Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016-06-09
Nghệ sĩ violon Tạ Chí Hải chơi nhạc hôm tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Hà Nội hôm 14/3/2013 trước tượng đài vua Lý Công Uẩn tại Hà Nội.
Ông Tạ Trí Hải, được biết đến như một nghệ sĩ đường phố với tiếng đàn vĩ cầm hòa vào những cuộc biểu tình chống Trung Quốc hoặc bảo vệ môi trường những ngày Chúa Nhật vừa qua, đang chuẩn bị kiện chủ tịch TP Hà Nội về chuyện bị công an bắt cóc và đưa về Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội trong lúc bản thân ông không hề là người vô gia cư, cơ nhỡ hoặc người ăn xin trong thành phố.
Bị bắt và được giải cứu
Kể từ khi xảy ra sự kiện cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung mà đối tượng bị nghi ngờ là công ty Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, thì Chúa Nhật nào của tháng Năm cũng nổ ra những cuộc biểu tình mà công an cố sức giải tán cũng như chận bắt người tham dự.
Ở Hà Nội, tay đàn vĩ cầm Tạ Trí Hải, được mệnh danh là nghệ sĩ đường phố, là hình ảnh quen thuộc và sát cánh với những cuộc biểu tình từ đầu tháng Năm. Hầu như lần nào tay đàn trên 60 tuổi này cùng một số người tham dự đều bị vây bắt nhưng được thả về sau đó.
Tuy nhiên đến tối 3 tháng Sáu, chưa tới Chúa Nhật tuần thứ 5 của cuộc biểu tình, ông Tạ Tri Hải đã bị công an bắt cóc đưa về đồn Hàng Bạc:
Lần này nó bắt sớm hơn, bắt ngay đêm hôm thứ Sáu. Tôi vẫn chơi đàn ở bờ hồ, hôm ấy chơi khuya thì tôi không về chỗ nghỉ được. Tôi ra chỗ bờ hồ cùng với anh em ngồi uống nước cho đến một giờ sáng thì công an, an ninh ở phường Hàng Bạc đến kiểm tra giấy tờ. Tôi đưa chứng minh thư rõ ràng, họ xem xong rồi bảo là mời tôi về phường, dùng vũ lực hơn một chục người đẩy tôi lên xe, cuối cùng tống tôi về Hàng Bạc giam một đêm ở đấy.
Sáng hôm sau tưởng như mọi lần họ thả cho về ai ngờ đâu họ liên lạc với cái trạm gọi là Trợ Giúp Xã Hội 1 cách đấy 11 cây số để nhốt những người lang thang ăn mày ăn xin của Hà Nội vào đấy một tháng.
Ông Tạ Trí Hải đã tìm cách gởi thư cho một số anh em mà ông quen biết và thường cùng nhau đi biểu tình:
Cuối cùng, hôm Chủ Nhật vừa rồi thì anh em đến giải thoát cho tôi. Năm anh em đi một chiếc xe con, hôm ấy Chủ Nhật nó chủ quan, chúng nó nghỉ hết, chỉ có một cậu gác với 3 phụ nữ. Họ mở cửa, may là mở cửa nên anh em mới xộc vào, la toáng lên “Bố Hải ơi bố Hải ơi. Tôi la lên “Bố đây bố đây, ở phòng số 6”. Thế là anh em đến, gỡ được cái chốt ở ngoài, thế là tôi chỉ kịp nhày ra ô tô về với anh em. Tất cả đồ đạc hành lý của tôi, xe đạp, ampli, đàn violon nó giữ hết, cả điện thoại máy tính nó giữ hết, chúng tôi chỉ có kịp ra xe thôi.
Về hôm ấy đúng Chủa Nhật, cùng với mấy chục anh em hôm ấy tiếp tục đấu tranh, đến các đồn công an quận Long Biên, công an quận Hoàn Kiếm, công an Hà Đông, họ nhốt một số anh em ở đấy thì chúng tôi đến đấu tranh đòi bằng được thả về.
Sáng thứ Tư, tức 2 ngày sau đó, ông Tạ Trí Hải cùng nhóm anh em dân chủ đã giải thoát ông ra khỏi Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội 1 ở Đông Anh, quay lại nơi đây để đòi tài sản:
Cuối cùng thì gặp được ban giám đốc, họ gọi công an đến lập biên bản và yêu cầu là tiếp tục giam giữ tôi ở lại. Tôi chấp nhận với điều kiện trong ngày mai phải giải thoát cho tôi, trả lại tự do cho tôi và tất cả đồ đạc bằng mọi giá. Cuối cùng, suốt từ hôm qua đến hôm nay nó phải trả tôi về và trả lại đồ đạc hết. Hôm nay anh em đang tụ tập ở đây gọi là hàn huyên và ăn mừng.
Sáng hôm sau tưởng như mọi lần họ thả cho về ai ngờ đâu họ liên lạc với cái trạm gọi là Trợ Giúp Xã Hội 1 cách đấy 11 cây số để nhốt những người lang thang ăn mày ăn xin của Hà Nội vào đấy một tháng.
– Ông Tạ Trí Hải
Từ Hà Nội, anh Lã Việt Dũng, một trong những người cùng đi với nhóm anh em dân chủ đến Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội 1 ở Đông Anh để giải thoát cho nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải, giải thích lý do vì sao họ phải hành xử liều linh như thế:
Toàn bộ sự việc này thì tôi cho rằng đây là một sự lạm quyền của công an ôi cho rằng đây là một sự lạm quyền của công an cũng như của Trumg Tâm Bảo Trợ Xã Hội. Đây có thể nói là kẽ hở của pháp luật mà bên công an sử dụng rất nhiều để họ bắt bớ người theo ý họ thích.
Và khi mà bị bắt vào Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội rồi thì bản thân những người ở Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội cũng có quyền ức hiếp người ta như những tù nhân thật sự mà dư luận xã hội cũng như những cơ quan giám sát không ai có thể can thiệp được. Đây là một điều hết sức nguy hiểm, một sự vi phạm quyền con người một cách trắng trợn.
Ông Hải sẽ kiện?
Nghệ sĩ Tạ Trí Hải cùng người biểu tình hô khẩu hiệu chống Trung Quốc trong ngày tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma hôm 14/3/2013 tại Hà Nội. AFP photo
Trả lời đài Á Châu Tự Do, ông Tạ Trí Hải cho biết ông sẽ kiện về sự việc bị bắt cóc rồi bị tống vào chỗ dành cho những thành phần vô gia cư, bất hợp pháp hoặc nạn nhân của tệ trạng xã hội:
Tôi định kết hợp với luật sư, trình bày tất cả và truy tố ra tòa bọn công an Hàng Bạc bắt người bất hợp pháp.
Tiếp lời ông Tạ Trí Hải, nhà hoạt động Lã Việt Dũng:
Nếu kiện là kiện chủ tịch TP Hà Nội nhưng khả năng thắng rất thấp bởi vì luật pháp Việt Nam việc kiện như thế chưa từng xảy ra và họ sẽ tìm mọi cách bao biện. Nhưng tôi nghĩ quan trọng hơn là làm sao dựa vào đó lên tiếng, cũng như chúng tôi sẽ nghiên cứu một số các biện pháp để những việc lạm quyền như thế này không xảy ra nữa. Đấy là việc quan trọng hơn là theo đuổi một vụ kiện mà kết quả không rõ ràng.
Theo luật sư Hà Huy Sơn, đang hành nghề tại Hà Nội, vụ việc ông Tạ Trí Hải cho thấy ông có đủ cơ sở để kiện chủ tich TP Hà Nội:
Với thông tin tôi viết trên mạng thì trường hợp cụ Tạ Trí Hải mà đối chiếu với các văn bản và qui trình pháp luật hiện hành thì cụ không thuộc trường hợp được đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội. Những qui định này được qui định ở Nghị Định 68 năm 2008 của chính phủ và cái hướng dẫn cho những điều cụ thể của Thông Tư 07 năm 2009 của thương binh và xã hội.
Một điều cơ bản nữa theo Hiến Pháp Việt Nam về nhân quyền, luật sư Hà Huy Sơn khẳng định, việc đưa một người vào cơ sở bảo trợ xã hội mà trường hợp này là ông Tạ Trí Hải, thì nó thuộc thẩm quyền của chủ tịch TP Hà Nội:
Ông Hải lại phản đối việc mình bị cưỡng bức vào đây thì nếu những người thi hành nhiệm vụ mà thực hiện cái thẩm quyền của chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thánh Phố thì ông Tạ Trí Hải đủ cơ sở khởi kiện thủ tục hành chính đối với chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Nếu kiện là kiện chủ tịch TP Hà Nội nhưng khả năng thắng rất thấp bởi vì luật pháp Việt Nam việc kiện như thế chưa từng xảy ra và họ sẽ tìm mọi cách bao biện.
– Anh Lã Việt Dũng
Nhưng cũng có một trường hợp khác, có thể việc ông Tạ Trí Hải không phải là do theo lệnh hay theo quyết định của ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mà theo lệnh của một cá nhân hay của một cấp nào đó thì người phải chịu trách nhiệm là giám đốc Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội ở Đông Anh, Hà Nội. Đấy là đặt ra các tình huống và các cơ sở mà tôi cho rằng có thể kiện chủ tịch thành phố Hà Nội nếu việc đưa này xuất phát từ quyết định của thành phố.
Được hỏi liệu ông sẽ nhận can thiệp pháp lý cho ông Tạ Trí Hải nếu được người nghệ sĩ đường phố này đích thân mời, luật sư Hà Huy Sơn trả lời:
Nếu mà ông Tạ Trí Hải có mời thì tôi cũng rất vui lòng nhận lời. Tôi cũng muốn rằng có thể các luật sư khác tham gia vào vụ này, hoặc là không còn ai nhận lời thì tôi sẽ nhận lời.
Vẫn theo lời giải thích chi tiết của luật sư Hà Huy Sơn, Khoản 1 Điều 3 Luật Người Cao Tuổi 2009 của Việt Nam qui định người cao tuổi có các quyền như sau. Thứ nhất, được bảo đảm các nhu cầu về ăn, mặc, đi lại, chăm sóc sức khỏe. Thứ hai, có quyền quyết định sống chung với con cháu hoặc sống theo ý muốn.
Vì thế, luật sư kết luận, nếu ông Tạ Trí Hải bị cưỡng bức đưa vào Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội 1 ở Đông Anh thì chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TP có thể bị kiện ra tòa.