“Người Việt ở hải ngoại được ứng cử tại Việt Nam”: Tín hiệu gì?

Cách đây ít ngày, đài RFA đưa tin:
Ngày 9/11 báo chí Việt Nam đưa tin là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban tuyên giáo Trung ương, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, báo Nhân dân đã tổ chức một cuộc hội thảo trong đó có nói về vai trò của người Việt ở hải ngoại. Trong cuộc hội thảo này đã có ý kiến đề nghị cho người Việt ở hải ngoại được tham dự bầu cử và ứng cử tại Việt nam. Liệu đây có phải là một tín hiệu cho thấy đảng cộng sản Việt Nam sẽ chấp nhận sự đa nguyên chính trị trong tương lai?
Cũng trong khoảng thời gian diễn ra cuộc cuộc hội thảo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ban tuyên giáo Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, Luật sư Vũ Đức Khanh, hiện sống và làm việc ở Canada cho biết ông nhận được điện thoại từ một lãnh đạo rất cao cấp của đảng cộng sản Việt nam, đề nghị cho biết ý kiến về tiến trình dân chủ tại Miến Điện sau khi đảng đối lập thắng lớn. Luật sư Khanh cho biết thêm là cuối buổi nói chuyện, vị lãnh đạo Việt Nam nói rằng ông hy vọng một ngày không xa luật sư Khanh có thể ra tranh cử tại Việt Nam”.
Những thông tin và dấu hỏi của đài RFA là rất đáng chú ý, mặc dù từ năm 2003 khi ra đời Nghị quyết số 36 về “công tác người Việt ở nước ngoài” cho đến nay, đã có khá nhiều cuộc hội thảo về “kiều bào ta” do các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội của đảng cầm quyền tổ chức, nhưng kết quả vẫn chỉ là đánh bùn sang ao.
Nhưng vào lần này, tình thế lẫn cán cân lực lượng giữa đảng cầm quyền ở Việt Nam với khối người Việt hải ngoại đã đổi khác nhiều.
Cần nhận thức rõ là cho tới nay, kỷ luật đảng vẫn là một chủ đề tương đối gắt gao. Việc một lãnh đạo cao cấp của chính quyền thăm hỏi người Việt hải ngoại về gia đình và sức khỏe thì không thành vấn đề, nhưng việc chủ động gọi điện cho những người như luật sư Vũ Đức Khanh (một nhà hoạt động chính trị hải ngoại mà trước đây vẫn thường bị chính quyền Việt Nam coi là “địch”) và nói sang chính trị thì lại là chuyện khác hẳn. Lẽ dĩ nhiên, nhân vật lãnh đạo ấy sẽ phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định cho cá nhân ông ta khi vi phạm quy chế nội bộ đảng. Vế còn lại là cái lợi mà nhân vật lãnh đạo đó có thể đạt được trong mối quan hệ với một cộng đồng nào đó của người Việt hải ngoại sẽ lớn hơn hẳn cái nhìn thiếu thiện cảm của các đồng chí trong nội bộ đảng. 
Tháng 5/2016, Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức bầu cử.
Không chỉ có thể cho người Việt hải ngoại tham dự bầu cử hay ứng cử, thậm chí vài thông tin ngoài lề còn cho biết đã có “ý tưởng” trong nội bộ về chuyện trong tương lai (chưa biết gần hay xa), chính quyền Việt Nam sẽ có thể mời vài ba nhân vật người Việt hải ngoại “có máu mặt” về Việt Nam để “tham gia chính phủ”. Chỉ cần tin tức này có một phần cơ sở, đó cũng là sự thay đổi rất lớn về quan điểm chính trị nói chung và cách nhìn của chính quyền Việt nam đối với khối người Việt hải ngoại so với chục năm trước.
Nhưng vì sao chính quyền Việt Nam đột nhiên lại cần đến vai trò của người Việt hải ngoại như thế? Một sự thành tâm chính trị như Thein Sein đã làm đối với giới trí thức Myanmar ở hải ngoại? Một chính sách tiếp tục và gia tăng thu hút kiều hối? Hay chỉ đơn thuần là một sự mị dân và qua đó dùng người Việt hải ngoại làm cầu dẫn đến các chính phủ Hoa Kỳ và Tây Âu? Hoặc… liệu có một thế lực chính trị nào trong đảng đang muốn mượn hơi hướng “tranh cử độc lập” của người Việt hải ngoại như một tiền đề chuẩn bị cho xu thế đa đảng khó tránh khỏi trong vài ba năm tới? 
Lê Dung / SBTN
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)