Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại một cuộc họp báo bên cạnh Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew sau khi kết thúc cuộc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung ở Bắc Kinh ngày 10/7/2014.
Victor Beattie
23.06.2015
Nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc đang có mặt tại Washington để tham dự cuộc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung lần thứ 7 để bàn về những vấn đề như an ninh mạng và những mối căng thẳng trên biển. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, một học giả Trung Quốc mô tả mối quan hệ Washington-Bắc Kinh là một mối quan hệ phức tạp nhưng cũng là một mối quan hệ mà những sự bất đồng có thể được xử lý thông qua những cuộc tiếp xúc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby hôm thứ hai mô tả đây là tuần lễ quan trọng cho các mối quan hệ Mỹ-Trung. Ngoại trưởng John Kerry cùng với Bộ trưởng Tài chánh Jack Lew đang hướng dẫn phái đoàn Mỹ tại cuộc Đối thoại Chiến lược Mỹ-Trung lần thứ 7, trong lúc ông Kerry chủ trì Hội nghị Hiệp thương lần thứ 6 về Giao lưu giữa Nhân dân với Nhân dân. Ông Kirby cho biết như sau về các cuộc thảo luận này.
“Chúng tôi đang mong nới rộng sự hợp tác song phương về nhiều thách thức toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, phát triển, trợ giúp nhân đạo, ứng phó với dịch bệnh và bảo tồn đại dương. Chúng tôi cũng sẽ có cơ hội để phối hợp các chính sách của Hoa Kỳ và Trung Quốc về những vấn đề khu vực như Iran, Iraq, Bắc Triều Tiên và Afghanistan. Chúng tôi cũng sẽ bàn tới những lãnh vực mà chúng tôi đang có những sự bất đồng, chẳng hạn như tranh chấp trên biển, an ninh mạng và nhân quyền. Như chúng tôi đã nói nhiều lần, Hoa Kỳ có quyết tâm vững mạnh để cải thiện quan hệ với Trung Quốc.”
Ông Kirby cho biết, mặc dù không đồng ý với nhau về nhiều vấn đề, hai nước hiểu rằng có nhiều lãnh vực để hợp tác cho lợi ích của cả đôi bên. Ông mô tả cuộc đối thoại này là một trong những cơ chế quan trọng nhất để tìm cách giải quyết những mối bất đồng và thăng tiến các quyền lợi hỗ tương.
Hôm qua, các giới chức Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tiến hành điều mà bà Bonnie Glaser, một học giả về Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, gọi là một cuộc đối thoại an ninh chiến lược bao trùm những vấn đề gai góc như căng thẳng trên biển, an ninh mạng, quan hệ giữa quân đội với quân đội, phòng thủ phi đạn, hạt nhân và không gian. Bà nghĩ rằng cuộc đối thoại sẽ không mang lại nhiều kết quả. Bà nói thêm như sau.
“Tuy nhiên, đây là một tiến trình để tìm cách giải quyết các vấn đề, để xác định những vấn đề nào có những sự bất đồng và làm thế nào để xử lý những mối bất đồng.”
Ngày họp thứ nhì trong ngày hôm nay sẽ tập trung phần lớn vào các vấn đề kinh tế, như Hiệp định Đầu tư Song phương (BTI) mà hai nước đang thương thuyết với nhau. Bà Glaser cho biết vẫn còn nhiều trở ngại và hiện chưa rõ hiệp định này có đúc kết hay không trước khi Tổng thống Obama rời khỏi chức vụ vào đầu năm 2017.
Ngày mai, đôi bên sẽ thảo luận về những vấn đề chiến lược như Bắc Triều Tiên, Iran và Afghanistan. Đây là những vấn đề mà bà Glaser cho là có một sự đồng thuận một cách tổng quát. Nhưng bà nói rằng cuộc thảo luận này sẽ bị lu mờ vì vấn đề an ninh mạng.
Một chuyên gia làm việc tại Trung tâm an ninh mạng và truyền thông tích hợp quốc gia Mỹ ở Arlington, Virginia. Các nhà điều tra cho biết vụ tin tặc nhắm vào cơ quan OPM rõ ràng là phát xuất từ Trung Quốc.
Hồi đầu tháng này, các giới chức của Văn phòng Quản lý Nhân viên (OPM) cho biết một vụ đánh cắp thông tin cá nhân qui mô lớn trong vòng 4 tháng đã được phát giác hồi tháng tư, và hồ sơ của khoảng 4 triệu nhân viên tại chức và nhân viên về hưu của chính phủ liên bang có thể đã bị đánh cắp. Các nhà điều tra nói rằng vụ tin tặc này rõ ràng là phát xuất từ Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng chưa có tố cáo nào được đưa ra để chống lại bất kỳ tác nhân nào, cho dù là nhà nước hay phi nhà nước, và vụ này còn đang trong vòng điều tra.
“Đây là một lãnh vực mới và năng động. Đây là một lãnh vực mà các qui phạm quốc tế và những bộ tiêu chuẩn chưa được xác lập một cách vững chắc. Tôi xin nhắc lại là chúng tôi đã trình bày rõ ràng những mối quan tâm của mình chẳng những cho Trung Quốc mà còn cho những tác nhân khác, những thực thể nhà nước và phi nhà nước. Và tôi nghĩ rằng đây là một lãnh vực, mà mặc dù chúng tôi không luôn luôn đồng ý với nhau về cách tiếp cận an ninh mạng và phòng thủ mạng, nhưng đây chắc chắn là một trong những lãnh vực mà chúng tôi còn có chỗ để tăng cường hợp tác, tăng cường đối thoại và gia tăng tính chất minh bạch.”
Bà Glaser trích lời Trợ lý Ngoại trưởng Danny Russell nói rằng an ninh mạng là một mối quan tâm lớn và vấn đề này sẽ được bàn thảo trong cả ba ngày. Trung Quốc đã chấm dứt các cuộc thảo luận về an ninh mạng hồi tháng 5 năm 2014 sau khi Hoa Kỳ khởi tố 5 sĩ quan của quân đội Trung Quốc về tội gián điệp kinh tế và những tội danh khác vì đã xâm nhập các hệ thống máy tính của các công ty hạt nhân, luyện kim và năng lượng mặt trời của Mỹ. Bà Glaser cho biết vụ tin tặc nhắm vào OPM đang được thảo luận.
“Tôi tin là Trung Quốc đang muốn xem bằng chứng cho thấy vụ đó phát xuất từ Trung Quốc. Tôi không biết phải chăng phía Mỹ muốn chia sẻ các nguồn và các phương pháp điều tra về vấn đề đó, nhưng tôi nghĩ rằng phía Mỹ sẽ tìm cách làm cho Trung Quốc hiểu rằng nếu Trung Quốc đã làm điều này thì đó là một hành động vượt khỏi ranh giới của những việc có thể chấp nhận.”
Hình ảnh vệ tinh, được chụp tới thời điểm gần nhất là ngày 10 tháng 6, cho thấy một hạm đội tàu nạo vét của Trung Quốc đã chuyển trọng tâm công tác cải tạo từ vành ngoài của những bãi đá hình vòng vào những ‘lỗ’ bên trong.
Theo bà Glaser, cuộc họp này là quan trọng vì nó góp phần chuẩn bị cho chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ vào tháng 9. Và bà nói rằng dường như Trung Quốc đang đánh đi tín hiệu là họ muốn giảm thiểu căng thẳng.
Bà Glaser nêu ra sự kiện là Trung Quốc mới đây loan báo họ sắp hoàn tất hoạt động xây đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa.
“Nhưng Mỹ không tiếp nhận thông điệp đó một cách nồng nhiệt bởi vì Hoa Kỳ đang lo ngại về việc quân sự hoá các hòn đảo đó.”
Bà Glaser nói rằng Trung Quốc chưa nói rõ ý đồ xây đảo nhân tạo là gì, nhưng cuộc thảo luận về vấn đề này đang tiếp diễn.
Bà Glaser bác bỏ quan điểm cho rằng quan hệ Mỹ-Trung chắc chắn sẽ đi theo chiều hướng tiêu cực. Bà nói rằng cả hai nước đều có những nhà lãnh đạo sáng suốt, những hoạt động giao lưu qui mô lớn giữa dân chúng hai nước và sự tương thuộc về kinh tế. Bà nói rằng chính sách chủ động giao tiếp mà 8 vị tổng thống Mỹ đã theo đuổi tiếp tục là chính sách đúng đắn cho Hoa Kỳ và Trung Quốc.
VOA