Nghi vấn xung quanh vụ Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú

Kính Hòa RFA

2017-07-31


Hình minh họa cho bài viết về ông Trịnh Xuân Thanh trên trang mạng nguyentandung.org

Hình minh họa cho bài viết về ông Trịnh Xuân Thanh trên trang mạng nguyentandung.org

Courtesy of nguyentandung.org


Ngày 31 tháng Bảy, 2017, ông Trịnh Xuân Thanh, người bị nã quốc tế suốt một năm nay ra đầu thú cơ quan công an tại Hà Nội.
Trước đó 1 ngày, Tướng Tô Lâm Bộ trưởng Bộ Công An nói với báo chí rằng ông không biết gì về chuyện này cả.
Ông Bùi Thanh Hiếu, hay blogger Người Buôn Gió, người sống tại Đức và trước đây có một số bài viết về nhân nhân vật Trịnh Xuân Thanh, nói với đài RFA rằng ông gặp ông Trịnh Xuân Thanh lần cuối cùng vào tháng ba năm nay, 2017, tại Đức. Lúc đó ông Trịnh Xuân Thanh có nói ý định của mình là về Việt Nam để ra tòa.
Ông Thanh thì cứ muốn về rồi ra tòa, thế nọ thế kia, xử công khai rồi có giám sát quốc tế các thứ, để ông ấy tranh luận làm rõ cái vụ 3300 tỉ ấy.”
Theo trình bày của ông Bùi Thanh Hiếu thì ông Thanh không có ý định định cư ở nước ngoài ngay từ đầu, hành động trốn ra nước ngoài của ông vào năm 2016 là để tránh bị bắt rồi bị xử bất công.
Trong thời gian một năm qua, có nhiều tin đồng rằng ông Trịnh Xuân Thanh sống ở vài nước khác nhau. Ông Bùi Thanh Hiếu xác nhận rằng ông Thanh có sống ở Đức, và đã gặp ông Hiếu. Ngay sau khi có tin ông Thanh trốn khỏi Việt Nam, blogger Người Buôn Gió, tức Bùi Thanh Hiếu viết rất nhiều bài về ông Trịnh Xuân Thanh, dựa trên những thông tin được cho là do ông Thanh cung cấp.
Ngày 30 tháng bảy năm 2017, tin ông Trịnh Xuân Thanh về nước được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, bắt nguồn từ facebook của nhà báo Huy Đức.
Nhà báo Phạm Chí Dũng hiện sống tại Sài Gòn nói về những tin tức trái ngược nhau trong ngày 30 tháng bảy:
“Cùng ngày 30 tháng bảy tôi lại ngỡ ngàng đọc cái bài trên báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, phỏng vấn ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, hỏi về thông tin cho rằng cơ quan điều tra đã di lý ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam rồi. Ông Bộ trưởng Bộ công an lại nói như phân bua là đến giờ vẫn chưa có thông tin gì. Thế là có người kêu lên rằng tôi biết tin vào ông Huy Đức hay ông Tô Lâm đây. Chẳng lẽ một bộ máy khổng lồ của Bộ Công an, cơ quan công an Việt Nam giỏi như thế, giỏi nhất thế giới, lại thua một cá nhân nhà báo Huy Đức. Mới hôm qua đây công an đã huy động bắt giữ bốn người bất đồng chính kiến của Hội anh em dân chủ, mà tại sao Huy Đức biết trước (vụ ông Thanh bị bắt) mà Bộ Công an lại không biết gì?”
Theo ông Phạm Chí Dũng thì những tin tức mà nhà báo Huy Đức đưa ra trong thời gian gần đây là đáng tin.
Ông Thanh thì cứ muốn về rồi ra tòa, thế nọ thế kia, xử công khai rồi có giám sát quốc tế các thứ.
-Blogger Bùi Thanh Hiếu.
Khi được hỏi về khả năng chính công an Việt Nam đã ra nước ngoài bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh rồi đưa về Việt Nam, ông Bùi Thanh Hiếu cho rằng không có điều đó:
Chuyện cơ quan công an ra nước ngoài bắt ông Thanh là không thể được. Thứ nhất là ông ấy có luật sư ở đây. Muốn bắt ông ấy thì phải ra tòa, rồi căn cứ theo các luật của người ta để phán quyết là không chấp nhận đơn của luật sư, trục xuất ông ấy về, rồi mới tới thủ tục bàn giao cho công an Việt Nam để công an Việt Nam đưa ông Thanh về.”
Trong suốt thời gian một năm qua, từ khi có tin ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, các vị đại diện cơ quan pháp luật Việt Nam thường khẳng định rằng sẽ di lý ông Thanh về Việt Nam để xử tội dù ông đang ở đâu.
Nhà báo Phạm Chí Dũng kết luận về diễn biến ra đầu thú của ông Trịnh Xuân Thanh:
Có cái gì đó rất khó hiểu trong việc ông Trịnh Xuân Thanh đi đầu thú. Vừa khó hiểu, vừa kịch tính, vừa hài hước. Tôi có cảm giác như đang xem những cuốn phim Nguyễn Bá Thanh 2014, Phùng Quang Thanh 2015, chiếu lại. Có cái gì kỳ bí giống như trong một màn sương mù, có những bàn tay nhớp nhúa thò ra đạo diễn giống như lên đồng.”
Ông Nguyễn Bá Thanh nguyên là Trưởng Ban Nội chính trung ương, cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam có trách nhiệm trong việc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam, đi nước ngoài vào năm 2014. Lúc ấy nhiều tin đồn trên mạng xã hội nói rằng ông mắc bệnh hiểm nghèo, thậm chí bị đầu độc, nhưng truyền thông Việt Nam im tiếng. Sau đó tin ông Nguyễn Bá Thanh mất cũng được mạng xã hội đưa tin trước khi nhà nước Việt Nam xác nhận rằng ông mất.
Ông Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Bộ quốc phòng sang Pháp trị bệnh vào năm 2015 cũng dấy lên rất nhiều đồn đoán về bệnh tình của ông, nhưng cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam cũng không bình luận gì.
Nhìn vào sự khác biệt của lời phủ nhận của tướng Tô Lâm về tin ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, và tin chính thức xác nhận của Bộ Công an sau đó chỉ có 1 ngày rằng ông Thanh đã đầu thú, nhà báo Phạm Chí Dũng đặt nghi vấn rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã gặp một ai đó có quyền lực trước khi đến đầu thú tại cơ quan công an.
Có cái gì đó rất khó hiểu trong việc ông Trịnh Xuân Thanh đi đầu thú. Vừa khó hiểu, vừa kịch tính, vừa hài hước.
-Nhà báo Phạm Chí Dũng.
Ông Trịnh Xuân Thanh từng làm Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Vụ thất thoát số tiền 3300 tỉ đồng tại tổng công ty này được cho là diễn ra dưới thời ông Thanh chịu trách nhiệm đứng đầu. Nhưng sau khi rời Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí, ông Trịnh Xuân Thanh lại trúng cử đại biểu quốc hội, rồi làm phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Khi ông làm việc tại tỉnh này thì tin tức về những vụ tham nhũng có liên quan đến ông được báo chí Việt Nam đưa tin vào khoảng giữa năm. Sau đó ông trốn ra nước ngoài, và bị chính phủ Việt Nam truy nã quốc tế.
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)