Việt Nam Thời Báo

Miễn nhiệm là ‘đảo chính hợp hiến’?

Luật sư Lê Quốc Quân
Gửi cho BBC từ Hà Nội


                         Bộ tứ cũ sẽ chỉ còn ông Nguyễn Phú Trọng ở lại sau hơn hai tuần nữa

Ba nhân vật quan trọng nhất của Nhà nước Việt Nam là Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ sẽ bị “miễn nhiệm” trong vòng 10 ngày tới. Theo Đại từ điển Tiếng Việt[1]thì “miễn nhiệm” nghĩa là “không cho giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ”.

Nói cách khác, họ sẽ vĩnh viễn đi vào lịch sử như là những nhân vật bị “phế truất” mặc dù chỉ còn mấy tháng nữa là sắm tròn một vai, cụ thể như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ hai tháng nữa là tròn 10 năm làm thủ tướng.

Theo lý thuyết thì khi lãnh đạo cao nhất của một nước bị “phế truất” thì đó là một “Coup d’éta” – đảo chính. Khác biệt ở đây là “cuộc đảo chính này” không bất thường về nội dung và không bất ngờ về thời gian.

Việc này được đảng gọi là “kiện toàn một bước” và Nhân dân có thể thấy “sắp xếp” này là bình thường vì đã quen với việc bị đảng cộng sản dắt mũi.

Nhưng ba nhân sự này nên ý thức sâu hơn về tính pháp lý và giá trị của bản thân mình. Họ nên biết rằng từ “miễn nhiệm” sẽ dần dần được nói đến trong sử sách và cái trơ trơ của “ngàn năm bia miệng” vẫn ở lại khi họ đã về lâu nơi chín suối.

‘Hệ lụy kịch tính’

Xét về giá trị bản thân, Đảng cộng sản có một vòng xoáy ma lực lạ kỳ có thể giết chết được tính cá nhân và biến các đảng viên dù là cao cấp trở thành công cụ.

Không một ai có khả năng phá hủy vực xoáy âm sinh để bẻ gãy tính toàn trị của đảng trừ phi họ là người cao cấp nhất như Gorbachop. Ba nhân sự cao cấp nhất của Nhà nước đã không hình dung được hệ lụy đầy kịch tính sau này vì khi chấp nhận đứng về phe ông Trọng để “loại đồng chí X” cả Nguyễn Sinh Hùng và Trương Tấn Sang không ngờ là mình bị mất quyền lực gần như tuyệt đối ngay sau Đại Hội.

Khuynh hướng cởi mở và pháp quyền được nói đến hằng ngày trong suốt nhiều năm đã làm cho họ trở nên hồn nhiên và khả tín hơn, họ bị đánh lạc hướng vì tính hành chính công vụ của Nhà nước. Trong khi đó tổng bí thư là một chuyên gia bên Đảng, thừa cả thời gian và mưu sỹ để củng cố quyền lực tuyệt đối của đảng, theo kịch bản sớm nhất có thể.

  Các ông Nguyễn Sinh Hùng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng đã bị loại tại Đại hội XII

Xét về mặt pháp lý, việc miễn nhiệm là mâu thuẫn hoàn toàn với Điều 71, Điều 87 và Điều 97 theo đó Nhiệm kỳ của Chủ tịch Quốc Hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng là 5 năm và phải bắt đầu sau khi có quốc hội khóa mới.

Cho nên “Tam trụ” có thể căn cứ vào Hiến Pháp tiếp tục làm việc cho đến khi có quốc hội mới được bầu hoàn chỉnh. Quốc hội mới sẽ kiện toàn bộ bộ máy Nhà nước theo đúng trình tự của nó.

Thế nhưng Điều 4 của Hiến Pháp cũng cho phép Đảng cộng sản lãnh đạo Nhà nước. Khi chưa có một đạo luật quy định về “lãnh đạo” thì đảng có thể dùng Điều 4 Hiến pháp để tự tung tự tác, đánh lại các điều khoản khác trong Hiến pháp. Thông thường khi xảy ra mâu thuẫn ở cấp Hiến pháp thì một cơ chế bảo vệ Hiến Pháp sẽ xuất hiện.

Tuy nhiên, Điều 119 Hiến pháp hiện hành chỉ ghi vẻn vẹn một câu là “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do Luật định” nhưng đạo luật đó chưa ra đời. Có một cách khác là đảng căn cứ vào Khoản 3 Điều 71 của Hiến Pháp chỉ đạo Quốc hội rút ngắn nhiệm kỳ nhưng khi làm như thế vậy thì đảng công khai đặt đất nước vào “Tình trạng đặc biệt”. Đó là trường hợp nguy hiểm mà nếu có thì đảng cũng phải giấu đi.

Cơ quan tối cao của đảng là đại hội đảng nhưng thực tế chỉ là hợp thức hóa ý định của Trung ương. Trung ương cũng chỉ là làm theo ý của Bộ Chính trị mà Bộ chính trị cuối cùng cũng chỉ là ý định của một vài cá nhân. Nếu nhìn chiếc nón chúng ta sẽ thấy được tính toàn trị của xã hội hôm nay.


Là một luật sư, tôi thấy nếu các bên cùng cương quyết “theo Hiến pháp” thì sự xung đột lần này rất xứng đáng để đào sâu tìm kiếm lời giải quản trị Nhà nước trong học thuật và thực tiễn. Ngay như Hoa Kỳ, nhiều thực tế điều hành hôm nay vẫn thường xuyên được đưa ra tranh luận và giải quyết dựa trên tinh thần của một bản Hiến Pháp đã hơn 200 năm trước. Mỗi một lần như vậy, các nhà học thuật và chính trị gia đều học tập được rất nhiều điều.

Thế nhưng khi nghiên cứu về Hiến pháp Việt Nam, chúng ta chỉ thấy được sự “man dại” của những quy định mà hầu hết vướng mắc đều quy về do Điều 4. Ông Nguyễn Phú Trọng còn ngang nhiên tuyên bố “Hiến pháp là văn bản quan trọng bậc nhất sau cương lĩnh đảng”[2]. Câu nói này có bóng dáng của một “chúa sơn lâm” trong khu rừng rậm nơi các loài sinh vật tự đặt ra các quy định cho chính mình dựa vào quyền lực móng vuốt.

Cơ quan tối cao của đảng là đại hội đảng nhưng thực tế chỉ là hợp thức hóa ý định của Trung ương. Trung ương cũng chỉ là làm theo ý của Bộ Chính trị mà Bộ chính trị cuối cùng cũng chỉ là ý định của một vài cá nhân. Nếu nhìn chiếc nón chúng ta sẽ thấy được tính toàn trị của xã hội hôm nay. Từ trên chóp nón, một vài lãnh đạo chỉ đạo Trung ương, sau đó Trung ương chỉ đạo đại hội, chỉ đạo bầu nên quốc hội để thiết lập nhà nước ở Trung ương.

Và rồi những ủy viên Trung ương tiếp tục sắp xếp các vị trí ở Tỉnh, rồi xuống Huyện, xuống xã, thôn. Đảng cộng sản công khai thể hiện rõ tính chất toàn trị của mình thông qua tuyên bố rằng sự lãnh đạo của đảng là “toàn diện, triệt để”. Thế mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn tuyên bố “Dân chủ đến thế là cùng”. Đó thực sự là nhạo báng tiếng Việt.

Từ “Miễn nhiệm” cũng là một bất ngờ. Nó cho thấy sự lũng đoạn khủng khiếp của Đảng cộng sản lên “cái Nhà nước” mà đảng luôn mồm nói “dân chủ”. Nó còn cho thấy sự mong manh trong việc giữ ghế của các phe phái trong cuộc đua chính trị. Khi đứng về phía Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chơi đánh lại Nguyễn Tấn Dũng, Ông Trương Tấn Sang đã không hình dung là chính mình cũng sẽ bị “miễn nhiệm” vào 2/4 tới đây, trước cả Thủ tướng đương nhiệm 4 ngày.

Khi chống lại ông Dũng, Ông Sang cũng hoan hỷ đề cập đến những chồng hồ sơ đầy rẫy bằng chứng buộc tội thủ tướng trong suốt 8 năm qua. Thế nhưng nó đã vĩnh viễn bị xóa sổ khi Lê Hồng Anh đã ký văn bản xóa tội, công nhận “Đồng chí X” là trong sạch, và rồi cả hai cũng sẽ bị “miễn nhiệm” như nhau. Số phận chính trị của họ đã ràng buộc và họ bàng hoàng nhận ra xung đột này đưa đến kết quả là Miền Nam chỉ có 4/19 ủy viên Bộ Chính Trị mới [3] với một ảnh hưởng hạn chế.

Tại vì đêm dài lắm mộng

Câu chuyện về vua Lý Huệ Tông treo cổ tự vẫn khi Trần Thủ Độ nhắc khéo là “Nhổ cỏ nhớ nhổ cả gốc” vẫn còn ám ảnh những người làm chính trị trong bóng tối. Tư tưởng nho giáo đầy phản động vẫn cứ len lỏi trong đời sống chính trị Việt Nam và nó đã phát huy tác dụng khi có quá nhiều khuất tất và xung đột trong bầu bán.

Nếu như chính trường rộng mở cho báo chí, công khai rõ ràng số phiếu của từng ứng viên, từng phe phái thì chắc chắn nó sẽ đảm bảo một sự bền vững hơn và không ai dại gì lại phải miễn nhiệm 3 chức vụ quan trọng trước chỉ có 3 tháng để nhằm tránh một sự lo âu về khả năng “lật ngược” thế cờ tàn.

Một lý do khác nằm ở bản chất. Đối với những người cộng sản thì sự bất thường sẽ trở thành bình thường, mục tiêu có thể trở thành phương tiện, bạn có thể trở thành thù trong chốc lát. Chính vì vậy mà các quốc gia cộng sản đều tự nhận mình là chân chính, là anh em nhưng thường choảng nhau đau điếng. Để mục tiêu giữ rịt quyền lực thành hiện thực, mọi sơ suất phải được tra soát, danh sách rủi ro phải được liệt kê và gạch bỏ cẩn thận trong một check-list bí mật nhưng rõ ràng.

Mặt khác, yếu tố “tréo ngoe” trong điều hành giữa Đảng & Nhà nước kể từ khi sau Đại hội càng làm cho “phe đảng” có lý phải nhanh chóng “kiện toàn” để hợp thức hóa việc quản trị quốc gia. Không thể một ông Thủ tướng hay Chủ tịch nước lại đi xin chỉ đạo từ một ông Phó thủ tướng hoặc Trưởng ban. Đây chính là “lỗi hệ thống” rõ ràng nhất trong cỗ máy nhà nước mà tôi đã đề cập trên BBC hơn 10 năm qua.

Thế nhưng phải có một lý do gì quan trọng đến mức mà Đảng có thể xổ toẹt lên tất cả Hiến pháp, công khai thể hiện quyền lực tối thượng một cách vô lối của mình bằng việc thúc ép “tam trụ” phải nghỉ. Lý do đó phải gấp đến mức buộc người ta phải phải bốc cá ăn ngay chứ không còn thời gian dùng nồi để nấu. Theo tôi không gì khác ngoài sự mất chủ động của Việt Nam trong tương quan quốc tế. Biển Đông đang và sẽ trở thành một điểm nóng trên thế giới và nếu vấn đề bị quốc tế đẩy lên, trở thành ở một cấp của Uỷ ban Liên Hiệp quốc hay chiến tranh xảy ra giữa các nước lớn thì lập trường của Việt Nam phải được thể hiện rõ. Như thủy triều là do chính mặt trăng xa xôi gây ra, Việt Nam lên xuống bây giờ phần nhiều là do quốc tế. Một cú gọi giật từ Bắc Kinh hay Hoa Kỳ cũng làm cho vô khối kẻ mất ngủ.

Đêm dài lắm mộng. Bởi vậy, Tam trụ cũ sẽ phải chuyển giao quyền lực muộn nhất vào ngày 20/4. Đảng cộng sản do Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo phải cương quyết đảm bảo mọi việc phải suôn sẻ trước dịp kỷ niệm 42 năm ngày thống nhất đất nước; trước chuyến đi của Obama tới Việt Nam trong tháng 5; trước cả một cuộc sự va chạm có thể xảy ra trên biển Đông khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đều gia tăng mật độ phương tiện chiến tranh trên một vùng biển nhỏ và trước cả một âm mưu đảo chính thật có thể chỉ mới manh nha.

Luật sư Lê Quốc Quân
Gửi cho BBC từ Hà Nội

[1]Nguyễn Như Ý, Đại từ điển tiếng Việt, NXB…
[2]http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tong-bi-thu-de-phong-the-luc-muon-xoa-bo-dieu-4-hien-phap-2886937.html
[3]Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thiện Nhân, Trương Hòa Bình và Võ Văn Thưởng.

Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, luật sư Lê Quốc Quân từ Hà Nội.

(BBC)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo