Việt Nam: “chiếu dưới” cho nhà báo
——————————–
Nhà báo lại bị cản trở
Vũ Hữu Sự
Chừng nào báo chí còn bị cản trở hay bị gây khó khăn khi tham dự các phiên tòa, thì chừng đó án oan, án sai còn nhiều cơ hội để xuất hiện
Ngày 22/12, trong phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII, đã cho ý kiến về dự thảo “Pháp lệnh Xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án Nhân dân”.
Nhiều đại biểu đã rất quan tâm đến việc các nhà báo, khi tham dự các phiên tòa và tác nghiệp để đưa tin, nhưng lại rất dễ bị dự thảo coi là “vi phạm”, và bị xử phạt. Việc này được thể hiện trong điều 17 (xử lý các hành vi vi phạm trật tự, nội quy phiên tòa) của dự thảo, trong đó điểm g, khoản 1 quy định rằng nếu “Ghi âm, ghi hình tại phiên tòa mà không được sự đồng ý của chánh án nơi giải quyết vụ án hoặc chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án”, thì sẽ bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Đồng thời còn có thể bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như buộc phải rời khỏi phòng xử án, tịch thu tang vật… theo quy định tại khoản 3, điều 5 của Pháp lệnh.
Quy định trên, rõ ràng là nhằm vào giới báo chí.
Vấn đề là nội quy phiên tòa do ai đặt ra? Do Chánh án TANDTC đặt ra để áp dụng trong các cấp tòa trên toàn quốc, hay mỗi tòa đều được quyền tự đặt ra nội quy cho riêng mình?
Điều này trong dự thảo pháp lệnh không nói rõ. Vậy thì nội quy phiên tòa do bản thân mỗi tòa án đặt ra, có đủ làm căn cứ để xử phạt không?
Ngoại trừ các phiên tòa phải xử kín vì những lý do cụ thể. Còn lại, các phiên tòa đều xử công khai. Mọi công dân đều được quyền tham dự, trong đó có nhà báo.
Muốn tác nghiệp tại phiên tòa, thì theo luật, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ với chủ tọa phiên tòa, là đủ. Ghi âm, ghi hình tại phiên tòa là việc tác nghiệp rất bình thường của nhà báo. Tại sao còn phải “được sự đồng ý của chánh án nơi giải quyết vụ án hoặc chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án”?
Nếu chánh án đi vắng, hoặc chủ tọa phiên tòa nại cớ này cớ khác để từ chối đề nghị của các nhà báo khi xin phép được ghi âm, ghi hình trong phiên tòa, thì coi như hoạt động tác nghiệp của nhà báo đã hoàn toàn bị vô hiệu hóa.
Trả lời những ý kiến của các đại biểu, Chánh án TANDTC cho rằng “Một số nước, phóng viên vào tòa chỉ ngồi thôi chứ không mang công cụ. Người ta chỉ vẽ lại chân dung bị cáo rồi báo lấy đăng. Nếu không thì phiên tòa rất lộn xộn. Chúng ta báo nào, đài nào là chính thống, tòa cũng đã tổ chức phòng riêng để tác nghiệp”.
Tuy nhiên, nước nào mà “Phóng viên vào tòa chỉ ngồi thôi chứ không mang theo công cụ”, và ai là người được chỉ định “vẽ lại chân dung bị cáo” để báo chí lấy đăng, vẽ có giống không, thì ông Chánh án không nêu cụ thể.
Còn việc “Tòa cũng đã tổ chức phòng riêng để tác nghiệp”, hoàn toàn không chính xác. Chỉ những phiên tòa xử những đại án như Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng hay Nguyễn Đức Kiên… báo chí mới “may mắn” được tác nghiệp ở những phòng riêng, có truyền hình trực tiếp.
Còn lại, chẳng có tòa nào trên cả nước đã tổ chức “phòng riêng” để báo chí có thể tác nghiệp cả. Mà không phải cứ đại án, thì báo chí mới quan tâm.
Muốn cải cách tư pháp, cần phải minh bạch các phiên tòa. Vì chính báo chí là những cơ quan phát hiện ra hầu hết những bản án “có vấn đề”.
Chừng nào báo chí còn bị cản trở hay bị gây khó khăn khi tham dự các phiên tòa, thì chừng đó án oan, án sai còn nhiều cơ hội để xuất hiện.
Vũ Hữu Sự
(Nông Nghiệp)
————————
* Tựa đề do VNTB đặt