Ngân hàng yếu kém: khi “tinh hoa” bị phổ cập… *

TS. Vũ Đình Ánh cho rằng bản chất của việc tái cơ cấu hệ thống các TCTD là ép tính chuyên nghiệp của các ngân hàng đi lên. “Các cậu phải mạnh lên, các cậu phải đủ đẳng cấp để làm trong “cái tinh hoa” của nền kinh tế”, ông nêu quan điểm.

Từ “sống hay chết” đến “tốt hay xấu”
Đánh giá kết quả tái cơ cấu ba trụ cột kinh tế theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (Khóa XI) đến thời điểm này, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là thành công hơn cả.
Vị chuyên gia kinh tế nổi tiếng với lối nói thẳng thắn, chia sẻ một cách rất thực: “Tái cơ cấu đầu tư công, quan điểm của tôi là không thành công. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng không thành công, hay nói kiểu Việt Nam là “chưa thành công”. Và cho đến nay, dường như cái niềm tin của tôi không được củng cố”.
“Nhưng riêng với ngân hàng thì đã thành công, chí ít là với những mục tiêu mà nó đã đặt ra”, ông bình luận.
TS. Ánh cho rằng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được khởi động đầu tiên trong 3 trụ cột tái cơ cấu kinh tế và đến thời điểm hiện tại thì có thể khẳng định là tái cơ cấu ngân hàng cũng sẽ về đích đầu tiên. “Không chỉ là việc đạt được các mục tiêu, tôi cũng đánh giá rất cao một khía cạnh không kém phần quan trọng khác, đó là cách làm”, ông nói.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh
Căn cứ vào diễn biến mua bán, hợp nhất, sáp nhập ngân hàng cũng như cách ứng xử của NHNN với các TCTD yếu kém, TS. Ánh chia cuộc “đại phẫu” 4 năm của hệ thống các TCTD thành 3 giai đoạn:
Thoạt đầu, chúng ta làm “rất Việt Nam”, “rất XHCN”, tất cả trên tinh thần tự nguyện. Đó là cho các ngân hàng tự sáp nhập, tự tái cơ cấu, tự đi, tự thay đổi…
Giai đoạn hai có sự ép buộc nhưng cách ép buộc mà chúng ta đã làm cũng “rất Việt Nam”. Đầu tiên là ép buộc các “ông lớn”, các “ông lớn” này tuy là ngân hàng thương mại cổ phần nhưng vốn nhà nước lại chiếm đa số và lãnh đạo của các ngân hàng đó nhiều người vốn cũng xuất thân từ NHNN. Như vậy, tuy là ép buộc nhưng là ép buộc người nhà, yêu cầu các “ông lớn” phải nhận sáp nhập, phải hỗ trợ, cưu mang những ngân hàng yếu kém.
Giai đoạn ba, tức là đến năm 2015, với những ngân hàng quá yếu kém và không thể tự khắc phục, chúng ta “ép đến 0 đồng và mua luôn”.
“Còn sau cái 0 đồng là ép buộc gì nữa thì tôi cũng chưa biết”, ông Ánh chia sẻ.
Nhìn lại cả hành trình, vị chuyên gia kinh tế khái quát: “Cách làm của chúng ta vừa duy lý nhưng đặc biệt theo đúng kiểu Việt Nam cũng lại rất duy tình. Phải nói chúng ta đã làm được”.
“Cuối năm 2011, vấn đề của chúng ta không phải là nợ xấu mà là thanh khoản, tức là sống hay chết. Bây giờ chúng ta đã thoát khỏi sống – chết chuyển sang trạng thái “tốt hay xấu”. Quá tuyệt!”, ông Ánh bình luận.
“Chết” vì phổ cập hóa “tinh hoa”
Lật dở về nguồn cơn sâu xa đã đẩy hệ thống ngân hàng đến tình cảnh lao đao, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng vấn đền lớn nhất là do hoạt động ngân hàng ở Việt Nam đã bị bỏ rơi TÍNH CHUYÊN NGHIỆP.
“Tôi nhớ về một ý rất hay mà thời đi học chúng tôi vẫn được dạy, đó là “tài chính tiền tệ ngân hàng là tinh hoa của chủ nghĩa tư bản”. Và tôi cũng cho rằng nó cũng là tinh hoa của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay”, ông bắt đầu luận điểm của mình bằng một kiến thức từ thời còn ở giảng đường.
Hậu quả của việc “lớn sổi” và “ai cũng làm được ngân hàng”

Tiếp tục, vị chuyên gia đúc rút từ thực tiễn thất bại của các ngân hàng yếu kém vừa qua: Hầu hết các ngân hàng bê bối như OceanBank, GPBank, VNCB…., trước 2006, đều có chung một xuất phát điểm là những ngân hàng nông thôn đi lên từ các quỹ tín dụng nhân dân với nguồn vốn khiêm tốn chỉ vài chục tỷ đồng.
“Nhưng uỵch một cái, các ngân hàng này rầm rộ phát triển và chuyển đổi mô hình thành các ngân hàng thương mại cổ phần đô thị với vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng vào năm 2011. Đua nhau mở ngân hàng, ngành ngành làm ngân hàng”, vị chuyên gia nhớ lại.
Hậu quả của việc “lớn nhanh như thổi” đã khiến họ phải tăng trưởng tài sản bằng mọi giá để tương ứng với lượng vốn chủ sở hữu tăng thêm. Trong khi đó, trình độ quản trị lại không theo kịp với đà tăng tài sản nên dẫn đến việc chất lượng tín dụng của các ngân hàng này càng ngày càng kém.
“Ai cũng làm được ngân hàng. Vậy thì chết rồi”, ông chỉ ra sai lầm tai hại, “tính chuyên nghiệp không có, tất yếu sẽ nảy sinh nợ xấu”.
Tổng kết lại, TS. Ánh cho rằng bản chất của việc tái cơ cấu hệ thống các TCTD là ép tính chuyên nghiệp của các ngân hàng đi lên.
“Các cậu phải mạnh lên, các cậu phải đủ đẳng cấp để làm trong “cái tinh hoa” của nền kinh tế”, ông nêu quan điểm.
Theo Viettimes
* VNTB đặt lại tiêu đề

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)