Một nhà sư Tây Tạng có tiếng đã qua đời trong nhà tù ở Trung Quốc sau 13 năm giam cầm, theo thông tin từ gia đình ông và các tổ chức nhân quyền.
Ông Tenzin Delek Rinpoche, 65 tuổi, phải chịu mức án 20 năm tù vì tội gây chia rẽ và khủng bố, sau khi bị buộc tội liên quan tới vụ tấn công bằng bom ở Thành Đô năm 2002.
Ông Tenzin Delek đã phủ nhận mọi cáo buộc, và nói có động cơ chính trị. |
Các nhóm vận động nhân quyền ở Hoa Kỳ và châu Âu lúc đó đã lên tiếng chỉ trích án tù và kêu gọi thả tự do cho nhà sư.
Cảnh sát ở thành phố Tứ Xuyên, Thành Đô, nơi ông Tenzin bị giam giữ, đã báo với thân nhân về cái chết của ông hôm Chủ Nhật 12/07, nhóm vận động Students for a Free Tibet (Sinh viên vì một Tây Tạng Tự do) cho biết.
Người em họ của ông, Geshe Nyiama, hiện sống ở Ấn Độ, nói với hãng Reuters rằng vẫn chưa rõ nguyên nhân cái chết của ông.
Người Tây Tạng trong một buổi cầu nguyện cho nhà sư Tenzin Delek hồi năm ngoái, theo nhóm Free Tibet |
Một nhóm nhân quyền khác, Free Tibet (Giải phóng Tây Tạng), nói gia đình vị sư đã yêu cầu trả thi thể nhưng bị các quan chức trại giam từ chối.
Một nhân viên của phòng Công an huyện Đại Trúc, Tứ Xuyên, xác nhận về cái chết của ông Tenzin Delek với hãng tin AP nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Ban đầu, nhà sư bị xử án tử hình treo năm 2002, sau đó đã được giảm thành án chung thân và sau này là 20 năm tù giam.
Một vị sư khác, ông Lobsang Dhondup, cũng bị xử cùng với ông Tenzin Delek trong vụ đánh bom, đã bị xử tử hồi tháng 01/2003.
Các nhóm nhân quyền cáo buộc Trung Quốc đàn áp văn hóa và tự do biểu hiện của người Tây Tạng, và bắt giữ nhiều nhà sư bày tỏ ủng hộ vị lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng đang lưu vong Dalai Lama.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc nói kinh tế Tây Tạng đã phát triển đáng kể, và rằng các cộng đồng Tây Tạng được hưởng tự trị lớn hơn trong hệ thống chính phủ phân cấp.
Năm 1959, sau cuộc nổi dậy chống Trung Quốc không thành, Đức Dalai Lama thứ 14 rời Tây Tạng và thành lập chính phủ lưu vong ở Ấn Độ.
Theo BBC