Việt Nam Thời Báo

Ngân sách eo hẹp vẫn trả nợ thay DNNN tỷ USD

Bộ Tài chính đã ứng ra hơn 1 tỷ USD để ứng trả nợ thay các DN vì thua lỗ, khó khăn. Nợ công đã tăng chóng mặt nhưng các DNNN vẫn xếp hàng xin Chính phủ bảo lãnh các khoản vay thương mại tới hàng tỷ USD.

Bảo lãnh 2,44 tỷ USD vay nước ngoài

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính gửi Quốc hội về tình hình sử dụng vốn vay của Chính phủ, năm 2014, nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đạt con số 2,44 tỷ USD, tăng 22%. Điều này đã đẩy số nợ nước ngoài được Chính phủ bão lãnh lên con số 234.939 tỷ đồng, bằng 52% tổng nợ bảo lãnh của Chính phủ và chiếm 10% tổng số nợ công.

Điểm mặt 8 dự án đã nhận được ưu đãi này thì có 6 dự án thuộc về lĩnh vực điện và đều là các dự lơn, trọng điểm như: nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí (PVN) làm chủ đầu tư được bảo lãnh tới 937 triệu USD, là khoản vay nặng ký nhất, dự án Thuỷ điện Lai Châu của EVN được bảo lãnh 300 triệu USD tiền vay…

Dự án điện tư nhân đầu tiên của Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt là nhiệt điện Thăng Long (620MW ở Quảng Ninh) do Công ty Gelemxico đầu tư. Chính phủ bảo lãnh tới 674 triệu USD khoản vay của 2 ngân hàng Trung Quốc.

Tuy nhiên, không phải dự án nào nhận bảo lãnh nợ nước ngoài cũng là công trình trọng điểm quốc gia. Dự án thuỷ điện Bắc Mê – Hà Giang, tổng công suất chỉ 45 MW với khoản vay 55,4 triệu USD từ SMBC.
Đây là 1 trong tổng số 3 dự án thuỷ điện do Công ty CP thương mại xây dựng- Vietracximex làm chủ đầu tư. Và Vietracximex cũng chính là ông chủ dự án thuỷ điện Đạ Dâng (Lâm Đồng- Công ty mẹ của Công ty Long Hội), nơi đã xảy ra sự cố nghiêm trọng sâp hầm khiến 12 công nhân mắt kẹt.
Chính phủ đứng ra bảo lãnh các khoản vay cho doanh nghiệp để thực hiện các công trình trọng điểm 
Hai dự án còn lại là dự án alumin Nhân Cơ của Tập đoàn Than- Khoáng sản và dự án mua 2 chiếc máy bay A321 của Vietnam Airline.

Bộ Tài chính khẳng định, các lĩnh vực này đều thuộc danh mục ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh của Chính phủ theo Quyết định số 44 và đang được tập trung triển khai trong 4 năm qua.
Chính phủ đứng ra bảo lãnh các khoản vay cho doanh nghiệp để thực hiện các công trình trọng điểm, cấp bách, công trình hạ tầng cần vốn lớn là một hoạt động bình thường. Nhưng khi xảy ra rủi ro, Bộ Tài chính phải ứng từ Quỹ tích luỹ trả nợ ra để trả thay.

Chính phủ trả nợ thay hơn 1 tỷ USD
Kiểm toán Nhà nước trong công bố kết quả kiểm toán ngân sách năm 2013, chuyên đề nợ công mới đây đã cảnh báo, quỹ tích lũy phải ứng trả nợ thay lớn và có nguy cơ biến thành nghĩa vụ trực tiếp của NSNN.

Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Thuỳ Dương, Đại học Kinh tế quốc dân, năm 2010, Quỹ này ứng trả nợ thay là 1.676 tỷ đồng, năm 2011 đã tăng lên 2.437 tỷ đồng, năm 2012 tăng tiếp thành 2.588 tỷ đồng.

Nợ công đã tăng chóng mặt nhưng các DNNN vẫn xếp hàng xin Chính phủ bảo lãnh các khoản vay thương mại tới hàng tỷ USD.
Còn thông tin từ cơ quan Kiểm toán cho biết, riêng năm 2013, Quỹ này đã phải ứng trả nợ thay cho 6 dự án với số tiền là 992 tỷ đồng tương đương 47 triệu USD. Đến 31/12/2013, số còn phải thu về Quỹ tích lũy đối với số tiền ứng trả nợ thay cho các dự án 3.956 tỷ đồng (tương đương 188 triệu USD), bằng 2,1% tổng dư nợ được bảo lãnh Chính phủ.

Báo cáo của Bộ Tài chính bổ sung, năm 2014, Bộ Tài chính rút thêm 1.728 tỷ đồng từ Quỹ tích luỹ trả nợ để ứng trả nợ thay, nâng tổng số dư vay Quỹ này lên tới 23.442 tỷ đồng, bằng 5,3% tổng nợ được Chính phủ bảo lãnh. Con số này gần tương đương hơn 1 tỷ USD.

Đối tượng được trả nợ thay hầu hết là DNNN triển khai dự án thua lỗ, như Tổng Công ty Cơ khí xây dựng, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty xi măng Việt Nam…

Kết quả kiểm toán ngân sách chuyên đề nợ công của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố nêu rõ, nhiều dự án nhận bảo lãnh nợ nước ngoài khi xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án đã không sát thực tế, đầu tư không đồng bộ, dự án triển khai chậm, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần.

Nhiều vi phạm đã được phát hiện, không thực hiện đúng cơ chế quản lý cấp bảo lãnh các dự án khoản nợ nước ngoài. Cụ thể như việc góp đủ vốn đối ứng 20% tổng vốn đầu tư chỉ được chủ đầu tư cam kết trên giấy và khi thực hiện, bị hầu hết các chủ dự án làm lơ. Năm 2013, kiểm toán phát hiện cả 38 dự án được Chính phủ bảo lãnh vay nước ngoài đều chưa đăng ký tài sản thế chấp đảm bảo dù đã hoàn thành rút vốn và nghiệm thu quá 6 tháng.

Đó là chưa kể, cơ quan kiểm toán còn phát hiện 36 dự án chậm nộp phí bảo lãnh và 10 dự án đã bị phạt chậm trả 129 triệu đồng, 13 dự án đã không thanh toán phí bảo lãnh năm 2013 đúng quy định với số tiền nợ phí là 103,68 tỷ đồng. 6 dự án đến năm 2014 cũng vẫn chưa thanh toán phí bảo lãnh (gồm 0,74 triệu USD; 0,63 triệu EUR; 22,89 triệu JPY).
Rõ ràng, nếu không kiểm soát chặt chẽ, các khoản nợ nước ngoài trên sẽ là một gánh nặng không nhỏ cho Chính phủ và gây áp lực lớn nên nợ công quốc gia.
Bộ Tài chính cũng xác định, phải chủ động hạn chế cấp bảo lãnh đối với các doanh nghiệp đang có khó khăn tài chính, đang thực hiện tái cơ cấu dự án. Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cần siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, qua đó giảm dư nợ công.
Theo Phạm Huyền (Vietnamnet)

Tin bài liên quan:

Đề xuất lộ trình giảm tỷ lệ hưởng lương hưu bắt đầu từ năm 2018

Phan Thanh Hung

Nếu Việt Nam vỡ nợ công?

Phan Thanh Hung

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Nhiều Bộ, ngành, địa phương “đứng im”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo