hơn tôi 10 tuổi, lại là tác giả trường ca “Lửa sáng rừng” nổi tíếng đoạt giải nhất tạp chí Văn Nghệ, tờ tạp chí uy tín hàng đầu miền Bắc thời đó. Bằng một giọng Nghệ (hay Tĩnh ?) nhỏ nhẹ, anh Thái Giang khẽ khàng bảo tôi: “Bài thơ của Quốc tốt đấy, đăng được đấy, tuy nhiên, mình đề nghị Quốc cắt đi một chữ”. Anh đưa lại cho tôi bản thảo bài thơ và trỏ vào cái chữ anh đề nghị cắt, nói thêm “Chữ này Quốc không  muốn cắt cũng không sao, nhưng mình thấy cắt đi thì thích hơn”.
 
Chữ ấy nằm ở câu kết bài thơ. Nó là chữ : “Trở”
 
Nguyên gốc khi sáng tác tôi viết thế này :
 
“Những đứa trẻ từ trong nôi bước ra
 
Trở thành dũng sĩ.”
 
Một cảm giác rất lạ râm ran dậy lên khắp người tôi khi 2 câu kết bài thơ hiện ra đã cắt đi chữ “Trở”
 
“Những đứa trẻ từ trong nôi bước ra
 
thành dũng sĩ”
 
Tôi thầm đọc trong đầu, thấy hơi thơ mạnh hẳn, cả bài thơ mạnh hẳn. Đây không phải “bị” cắt mà là “được” cắt. Điều này giờ đây nếu tôi không nói ra thì chẳng ai biết, và Thái Giang có lẽ cũng đã quên khuấy đi rồi, bởi trong đời một biên tập viên như anh thì có vô vàn những trường hợp như tôi vừa kể. Một lần nữa tôi cám ơn Thái Giang đã cắt giúp tôi một chữ thừa. Và không phải chỉ chừng đó. Cái quý báu hơn cả mà tôi được tiếp nhận từ Thái Giang là thái độ tôn trọng của một biên tập viên đàn anh đối với một cộng tác viên trẻ mới vào nghề.
 
3 – Cũng trong năm ấy, tôi có bài thơ “Thái Nguyên ơi!” sau khi đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội đã được NXB Văn Học chọn in trong một tuyển tập các tác giả trẻ. Khỏi nói tôi khoái chí thế nào. Nhưng khi tới NXB nhận nhuận bút và sách biếu, mở ra cái trang in  thơ của mình đọc lại, thì một nỗi ức vụt trào lên đầy ngực.Một câu thơ của tôi đã bị sửa một cách không thể nói khác hơn là ngu xuẩn.
 
Câu thơ của tôi thế này :
 
Tôi đến đây không mang theo gì chỉ mang theo tuổi trẻ
 
Đã bị sửa thế này :
 
Tôi đến đây không mang theo gì ngoài đôi tay rắn khoẻ
 
Nhà thơ Xuân Hoàng, biên tập viên trong tổ biên tập thơ, người tiếp tôi hôm ấy, tỏ ra rất thông cảm với nỗi ức của tôi. Khi tôi truy hỏi anh về sự tùy tiện sửa hỏng thơ tôi như thế, anh vỗ vai tôi thì thầm an ủi: “Sự đã lỡ rồi, Quốc thông cảm, biên tập cuốn này là bác…(anh nêu tên một nhà thơ già), bác ấy đã có tuổi, lại rất chủ quan…”
 
Cho phép tôi được lưu ý các đồng nghiệp và bạn đọc, mấy đoạn kể trên đây là chuyện biên tập trong văn chương, còn trong báo chí thì hẳn là khác nhiều. Nhưng tôi vẫn nghĩ, dù khác thế nào thì có 2 điều nhất định không thể khác :
 
–  Cả tác giả lẫn biên tập viên, luôn phải trung thực, trách nhiệm đến từng chữ.
 
–  Luôn phải chăm lo xây dựng thật tốt mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau giữa người làm báo chí, xuất bản với người viết báo viết văn.

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)