Việt Nam Thời Báo

MÓN NỢ ĐỒNG TÂM

 


Đặng Tâm Chánh

Pháp quyền đã bị đẩy lui trong vụ trấn áp bằng vũ trang ở thôn Hoành.

Có những lỗ trống pháp lí trong hành động trấn áp này được dư luận xã hội đặt ra nhưng chưa được giải trình rõ ràng, thông suốt.

Trên bề mặt thông tin chính thống, những người bị tình nghi đã được đối xử như kiểu giặc loạn.

Mới đây nhất Vietcombank theo lệnh công an đã đóng băng tài khoản của một người để ngăn chặn dân chúng gửi tiền phúng điếu ông Kình.

Đây đã là bước leo thang nghiêm trọng, có thể hủy hoại cơ đồ pháp trị vốn mới là nền tảng vững chắc cho sự ổn định và liên tục của quốc gia.

Chừng nào những cái chết trong cuộc tấn công vào thôn Hoành chưa được làm rõ chứng cứ pháp lí của nó bằng một trình tự xem xét nghiêm ngặt; thì cái chết tăm tối của ông Kình còn hiện nguyên sứ mạng của người nông dân nổi dậy.

Lịch sử được viết bằng quan điểm của những người cộng sản cho thấy những cuộc nổi dậy của nông dân không thể dập tắt bằng bạo lực, dù là trấn áp hay đàn áp.

Cũng từ chính quan điểm của người cộng sản thì tháo ngòi nổ đối kháng mới là bài bản xử lí các mâu thuẫn xã hội hiện nay.

Vụ tranh chấp đất đai ở mấy chục héc ta đất đồng Sềnh giữa người nông dân làng Hoành với chủ đầu tư dự án thực hiện qui hoạch sân bay quân sự Miếu Môn đã không được ứng xử nhất quán bằng tinh thần đó.

Một nguyên tắc được coi là tính đảng đối với chính sách đất đai bảo vệ lợi ích trực tiếp của giai cấp nông dân, là bảo đảm quyền lợi của người trực canh.

Cho nên ở Lộc Hưng chính quyền muốn xây dựng khu đất này thành cơ sở giáo dục vẫn phải tiến hành thương thảo với dân và thực hiện đền bù với giá thị trường theo qui định hiện hành của pháp luật. Thực tế rối ren của các giao dịch đất đai tại đây, hay tính chất trị an phức tạp ở khu vực này, có nguyên nhân từ việc chậm xác lập thủ tục pháp lí nguồn gốc đất, cũng như quản lí lỏng lẻo các tác động do chính sách đất đai thay đổi không thể làm rơi rụng nguyên tắc tính đảng đó.

Làng Hoành cũng là một trường hợp tương tự. Đất đai cho dù được nhà nước qui hoạch sử dụng vào mục đích quốc phòng nhưng gần 40 năm chưa sử dụng. Trong thực tế quân đội đã từng có ý định sử dụng cho mục đích khác, một phần đã cấp cho gia đình quân nhân. Nông dân làng Hoành đã canh tác trên đồng đất ấy theo kiểu phát canh thu tô với đơn vị quân đội quản lí sân bay Miếu Môn.

Nếu tính nguồn gốc đất của thôn Hoành trước khi qui hoạch dự án quốc phòng, lẫn thực tế sử dụng của bà con, không hẵn người nông dân hiện canh tác trên vùng đất tranh chấp đó bảo đảm các điều kiện pháp lí để thực hiện nguyên tắc trực canh.

Thông tin từ chính người dân cho biết họ đã thuê lại từ đơn vị quản lí sân bay. Có lẽ do không có chức năng, và với mục đích cải thiện, nên chính đơn vị quân đội này cũng không cập nhật liên tục thực tế sử dụng của bà con. Một số diện tích trong phạm vi này đã được sang nhượng và được chính quyền địa phương hợp thức hoá, thậm chí ra được sổ đỏ.

Mấu chốt của việc thực thi nguyên tắc trực canh trong trường hợp thôn Hoành có lẽ ở chỗ xác lập tính pháp lí của việc thực hiện qui hoạch sân bay quân sự Miếu Môn.

Thủ tướng chính phủ cần có văn bản tái xác nhận qui hoạch sử dụng đất và phạm vi đất đai sử dụng cho mục đích quốc phòng.

Trên cơ sở đó Hà Nội và chính quyền địa phương xác lập ranh rấp, hướng dẫn người dân thảo luận phương án và chính sách đền bù, xác lập nghĩa vụ thuế của chủ đầu tư nếu sử dụng đất vào hoạt động kinh tế, rồi mới tiến hành thu hồi và bàn giao mặt bằng. Đó là một chính quyền thực hiện nghiêm túc phân cấp quản lí đất đai và bảo vệ lợi ích chính đáng của dân.

Người dân không thể yêu cầu đáp ứng nguyên tắc trực canh của luật đất đai để có quyền sử dụng lâu dài. Bởi vì chính yếu là dân đã hợp tác với đơn vị quân đội dưới hình thức thuê mượn. Ở thời điểm mà đơn vị quân đội cho thuê, cho mượn sử dụng đất, luật pháp chưa xác lập khuôn khổ cho hành vi này nên giao kèo dân sự đó có hiệu lực. Vả lại, không gian phát triển của xã hội Việt Nam cần thúc đẩy hiệu lực của các giao dịch dân sự để xã hội có được tín nghĩa.

Một công thức có thể thỏa đáng cho nông dân để họ giao lại đất có thể là, bên cạnh đền bù hoa lợi khai thác, cần tính toán đến công sức đầu tư của bà con dựa trên mức giá thị trường thuê đất và chi phí lao động trong suốt thời gian gia đình nông dân đã quản lí, chăm sóc đất đai.

Nhưng câu chuyện làng Hoành không còn là câu chuyện đồng ruộng của ai. Nó đang là câu chuyện giai cấp nông dân từ sau cách mạng, trong lòng xã hội mới lại phải tiếp tục thân phận những nông dân nổi dậy. Thậm chi họ bị coi như giặc. Người ta ráo riết trừng phạt, quày quả trấn áp còn nặng nề hơn cả giặc tham nhũng.

Thực ra chính quyền đã có thể xử lí các khiếu kiện tranh chấp thành cơ hội đối thoại chính sách trên mặt bằng nhận thức thượng tôn pháp luật, đề cao pháp trị. Tiến hành các đối thoại chính sách cũng là tăng cường đối thoại chính trị với cả những quan điểm, những trường hợp khác biệt trong xã hội.

Lẽ ra ở Lộc Hưng, ở Đồng Tâm chính quyền đã có cơ hội giải quyết dứt điểm vụ việc, thống nhất được nhân tâm, đoàn kết được xã hội trên nền tảng pháp trị. Thông qua đó chính quyền còn có cơ hội giải thích, đấu tranh với những lập luận sai trái do ngộ nhận hay cố ý thù địch.

Ở Đồng Tâm bằng đối thoại chân thành, tin cậy, trên cơ sở tôn trọng pháp quyền, Hà Nội còn có thể hoá giải thế đối lập với xã hội hiện đại do các yếu tố bất cập, lạc hậu của kiểu văn minh họ tộc, làng xã, thúc đẩy các chuyển biến nhận thức đúng đắn về tư hữu, hạn chế tâm lí lợi ích cục bộ, phường hội.

Cả về phương diện lí thuyết lẫn thực tiễn, còn rất nhiều phương cách để chính quyền thấu lí, đạt tình với dân chứ không phải là chỉ có kiểu chính quyền trên họng súng học theo Mao tuyển.

Đáng buồn là việc làm thấu lí, đạt tình đó không xảy ra ở Đồng Tâm.

Người ta nói ông Kình và đám dân bị ông nhiễu loạn không có mặt trong cuộc phổ biến kết luận thanh tra mà vội vã qui kết người dân không tham gia đối thoại. Đối thoại chính trị mà cứ như tống đạt lệnh triệu tập. Cần nhận thức rõ đối thoại trước hết là nhằm bảo đảm cho lợi ích của nhà nước, cho thành tích của cán bộ.

Kì thực là cánh cửa đối thoại đã đóng sập lại với dân Đồng Tâm từ sau khi chính quyền bội tín.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thực hiện một việc làm can đảm, đem ý chí quốc gia nói chuyện phải quấy với ý chí cộng đồng làng.

Có thể trong một vài chi tiết lời hứa chưa được chuẩn xác nhưng quyết định của ông Chung là đúng đắn.

Nếu trong trường hợp có những điều chỉnh so với lời hứa từ một đại diện của thể chế, chính quyền cần phải cân nhắc thận trọng, đồng thời phải trao đổi, thông tin với dân Đồng Tâm.

Đằng này chính quyền đã đơn phương thực hiện các biện pháp của mình, thực tế là trấn áp, bất chấp những gì ông Chung đã hứa.

Chắc khó có ai có thể ứng xử như vậy với người làm nhiệm vụ thương thuyết như ta.

Để ông Nguyễn Đức Chung bất tín với người dân xã Đồng Tâm có lẽ là một sai lầm chính trị thúc đẩy người dân bất bình đến gần hơn với sự nổi dậy.

Nó cũng gạt đi niềm tin đang được nhen nhóm, rằng chính quyền sẽ không chọn giải pháp đối đầu với dân.

Niềm tin ấy xuất hiện cùng với kiểu hành động chính trị mới mẻ như ông Nguyễn Đức Chung thương thuyết, ông Võ Văn Thưởng xuống tận địa bàn người dân tụ tập phản đối để phân trần, phải quấy, ông chủ tịch Bình Định hứa như ăn thề để giải tỏa bức xúc của dân, Đồng Tháp, Bến Tre với phong cách cà phê tháo gỡ…

Có vẻ như thời đại đã đảo lộn hết mọi thứ.

Ngày trước chúng ta gọi các hành động trả thù, trấn áp, đàn áp đối thủ của chính quyền Sài Gòn hay chính quyền thực dân là khủng bố. Khủng bố theo nhìn nhận hiện nay, như điểm tội của công an với nhà ông Kình, được bài bản trước đây gọi là bạo lực cách mạng.

Đáng để ý là, từ lần bắt cóc con tin, xây làng chiến đấu, kết giao “giang hồ”, tự tạo vũ khí, đến sử dụng vũ trang của cha con ông Kình lại gần như trùng khớp với các bước phát triển cách mạng của một phong trào quần chúng sau khi giác ngộ lí tưởng cộng sản: từ bạo lực quần chúng tiến tới bạo lực vũ trang là sự phát triển tự giác của bạo lực cách mạng.

Thế hệ ông Kình vào đảng bằng bài bản giác ngộ đó, như một lựa chọn sinh tử. Và cách mạng quả đã đại thắng lợi.

Chắc là khác với thế hệ ông Võ Văn Thưởng, ông Nguyễn Đức Chung vào đảng. Nhiều khi thẻ đảng được đem ra như một thứ bằng cấp đặc biệt bắt buộc, không phải là chuyện sống chết của lý tưởng xã hội.

Tôi nhắc đến bài học bạo lực cách mạng chẳng phải tôi đồng tình, hay cổ vũ cho việc sử dụng bạo lực, cho dù đó là bạo lực cách mạng.

Thực là chỉ muốn giải bày nỗi buồn vì sao lại ra nông nỗi này, người nông dân như trở về gần hơn với vạch xuất phát của mình cứ sau mỗi một nhịp độ cách mạng?

Bất luận chúng ta có dũng cảm để quả quyết cái chết không có pháp luật của ông Kình là đáng tội;

Thì cái chết không có pháp luật ấy vẫn sẽ là món nợ phải trả.

Món nợ ấy được vay bằng lòng tin, và cả bằng máu.

Còn áp đặt bạo quyền, từ cả kẻ sử dụng lẫn người chấp nhận nó, chúng ta đã tái khởi động trí nhớ của thù hận.

Chẳng lẽ “máu kêu trả máu, đầu van trả đầu” là tai ách mà dân tộc Việt Nam đã bị trời đày?

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Vụ Đồng Tâm – Những nhìn nhận từ khía cạnh pháp lý.*

Phan Thanh Hung

VNTB – Pháp luật xứ mình khó hiểu quá…

Phan Thanh Hung

VNTB – Nếu tôi là lãnh đạo- sẽ không xảy ra vụ Đồng Tâm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.