Việt Nam Thời Báo

Nhật ký nhục hình công an Việt Nam (*)

(*) Tựa đề do VNTB đặt

 Phạm Bá Hải – cựu tù nhân lương tâm

** Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Lâm Đồng 29/10/2014

Tối khoảng 7g ngày 29/10/2014, tôi và tín đồ PGHH Lê văn Sóc đến nhà anh Dương Âu tại Đức Trọng, Lâm Đồng để thăm viếng sau khi anh mãn án tù 5 năm hồi tháng rồi.

Vừa bước vào nhà thì có ngay một nhân viên khoảng gần 60 tuổi bước vào và giới thiệu là an ninh tỉnh Lâm Đồng.

Đứa con gái chạy xe đi gọi anh Dương Âu đang dự đám tang gần nhà về. Thấy tôi, anh chạy nhanh vào nhà, chúng tôi ôm chầm lấy nhau một cách thân thiết. Dương Âu ở chung với tôi tại phân trại K2 Xuân Lộc khoảng gần 1 năm, sau đó anh bị kỷ luật tách đưa đi nơi khác. Chúng tôi hỏi thăm về cuộc sống của nhau, trao đổi tình hình hiện nay.

Cuộc trò chuyện thỉnh thoảng cũng có góp vài lời của ông an ninh tỉnh. Thi thoảng ông cũng nhận và gọi điện thoại. Dương Âu nói với tôi là bên ngoài lực lượng an ninh đã tăng cường. Không tiện ở lại, tôi từ giã người bạn tù kiên cường, đón xe về thành phố Đà Lạt, cách đó hơn 10 cây số.

Bước xuống xe khách, chúng tôi đi bộ hướng về chợ Đà Lạt cách đó hai đoạn đường. Hai xe gắn máy trinh sát vẫn theo kề bên. Vừa rẽ sang Lê Đại Hành, có 4 thanh niên xuất hiện. Một người lấy thân mình hất bả vai tôi, một người hỏi “đi thăm ai?”. Ngay sau đó là cú đấm vào mũi tôi của người thứ 3.

Tôi ngã sóng xoài trên vỉa hè, hai tay che lấy đầu để đỡ những cú đá vào bụng và lưng. Thấy không vừa ý, một người đã nắm cổ áo khoác tôi cố dựng tôi dậy trong khi chân liên tục đá vào hông, ngực. Anh Lê Văn Sóc ngày từ đầu bị họ đẩy sang bên kia đường, thấy tôi bị đánh, anh nhào sang nên bị đạp vào bụng, túi quần áo với mấy bộ đồ giản dị đứt dây rơi xuống đất.

Màn cuối của kịch bản được kéo lên: một người đi nhanh đến, nói to “tôi là công an đây”. Bốn kẻ tấn công hưởng ứng: “công an, chạy, chạy!”. Người công an kịch bản, nắm tay đỡ tôi dậy, nói rằng anh có cần trình báo gì không. Tôi nhìn anh ta và nói “Thôi được rồi, cám ơn anh”. Một cặp vợ chồng chứng kiến từ đầu cũng hỏi han khi tôi đi qua.

Trong suốt thời gian bị đánh, hai tay che lấy đầu, tôi không ngừng gào to một câu: “Sao các anh đánh tôi?”.
Từ việc chúng tôi bị họ tấn công, họ đã chủ động biến nó thành chúng tôi hành hung và cướp giật tài sản một người dân tại tp Đà Lạt. Đó là cái cớ để họ bắt tôi và anh Sóc và bị nhục hình tại Vinh vào ngày hôm sau.

Vinh 30/10/2014

Do trong hoàn cảnh một mình tôi vây bởi 6-7 người trong suốt 5 tiếng, do bởi ông chỉ huy đã to tiếng, xỉ vả nên tôi thấy cần tịnh khẩu. Giờ tôi viết công khai gửi ông vài dòng.

Ngay từ đầu cách ông cư xử đã chửng tỏ ông xem tôi như một tội phạm thực thụ. Ông đi ra đi vào, chỉ đạo, điện thoại, nói nhỏ, nhắc nhở người ngày người nọ. Thỉnh thoảng ông tham gia tra vấn, nhìn tôi như muốn ăn tươi nuốt sống. Khi các chuyên viên của ông không mở được mật khẩu laptop, iphone và ipad và khi tôi trả lời nhất y nhất quán rằng tôi không biết mật khẩu của quà tặng, ông không còn giữ được tính người.

Ông thọc hai ngón tay vào mũi tôi khi tôi ngồi tịnh khẩu, nhắm mắt thiền định, ông hy vọng tôi sẽ mở miệng nói. Tôi mở miệng, nhưng để hít thở không khí trong lành mà tôi có thể có. Ông liền lập tức móc ngược lên trên cao, làm đầu tôi bị giật ngược ra sau. Tôi vẫn giữ im lặng, nhắm mắt.

Ông trở nên đay nghiến hơn sau những câu hỏi lặp đi lặp lại. Lần này tôi thấy nóng ở cổ tay trái khi đang khoanh tay. Tôi mở dần mắt nhìn điếu thuốc bốc khói ông đang dí vào và nói “ông không có quyền làm như vậy” “luật pháp không cho phép ông tra tấn nhục hình người khác”. Ông nâng điếu thuốc lên cao, nghiến răng trong màn khói “Cái loại chúng mày…” rồi vội vàng bước ra ngoài.

Ông không nói hết câu, nhưng ai cũng có thể hiểu rằng những loại người như chúng tôi thì ông sẽ dùng nhục hình tra tấn?
Trong chúng tôi, có người dùng cả doanh nghiệp để tư duy về tiền đồ đất nước như Trần Huỳnh Duy Thức. Có người không ngại hy sinh sự nghiệp để bênh vực cho các nạn nhân vi phạm nhân quyền như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định. Có những em sinh viên bất chấp gian nguy bài tỏ tinh thần tự cường dân tộc như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha. Có các anh chị đòi quyền lợi chính đáng cho người lao động như Hùng-Hạnh-Chương. Người đòi tự do tôn giáo, người đòi quyền sở hữu trên đất đai mà tổ tông dòng họ của họ đã khai phá lập nghiệp…Có ai đã dành giật riêng cho họ nhà cao cửa rộng? Có ai nhắm mắt làm ngờ khi Trung cộng gây hấn? Có ai nhũng nhiễu dân chúng để sống và làm giàu? Có ai luồng cúi ngoại bang để được yên vị?

Ông cấm không cho chúng tôi đi thăm gia đình Đặng Xuân Diệu, Đậu Văn Dương, Chu Mạnh Sơn…vì họ là “những kẻ chống lại đảng, chống lại nhân dân, chống lại dân tộc”.

Tôi ngồi một chỗ, cũng nhìn thấy rất rõ tâm can ông: ông là một bộ phận trong bộ máy chà đạp nghiêm trọng lên quyền con người.

Tin bài liên quan:

Dân chủ hoá: Một tiến trình đầy nhọc nhằn

Phan Thanh Hung

Mạng lưới Xã hội Dân sự VN gởi thông điệp nhân ngày Nhân quyền Quốc tế

Phan Thanh Hung

Đấu tranh chính trị chứa đựng bí ẩn của sức mạnh Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.