Việt Nam Thời Báo

Nếu em là lãnh đạo!

Hà Ngọc Hương


(VNTB) –Với câu hỏi: “Đóng vai trò là một trong những nhà lãnh đạo của nước ta hiện nay, em có thể đưa ra những biện pháp gì để tạo điều kiện cho dân làm giàu”, đề thi học kỳ I môn Lịch sử – khối 8, của phòng giáo dục quận 1 (TP. HCM) đã gieo mầm sự tự do học thuật trong thế hệ chủ nhân tương lai đất nước, tạo nên kỳ vọng gần gũi về một thế hệ trưởng thành hơn, trong một nền giáo dục, với những bài kiểm tra, và câu hỏi tự do suy tưởng.
Mạt vì nhồi sọ

Đã có một thời kỳ dài, giáo dục là chương trình của định hướng hoàn toàn, nhiều người xem đấy là “nhồi sọ” hơn là giáo dục. Bởi thay vì người trẻ được tự thực hành trí óc, thì “người lớn” lại tìm cách “ban phát” theo mẫu có sẵn. Dẫn đến một dân tộc có quá ít người trưởng thành thực sự, trong khi lại có quá nhiều những kẻ vô trách nhiệm, thiếu đạo đức lẫn tầm nhìn.

Vì thế, nó đưa đến một dàn “chủ nhân đất nước” chỉ biết chạy theo chương trình định hướng “phê và tự phê”, và luôn sẵn sàng “rút kinh nghiệm”. Một đất nước được phát triển với những nghị quyết, phấn đấu bằng khẩu hiệu, và quyết tâm bằng lời hứa và luôn chơi trò “đá bóng trách nhiệm”.

Chính nó đã cũng đưa đến những đề xuất tha thiết, nhưng đầy kỳ quặc như của đại biểu Võ Thị Dung (TP. HCM) tại phiên họp của Quốc hội chiều 1/11, rằng ”498 đại biểu và toàn bộ thành viên của Chính phủ sẽ tuyên hứa trước quốc dân đồng bào kể từ nay sẽ quyết tâm cao để hành động quyết liệt, đẩy lùi tham nhũng có hiệu quả và bản thân của mỗi đại biểu, mỗi thành viên Chính phủ sẽ không bao giờ phạm vào tội tham nhũng”.

Giáo dục định hướng đã biến lớp thế hệ lãnh đạo trở thành lớp người vận dụng thành thạo “lời hứa” nhất, bởi: “Lời hứa chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà hứa để lừa thằng dân.”

Và thế là, hằng ngày, vào mỗi buổi sáng, người ta thấy cả Quốc Hội rầm rộ kéo nhau ra quảng trường hô to khẩu hiệu: “Quốc Hội nói không với tham nhũng – Tham nhũng! Tham nhũng! Tham nhũng!”; “Lương tâm không phải là thứ để bán rẻ  –  Bán rẻ! Bán rẻ! Bán rẻ!”, hay “Là Đảng viên đã hứa thì không được nuốt lời  – Nuốt lời! Nuốt lời! Nuốt lời!”

Quả thực, có quá nhiều sự mâu thuẫn từ lời hứa đến việc làm, bởi định mệnh của thế hệ chủ nhân bây giờ đã được xác lập bởi nền giáo dục lợi ích và ngu dốt trước đó. Đó là nền học thuật mà hai chữ tự do và độc lập không hề tồn tại nhưng lại bắt hấp thụ hoàn toàn.
Lịch sử là tương lai

Giáo dục! – Thứ duy nhất cản trở một quốc gia giàu mạnh, đó chính là nền giáo dục phi tự do suy nghĩ.

Chính bởi thế nên, một hiện tượng đáng chú ý trong tuần này là, trong đề thi học kỳ I môn Lịch sử – khối 8, của phòng giáo dục quận 1 (TP. HCM) xuất hiện câu hỏi: “Đóng vai trò là một trong những nhà lãnh đạo của nước ta hiện nay, em có thể đưa ra những biện pháp gì để tạo điều kiện cho dân làm giàu?”.

Câu hỏi tưởng chừng như quá tầm ấy thực tế lại hết sức gần gũi, sinh động đến vô cùng. Vì nó là câu hỏi mang tính chất đóng vai, cho phép các em học sinh cơ hội (mà trước đó, các anh chị, cha anh đi trước không có) “đóng vai lãnh đạo” để nói lên suy nghĩ thực của mình, kỳ vọng thực của mình, qua đó nhận ra vị trí – vai trò – và kể cả nhận thức trách nhiệm của mình trong nền quản trị quốc gia. Một câu hỏi đề đạt  tưởng như xa vời với các lứa tuổi các em nhưng nó chính là mầm mống, cốt lõi của dàn chủ nhân trưởng thành về sau này.

Một điểm sáng trong mớ hỗn độn Lệ Rơi, Bà Tưng…

Ờ một phương diện khác, nó (câu hỏi) đã là sự gieo mầm sự tự do trong suy nghĩ cho học sinh. Câu hỏi đặt trong bộ môn lịch sử lại càng khiến cho nó trở nên có giá trị. Bởi nó xua tan đi cái nỗi khiếp hãi về hàng ngàn điểm 0 lịch sử mà ông Bộ trưởng giáo dục đương nhiệm từng coi là bình thường, hay tài liệu môn sử bị xé – rải trắng cả sân trường khi học sinh hay tin môn sử không có trong lần thi tốt nghiệp năm đó.

Đó là hệ quả của việc, thay vì giáo dục biến lịch sử thành một tượng đài nhân văn giàu cảm xúc thì nó lại biến thành con số 0. Nhưng giờ đây, cái con số 0 khô khan ấy đã được gỡ một chút thắt nút, trở thành một mắt xích sinh động giữa quá khứ và tương lai.

Điều đó có nghĩa, môn được xem là nhồi sọ nhất trong hệ thống môn học tại Việt Nam đã có sự khơi mở theo hướng thực tế, cho phép thế hệ trẻ tham gia một cách gián tiếp về nhận thức lãnh đạo, đánh giá lãnh đạo, thực hành lãnh đạo trong nền chính trị quốc gia. Lịch sử bây giờ không còn là bài học chiến thắng ngủ quên nữa, mà nó đã là “ánh đuốc soi đường đi” trong nhận thức, cho tương lai nước nhà. Thế nên, những gì mà các em nêu ra trong vai trò lãnh đạo, cũng là những gì mà các em thấy nó thiếu hụt. Trên hết, các em được bày tỏ chính kiến của mình về một vấn đề nhất định mà không ngại “phạm húy”.

một trong những bài làm học sinh đã cho phép chúng ta kỳ vọng nho nhỏ ấy, “Nếu em là lãnh đạo Nhà nước, em sẽ kêu gọi đầu tư từ nước ngoài, giảm thuế doanh nghiệp; theo em nên đầu tư nâng cao trình độ cho nhân lực lao động ở tất cả các lĩnh vực; nếu em làm lãnh đạo, em sẽ giải quyết việc làm cho người lao động, không để ai phải thất nghiệp…”.
Tự do suy nghĩ chính là bước đầu gánh vác

K. Marx cho rằng: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.”

Việt Nam đang cần lắm một nền giáo dục thực học, dân chủ và tự do. Cũng bởi lâu nay, nhồi nhét và định hướng, nó không chỉ là bức hại sự tự do trong học thuật, bó buộc học sinh ghi chép lại như một cái máy để ve vuốt lấy những con điểm tốt, biến nền giáo dục thành hư học mà còn “sản xuất” ra nhiều những con người chỉ biết “dối trá và tuyên truyền” đầy ích kỷ, đưa đất nước đi vào con đường “xuống hố cả nút”.

Giáo dục, suy cho cùng không chỉ nhằm mở mang trí thức mà còn phát triển tư tưởng của cả một con người nên chỉ cần một sự thay đổi nhỏ về giáo dục, nơi cho phép được nhìn nhận không rào cản thì đạo đức, nhận thức, trách nhiệm sẽ bén rễ, hình thành nên lớp thế hệ dám đương đầu, chấn hưng lại toàn bộ đất nước vốn đã rệu rã này.

Do đó, với câu hỏi ý thức lẫn nhận thức như vậy, nó sẽ có sức lan tỏa sâu hơn lớn nhiều, âm ỉ hơn rất nhiều so với các khẩu hiệu đao to, búa lớn, ầm ĩ như, “Thay đổi căn bản, toàn diện nền giáo dục”, trong nhiều năm qua. Càng nhiều câu hỏi như thế, thì con đường Việt Nam lại càng có một lối thoát. Bởi tự do suy nghĩ chính là bước đầu gánh vác trách nhiệm xây dựng tổ quốc.

Và có lẽ, các em học sinh khối lớp 8 (quận 1, TP.HCM) đã rất may mắn khi được “gieo mầm” như thế.

Chính kiến và sự kỳ vọng là những gì các em có được khi làm câu hỏi đó, và đó cũng là một câu hỏi mang dáng dấp hy vọng viễn cảnh “số phận Hồng Công trong tay người trẻ tuổi” tại Việt Nam của những người ra đề. 

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.