Việt Nam Thời Báo

Người Trung Quốc xấu xí là tại… Chính phủ Việt Nam?

Image result for Người Hoa ở miền Nam
Người Hoa ở miền Nam

Nguyễn Cao
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Mới đây, trong buổi ăn trưa với các doanh nhân của Câu lạc bộ LBC (Leading Business Club) tại TP.HCM, nhân sự kiện người Hong Kong xuống đường đòi quyền tự do phổ thông đầu phiếu và trong bối cảnh Việt Nam cũng chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới của Đảng Cộng sản – bàn luận quanh chuyện học được gì từ sự trỗi dậy của Trung Quốc – các thành viên của CLB cho rằng những ông chủ người Hoa ở miền Nam không hề xấu xí…

Tín, Gia, Cần, Tương, Yêu
Đây là 5 nguyên tắc cơ bản mà bất kỳ thương gia người Hoa nào ở miền Nam trước đây cũng đều tuân thủ nghiêm ngặt.
Một câu chuyện cũ. Anh Kỷ Liên Tín, chủ một sạp kinh doanh gia vị ở chợ Bình Tây, bị vỡ nợ đành sang Mỹ sinh sống, được đồng hương tin yêu giúp đỡ tài chính. Từ bên Mỹ, anh Tín tích cóp rồi gửi tiền về Việt Nam thanh toán sòng phẳng cho các chủ nợ.
Chữ Tín quan trọng còn vì chữ Gia. Người Hoa ở miền Nam thường chỉ tập trung một nghề và chuyên tâm với nghề ấy suốt một đời, suốt nhiều đời. Đó là lý do ông Lý Ngọc Minh (chủ gốm sứ Minh Long) đã đặt tên cho dòng sản phẩm đầu tiên của mình là Lý. Ngày xưa ai cũng nghèo, không có tiền mua nguyên vật liệu, nhưng dân làng sẵn sàng bán thiếu cho ông Lý Ngọc Minh thời khởi nghiệp nhờ uy tín của người cha.
Tôn trọng chữ “Gia”, gia đình ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên – chủ nhân thương hiệu bánh Đô Thành trước 1975, nay là Công ty Kinh Đô – dù có lúc lục đục, nhưng chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn trong kinh doanh nhờ biết tôn trọng ý kiến của người anh cả là Trần Kim Thành.
Chủ doanh nghiệp người Hoa thường có nhiều con. Bất kể người con trai thuộc ngôi thứ nào nếu tỏ ra uy tín cũng đều được người cha tin tưởng giao tay hòm chìa khóa. Người con nào là phá gia chi tử, bị liệt vào hạng thất dụng thì không được giao việc liên quan đến tiền bạc mặc dù vẫn được thương yêu.
Vô cùng nghiêm khắc trong chuyện dạy con, ông Lý Ngọc Minh bắt con phải đi lên từ một nhân viên bình thường. “Tỉ phú do “cần”, đại phú do thiên” là câu châm ngôn để răn dạy con cái trong nhà. Chủ thương hiệu hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, ông Lương Vạn Vinh sẵn sàng xách cả vali nước rửa chén qua Myanmar bán từng chai để tiếp thị…
Với chữ “Tương”, người Hoa sẵn sàng giúp công việc làm ăn chứ không cho tiền, với người mới mở cửa hàng, các chủ vựa sẵn sàng bán thiếu, chở hàng tới cho gối đầu, đỡ đần nhau khi thịnh khi suy.
Ông Trần Kim Thành từng giúp ông Kao Siêu Lực (thương hiệu bánh Đức Phát trước đây, về sau tách riêng ra là ABC) lúc khó khăn dù hai người cùng kinh doanh một ngành nghề. Với người Hoa, cái gì cần xài, không sợ tốn kém, cái gì lãng phí khó mà móc được “hầu bao” của họ.

Nghe đến “hàng Tàu” là…
“Gia đình tôi học được ở người Hoa nhiều lắm, nhưng đó là tinh thần của người Hoa trước 1975. Còn bây giờ chữ Tín, chữ Gia, chữ Cần, chữ Tương không còn như trước đây…”. Nhiều doanh nhân người Việt trong Câu lạc bộ LBC, chia sẻ.
Đề cập đến những thủ đoạn tàn nhẫn của người Trung Quốc, anh Lý Huy Sáng, tổng giám đốc công ty gốm sứ Minh Long, cho rằng: “Bản chất người Hoa không phải xấu đến vậy. Cái làm thay đổi người Hoa phải chăng do chính sách quốc gia. Rõ ràng người Hoa ở Đài Loan, Hong Kong, Singapore khác với người Hoa ở Trung Quốc. Chính sách nào tạo ra tư duy đó…”.
Ông Hồ Quỳnh Hưng, tổng giám đốc công ty Điện Quang, chia sẻ: “Trung Quốc cũng có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, không phải tất cả đều là hàng dỏm. Nhưng vì chính sách Việt Nam đã cho hàng tiểu ngạch dễ dàng quá nên hàng xấu họ đẩy qua đây hết”.
“Còn các nước châu Âu, Mỹ cũng đầy hàng Trung Quốc, nhưng đều là hàng chất lượng. Chính Nhà nước làm không nghiêm với hàng dỏm của Trung Quốc nên gây khó cho doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng. Chính phủ phải có nhiều chính sách tốt hỗ trợ cho doanh nghiệp, mới có được những thương hiệu toàn cầu”.
Phiếm chi nhân xưng “họ” mà ông Hưng đề cập, nói như lời của Lý Huy Sáng, chính là lãnh đạo Nhà nước Trung Quốc. Một Nhà nước mà người đứng đầu vừa sẵn sàng xua tàu xuống vùng biển của Việt Nam để xâm chiếm, bắt ngư dân Việt, cướp phá tàu…; đồng thời Nhà nước đó lại xoen xoét yêu cầu tôn trọng “Nhận thức chung nguyên tắc ba điểm về phát triển quan hệ Trung – Việt” mà đặc phái viên Lê Hồng Anh đã mang về nước như món quà “đi sứ”.
Thượng bất chánh, hạ tất loạn. Văn hoá gia phong xuất phát từ văn hoá nền tảng, nếu văn hoá nền bị xuống cấp sẽ kéo theo hệ luỵ tất cả mọi ngành, dẫn đến làm ăn gian dối, tư tưởng thực dụng, coi đồng tiền là tất cả. Điều này cảnh báo Nhà nước Việt Nam cần mạnh dạn “thoát Trung”, trước tiên là từ những chính sách, như lời “đổ thừa” của ông Hồ Quỳnh Hưng…

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.