Nhà sáng chế ”chân đất” chỉ mơ đừng bị làm khó

Các nhà sáng chế tàu ngầm, máy bay đã có những chia sẻ vô cùng thú vị về những dự định trong năm Bính Thân với báo Đất Việt.

Tàu ngầm mini Hoàng Sa sẽ ra biển Đông
Mặc dù cuối năm công việc để chuẩn bị Tết cho gia đình vô cùng bận rộn, nhưng ông Hòa vẫn không quên xuống xưởng mỗi ngày. Thông thường, ông xuống xưởng ít nhất phải vài tiếng đồng hồ, để xem lại những tính năng cho chiếc tàu ngầm mini Hoàng Sa, chuẩn bị thử nghiệm ở biển.
Ông chia sẻ: “Sau khi mang tàu ngầm Hoàng Sa ra biển, tôi sẽ bắt tay vào tìm kiếm nguồn tài chính để chế tạo tàu ngầm Trường Sa 02. Hiện tại, tôi đang lên thiết kế. So với hai chiếc tàu ngầm trước nó là con tàu tổng hợp tất cả các tính năng vượt trội nhất.
Đặc biệt, riêng tính năng vượt cạn thì tôi đang suy nghĩ xem có nên đưa vào Trường Sa 02 hay không. Tất cả phụ thuộc vào tài chính để mua động cơ”.
Nói về những dự định của mình, ông Hòa không giấu nổi sự phấn khích. Ông bảo, chỉ cần nghĩ đến những công việc liên quan đến chế tạo, bản thân ông thấy rất vui, cho nên, ông sẽ làm hết những dự định đang dang dở. Khó khăn lớn nhất của ông chỉ là tài chính.
Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa bên chiếc tàu ngầm mini Hoàng Sa
Không đặt nặng mục tiêu xuất khẩu, ông cho hay: “Mục đích sử dụng tàu ngầm là do người sử dụng. Tôi chỉ tạo ra những chiếc tàu ngầm.
Cũng như người thợ rèn họ chỉ biết sản xuất ra con dao, còn sử dụng con dao vào mục đích gì thì đó lại là việc khác.
Hơn nữa, đối với những sáng chế này, tôi nghĩ nên để trong nước sử dụng sẽ tốt hơn.
Có thể bây giờ nhiều người còn nghi ngại nhưng tôi tin đứng trước những thành công đã đạt được, người ta sẽ thay đổi”.
Theo doanh nhân Hòa, năm vừa qua, khó khăn cũng nhiều nhưng những cản trở đó không quá khó vượt qua.
“Tôi nghĩ, phải vượt qua khó khăn thì những thành quả đạt được mới được trân trọng. Ví dụ như chiếc tàu ngầm mini Hoàng Sa đang được thử nghiệm hoàn hảo, chuẩn bị tiến ra biển”, ông Hòa tâm sự.
Bản thân ông cũng mong muốn năm 2016 sẽ có thể thử nghiệm thành công và bắt tay vào chế tạo Trường Sa 02.
Tàu ngầm du lịch sẽ xuất khẩu sang Mỹ
Cũng tất bật không kém, liên hệ với nhà sáng chế Phan Bội Trân, ông vẫn đang dưới xưởng làm việc để điều chỉnh tính năng cho tàu ngầm du lịch.
Ông chia sẻ: “Hiện nay, công việc thiết kế, chế tạo vẫn đang được tiến hành đều. Phái Thái Lan cũng đặt hàng rất nhiều, nhưng đó chỉ là tàu ngầm 1 chỗ ngồi. Tàu hai chỗ ngồi, tôi vẫn chưa công bố bởi hiện nay, tôi mới đang tiến hành làm khuôn.
Tất nhiên, phần quan trọng là phần tiếp thị, qua năm mới thì mới tìm thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Indonesia và Mỹ.
Ở bên Mỹ dù đã được xem hình mẫu nhưng chưa thấy có ý kiến trả lời, chưa có quyết định có đặt hay không. Tôi cũng đang đặt kỳ vọng nhiều vào hai thị trường lớn này, chỉ mong 2016 mọi việc suôn sẻ hơn”.
Riêng với tàu ngầm Yết Kiêu 2, theo ông Trân chia sẻ, phần thiết kế đã xong chỉ còn phần xây dựng, đang chờ các phía liên quan, rồi đưa vào chế tạo.
“Tôi cũng tiếp xúc một số nơi, họ đều ủng hộ, việc sáng chế đặc biệt là mặt trang bị quân sự. Có những cách phân tích rất thuyết phục, từ trước vẫn nghĩ trang thiết bị quân sự phải hiện đại, đột phá kỹ thuật, phải là cái gì đó tinh vi, hiệu quả mang tính chất kỹ thuật nhiều hơn.
Nhưng tất cả những gì chúng tôi đang làm, đều mang tính chất đột phá, ở trong cuộc mới biết, bên ngoài thì khó thuyết phục.
Ông Phan Bội Trân dưới xưởng sản xuất
Mục đích cuối cùng vẫn làm góp phần tham gia vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước”, ông Trân chia sẻ.
Đặc biệt, theo ông Trân, chúng ta phải hướng đến sản xuất được vũ khí hiện đại, dựa trên nền công nghệ hiện đại, nhưng Việt Nam chưa thể làm được. Nhưng trong thời kỳ hiện đại, chúng ta không thể mãi vướng vào vòng luẩn quẩn chỉ đi nhập khẩu các vũ khí này.
Tuy nhiên, để có được nền tảng công nghệ đó, chúng ta phải dựa vào trí tuệ, mà có những loại vũ khí khác, cách đánh khác.
Ông Trân nói: “Năm 2016, tôi sẽ tiếp tục chế tạo tàu ngầm Yết Kiêu 2 với những tính năng thiên về đấu tranh quân sự, bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đưa ra những phát kiến mới, mong rằng nhận được nhiều ủng hộ”.
Kỹ sư Bùi Hiển: Giấc mơ cất cánh mong thành hiện thực
Sau thành công bay cách mặt đất 25cm, kỹ sư Bùi Hiển (Bình Dương) vẫn đang ngày ngày kéo máy bay ra bãi vắng để bay thử nghiệm tiếp.
Ông chia sẻ: “Sang năm 2016 chắc chắn tôi sẽ bay thành công với độ cao 1m, với các hình thức bay từ bay treo, bay tiến lui… Đó cũng là giấc mơ của tôi, để chiếc máy bay bay ổn định nhất đến mức có thể, tôi sẽ tập bay đến chiều 29 Tết, sau đó ra Tết chắc máy bay sẽ có thể hoàn thành các loại hình bay”.
Bên cạnh đó, dự định của ông Hiển là nếu như máy bay có thể bay ổn định, ông sẽ đăng ký đề tài với Hội khoa học hàng không, vũ trụ Việt Nam rồi xin cấp giấy phép bay.
Ông Bùi Hiển bên chiếc máy bay tự chế thứ 2
Đồng thời, ông Hiển bắt tay vào sản xuất chiếc máy bay tự chế thứ ba mang tên “Bùi Hiển 3”, với ông, tuổi tác không còn quá trẻ để kéo dài thời gian, nên chỉ mong mọi thử nghiệm đều thành công, để ông hoàn thành những giấc mơ.
Ông cho hay: “Việc máy bay có thể cất cánh, minh chứng cho việc người Việt cũng có thể làm ra những sản phẩm liên quan đến hàng không”.
Điều ông mong muốn lớn nhất, đó chính là làm sao tất cả các thiết bị, các linh kiện sản xuất ra một chiếc máy bay đều ”made in Việt Nam” mà không cần phải nhập nước ngoài như hiện nay.

Theo báo Đất Việt

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)