Việt Nam Thời Báo

Nên đi bầu cử hay không?

Nguyễn Hoành Hùng (Mít Tờ Hùng)
17-5-2016
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Bầu cử đại biểu quốc hội là một hoạt động chính trị vô cùng quan trọng, thể hiện quyền làm chủ của người dân. Thông qua hoạt động này để người dân trao quyền xây dựng luật pháp, trao quyền quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước như vấn đề nhân sự, ngân sách, đối ngoại, an ninh, quốc phòng,…cho Quốc Hội thực hiện. Thay mặt người dân giám sát các hoạt động của chính phủ, của tất cả các thành phần trong xã hội.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm đấu tranh cho sự độc lập, cho chủ quyền của người Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời và sự nghiệp của mình gây dựng lên đảng Cộng Sản cũng để đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh cho quyền làm chủ của nhân dân.
Bầu cử các cấp và đặc biệt là bầu cử ở cấp cao nhất là Quốc Hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính là sự chính danh cho quyền lực của nhà nước, chính là sự thể hiện một nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Cầm trên tay thẻ cử tri đi bầu cử QH nhiệm kỳ 2016-2021, đây là hiện thực hóa một quyền làm chủ của mình mà sao lòng tôi bỗng buồn rười rượi. Trong số các ứng cử viên tại danh sách bầu cử, tôi chẳng hề biết một ai! Mỗi ứng cử viên chỉ có một bản lý lịch trích ngang ngắn củn với một vài thông tin sơ sài về quê quán, năm sinh, trình độ học vấn và các vị trí công tác đã trải qua. Chỉ với các thông tin như vậy không thể nào biết được những người trong danh sách này có khả năng hay không? Có vấn đề về sức khỏe, có vấn đề về tâm lý, tâm thần hay không? Có vấn đề về tư cách, đạo đức hay không?
Một điều có thể thấy rất rõ, đa phần các ứng viên đều là quan chức trong chính quyền, trong bộ máy quyền lực nhà nước. Tất cả ứng viên tôi nhìn thấy đa số là đảng viên đảng CSVN, tức là đảng cầm quyền, đảng nắm vai trò lãnh đạo xã hội, lãnh đạo nhà nước. Nếu những người này trúng cử, họ có thể kiêm nhiệm rất nhiều chức khác nhau trong hệ thống quyền lực, trong bộ máy nhà nước.
Với vai trò rất lớn lao và nặng nề của một đại biểu Quốc Hội trong việc thiết lập khuôn khổ, đưa ra quyết sách, giám sát hiệu quả các hoạt động của chính phủ, của các thành phần khác trong Xã Hội, người đại biểu Quốc Hội không thể nào phân thân để cùng lúc hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng được giao. Đại biểu Quốc Hội phải là chuyên trách và hoàn toàn độc lập với bên hành pháp là chính phủ và bên tư pháp là tòa án mới có thể đảm đương được vai trò giám sát tối cao của mình cũng như không bị chi phối, không bị vô hiệu hóa với các thành phần quyền lực có lợi ích khác.
Ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trần Đại Quang và rất nhiều thành viên chính phủ, tòa án, quan chức chính quyền các địa phương khác nếu được bầu làm đại biểu Quốc Hội thì họ sẽ thực hiện chức năng giám sát tối cao của mình thế nào? Hay lại sẽ tay phải giám sát tay trái như thời gian qua?
Tấm thẻ cử tri cũng như lá phiếu bầu cử sắp tới chính là quyền lực, là quyền làm chủ của người dân, là chủ quyền nhân dân. Nó cũng là quyền lực của nhà nước, là quyền lực để quản lý, điều hành, vận hành xã hội. Chính vì vậy, các bước thực hiện phải hết sức thận trọng. Ông bà ta có câu: Sai một ly, đi một dặm.
Danh sách này tôi không thể biết, tôi không thể thấy ai có đủ khả năng, có đủ trí tuệ, có đủ tư cách đạo đức với vai trò đại biểu Quốc Hội hay không. Nhưng tôi thấy rõ tất cả đều không phù hợp.
Các nước có hệ thống bầu cử tiên tiến trên thế giới, ứng cử viên được đề cử, được thể hiện mình một cách minh bạch trước công chúng. Họ phải trải qua rất nhiều các cuộc tranh luận công khai kể cả trực tiếp trên truyền hình. Cử tri có nhiều góc nhìn, có nhiều thông tin để đánh giá các ứng cử viên, từ đó họ đưa ra quyết định chọn người họ ưng ý nhất.
Cuộc bầu cử đại biểu quốc hội của chúng ta chỉ còn vài ngày là bắt đầu và nếu tôi chọn những người trong danh sách đã niêm miết, ít nhất tôi biết được rằng họ không phù hợp. Tôi có sự lựa chọn khác không? Hay tôi sẽ tặc lưỡi đưa tay bỏ phiếu?
Đã có bạn khuyên tôi rằng không nên tham gia bầu cử, bởi trong ngần đó người anh quyết thế nào thì những người trong đó họ vẫn trúng, vẫn không phải là sự lựa chọn của anh, không phải đối tượng anh định trao quyền lực, không phải đối tượng anh muốn làm đại diện cho anh!
Nếu anh tham gia tức là anh đã đồng tình vào một tiến trình không phù hợp. Không bắt nguồn từ sự lựa chọn của chính anh, anh không tham gia là việc làm minh bạch cho sự lựa chọn của mình. Anh không tham gia có nghĩa là phản đối cách làm, cách đề cử ứng viên như hiện nay. Không ai lợi dụng được lá phiếu của anh, nó rõ ràng là lựa chọn, là thái độ của anh. Đó sẽ là một LÁ PHIẾU MINH BẠCH.
Danh sách ứng viên tại đơn vị bầu cử của bạn thế nào? Bạn biết gì về họ hơn tôi không?
H1.jpg
Tranh của chính quyền tuyên truyền về bầu cử. Nguồn: internet

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo