Nguyên tắc 7-3 này cho thấy doanh nghiệp Việt chớ nên bỏ ngỏ AEC để “đánh bắt xa bờ” với TPP

Cứ nhắc đến hội nhập, chúng ta lại nói nhiều đến TPP như một cơ hội lớn cho lĩnh vực xuất khẩu. Nhưng chúng ta quên mất rằng: 70% kim ngạch xuất khẩu là của các doanh nghiệp FDI…

“Đi ra ngoài”: Khối FDI chiếm 70%

“Doanh nghiệp hiện đang rất háo hức với thị trường rộng lớn, với TPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Hai hiệp định trên được coi như là hiệp định thế hệ mới, mà cơ hội lớn nhất thuộc về lĩnh vực xuất khẩu khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ/cắt giảm.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: Vietnamnet.
Cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam thì doanh nghiệp nào sẽ được lợi khi kim ngạch xuất khẩu của khối FDI chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu cả nước?

Trong khi đó, một cam kết thương mại tự do khác là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực từ 31/12/2015, thì doanh nghiệp Việt vẫn thờ ơ. Theo kết quả điều tra của Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội), có tới 65% doanh nghiệp Việt Nam không biết về AEC.

Một trong những lý do thờ ơ được đưa ra là do phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chỉ hoạt động trong thị trường nội địa.

Trong nước: 70% doanh nghiệp nội “chịu trận”

Theo thông tin bà Lan đưa ra, có tới 70% doanh nghiệp Việt Nam không tham gia xuất khẩu mà chỉ hoạt động trên thị trường nội địa. Khi hội nhập, không phải chỉ các doanh nghiệp “đi ra ngoài” mới có cạnh tranh, mà kể cả thị trường nội địa cũng sẽ chịu cạnh tranh lớn khi doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ vào.

Các chủ doanh nghiệp ngành dệt may, nông sản khi nhắc đến thị trường xuất khẩu ASEAN đều lắc đầu do đặc tính tương đồng về hàng hóa trong khu vực. Nhưng nếu doanh nghiệp không cạnh tranh nổi với hàng hóa nước bạn trên “sân khách”, làm sao chống đỡ nổi khi hàng hóa các nước ASEAN tràn vào “sân nhà”?

“Cứ nói đến TPP là chúng ta nói đến sức ép với ngành chăn nuôi. Nhưng AEC sẽ là sức ép toàn diện với Việt Nam về hội nhập và cạnh tranh trên thị trường nội địa. Bởi chúng ta sản xuất được sản phẩm gì thì các nước ASEAN cũng có những sản phẩm tương tự với khả năng cạnh tranh tốt hơn”, bà Lan phân tích.

Nếu quan sát trong vài năm gần đây thì hoàn toàn có thể thấy sự đổ bộ của các doanh nghiệp ASEAN vào Việt Nam để đón đầu AEC. Chưa kể, ASEAN còn dẫn đến những kênh hội nhập khác như Hiệp định thương mại tự do ASEAN + Trung Quốc (ACFTA) sẽ tạo điều kiện cho hàng Trung Quốc thâm nhập vào thị trường các nước ASEAN.

Đừng trách doanh nghiệp thờ ơ khi Nhà nước không quan tâm!

“Vai trò của Nhà nước quan trọng hơn vai trò của doanh nghiệp. Nhà nước cần thực hiện tốt hơn kết nối về thể chế. Thể chế hiện nay còn quá nhiều khác biệt so với các nước ASEAN khác, đặc biệt là thể chế đối với các doanh nghiệp nội địa”, bà Lan nói.

Một câu chuyện được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần là chúng ta đang dành quá nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI.

“Xét cho cùng, không thể tăng trưởng chỉ dựa vào ngoại lực. Nếu doanh nghiệp trong nước cứ èo uột và suy giảm như thời gian vừa qua thì đất nước rất khó phát triển về lâu dài. Dù báo cáo về thành tích tăng trưởng vẫn là tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng FDI, tăng trưởng GDP, nhưng việc số 1 phải làm vẫn là hỗ trợ doanh nghiệp nội địa”, bà Lan khuyến nghị.

“Đừng trách doanh nghiệp còn thờ ơ nếu như chính Nhà nước cũng không thực sự quan tâm, hành động!”

Hàng Thái Lan ngập thị trường

Tại TPHCM, hoa quả Thái Lan đã tràn ngập thị trường. Số liệu thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập rau quả của Thái Lan lên đến 132 triệu USD. Nhiều gia đình ưu tiên sử dụng gạo Thái Lan thay gạo Việt Nam vì sợ gạo Việt Nam có hóa chất.

Trong số các mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường trong nước (tính về số lượng), hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ 2, sau hàng Trung Quốc.

Hiện nay, các sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 8.600 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác.

Trong bối cảnh gần đây, Thái Lan cũng đang nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam với hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh.

Theo Trí thức trẻ
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)