Ông Phạm Công Danh (trái) và Phan Thành Mai (phải)
Hàng loạt các sếp khủng của ngân hàng dính vòng lao lý vì những sai phạm trong thời gian đương chức. Ngoài Agribank còn có thêm CEO của OceanBank và VNCB “ngã ngựa” trong năm Ngọ.
Hà Văn Thắm – nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank
Ngày 21/10/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng và lệnh khám xét đối với Hà Văn Thắm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định tại Điều 179 Bộ luật hình sự.
Đến ngày 24/10, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn, cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt, khám xét đối với Hà Văn Thắm ( sinh năm 1972, quê quán xã An Hà, Lạng Giang, Bắc Giang) – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Ủy ban Tín dụng, Chủ tịch Ủy ban Đầu tư Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương.
Quá trình thi hành lệnh bắt, khám xét đối với Hà Văn Thắm đã được thực hiện đúng quy định tại Điều 80, Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự và đã được dẫn giải về trại tạm giam Bộ Công an để điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo tài liệu điều tra ban đầu, tháng 11/2012, ông Thắm đã ký các quyết định cho Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Trung Dung vay khoảng 500 tỷ đồng. Việc cho vay này là sai quy định dẫn đến hậu quả mất khả năng thanh toán
Chiều 24/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra thông báo về việc đình chỉ quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương đối với ông Hà Văn Thắm để phục vụ việc xử lý các vi phạm pháp luật của cá nhân ông Hà Văn Thắm.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong quá trình triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã được Bộ Chính trị, Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành thanh tra pháp nhân, thanh tra chất lượng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng. Qua thanh tra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương.
“Sếp lớn” Agribank cũng “dính chàm”.
Ông Đỗ Tất Ngọc – nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Agribank đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam ngày 20/9 để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Thông tin ban đầu cho biết, năm 2009, thực hiện chủ trương di chuyển nhà máy in ngân hàng I ra khỏi nội thành, ông Đỗ Tất Ngọc đã đồng ý cho ông Phạm Ngọc Ngoạn ký hợp đồng kinh tế với Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo quốc tế (Công ty INED) để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 20.300 m2 đất tại khu vực Quang Minh, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội. Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank sau đó đã chuyển khoản tiền 90 tỉ đồng cho Công ty INED. Tuy nhiên, lô đất chuyển nhượng trên chỉ là đất thuê của nhà nước, theo diện trả tiền hàng năm. Đến nay, dự án xây dựng nhà máy in chưa được triển khai, còn số tiền hơn 90 tỉ đồng không có khả năng thu hồi.
Ông Đỗ Tất Ngọc còn bị xác định có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế trong vụ án tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II). Quá trình điều tra vụ án tham nhũng tại ALC II thuộc Agribank, cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định số tiền thiệt hại hơn 500 tỉ đồng.
Chủ tịch HĐQT VNCB cũng “ngã ngựa”
Cuối giờ chiều ngày 29/7, ông Phạm Công Danh – Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (Ngân hàng VNCB) cùng nguyên tổng giám đốc Phan Thành Mai và thành viên Hội đồng quản trị phụ trách tài chính Mai Hữu Khương bị bắt về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Sai phạm xảy ra tại Ngân hàng VNCB được tóm tắt như sau: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam qua hoạt động kiểm soát đã phát hiện Ngân hàng VNCB đứng ra bảo lãnh trái quy định cho một số đơn vị công ty là “sân sau” của ông Danh vay tiền tại ngân hàng, dẫn tới mất khả năng thu hồi, cho vay không giám sát việc sử dụng vốn.
Ngoài ra, Ban lãnh đạo Ngân hàng VNCB có hoạt động lãi suất “ngoài luồng”, trái với quy định về mức trần lãi suất của NHNN. Trách nhiệm để xảy ra sai phạm thuộc về 3 bị can gồm: Phạm Công Danh – Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng VNCB; Phan Thành Mai – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng VNCB và Mai Hữu Khương – nguyên thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Khối kinh doanh, kiêm Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn Ngân hàng VNCB. Trong đó, Phạm Công Danh giữ vai trò chính.
Thiên Thanh là tập đoàn có thế mạnh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đã tham gia góp vốn, tái cơ cấu để cho ra đời Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
An ninh tiền tệ