Những cuộc “ngã giá” trắng trợn trong Tết Táo quân

Từ lâu, tết Táo quân là nét đẹp trong văn hóa cổ truyền, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của cha ông ta về đời sống con người và thế giới thần linh. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, Tết Táo quân đang bị biến tướng bởi ngộ nhận của người đời…
Những cuộc mặc cả với thn linh
Gần đến ngày Tết ông Công – ông Táo, người dân Duyên Trường (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) và Đỗ Xá (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) tất bật hoàn thành các đơn đặt hàng vàng mã lớn của thương lái từ Bắc chí Nam.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa, người làng Duy Xuyên, không hiếm khách hàng bỏ tiền triệu mua sắm vàng mã, ít thì vài chục đến vài trăm, nhiều từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng, ông Khoa kể: “Một con ngựa thuộc loại “sang” giờ có giá trên một triệu đồng. Một con Kỳ linh Ất Mùi có giá tương tự. Trước đây, số người dám chi tiền triệu để mua sắm vàng mã chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng giờ, con số đó đã lên đến hàng trăm người. Thậm chí, có người từ miền Nam cũng đặt hàng ở nhà tôi cả bộ ba con ngựa với giá hàng chục triệu đồng để về cúng Táo quân”.

Tao quan
Không chỉ ở các làng nghề, hiện ở phố Hàng Mã, phố cổ Hà Nội và các khu chợ dân sinh, các mặt hàng cúng ông Công – ông Táo đang được bày bán nhộn nhịp.
Trao đổi với PV, chị Lê Quý Mỹ, một tiểu thương ở Hàng Mã cho biết: “Điểm mới trong các lễ vật vàng mã để cúng ông Công – ông Táo là chiếc iPhone 6 và Kỳ linh Ất Mùi. Đoán trước nhu cầu của thượng đế nên gia đình chị Mỹ đã tiến hành đặt làm hàng nghìn vật phẩm để bán cho khách.
Tuy chưa đến Tết Táo quân nhưng khu phố Hàng Mã giờ chật kín người mua kẻ bán. Một số người dân khi được phỏng vấn, họ quan niệm rằng, cả năm có một vài dịp thể hiện lòng thành với các cụ, “có thoáng” với thần linh thì mới mong các cụ ban lộc. Với ông Công – ông Táo là những vị thần sống gần gũi nhất với mình hàng ngày nên “chi đậm” sắm vàng mã là việc cần làm.
Theo nhiều chuyên gia xã hội học, những năm gần đây, vào bất cứ ngày lễ, tết nào, từ nhỏ đến lớn, người ta đều lạm dụng vào tâm linh để “hối lộ”, sẵn sàng chi không tiếc tay sắm lễ cúng ông Công – ông Táo. Đây có thể xem là một cuộc chạy đua mua sắm hàng mã để “đút lót” thần linh mong phát tài, phát lộc sang năm mới. Đây là xu hướng đi ngược lại với ý nghĩa tích cực của nghi lễ truyền thống của dân tộc.
Việc đua nhau cúng tiễn Táo quân với đủ các loại hàng mã, nào quần, áo, nhà lầu, xe hơi, thậm chí cả máy bay… cho thấy sự nhố nhăng, thực dụng trong suy nghĩ và phần nào đó là lòng tham của con người.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn Văn hoá tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, theo truyền thống dân gian, lễ ông Công – ông Táo là lễ mở đầu cho hàng loạt các nghi lễ trong Tết Nguyên đán của người Việt, kéo dài từ ngày 23 tháng Chạp cho đến mùng Bảy tháng Giêng hoặc rằm tháng Giêng (tùy từng nơi). Dân gian quan niệm, ông Công – ông Táo là người cai quản chuyện “bếp núc” của mỗi gia đình.
Hằng năm, đến ngày 23 tháng Chạp, các ông sẽ lên “báo cáo” với Ngọc Hoàng về tình hình của mỗi nhà. Từ bao đời nay, ngày lễ 23 tháng Chạp bao giờ cũng được mọi nhà coi trọng. Không chỉ có vậy, tục lệ này còn vượt ra khỏi ý nghĩa tín ngưỡng ở chỗ, nó phản ánh tư tưởng đề cao vai trò của người phụ nữ. Bởi người phụ nữ luôn là người “giữ lửa”, là “nội tướng” trong mỗi nhà. Ý nghĩa sâu sắc của ngày lễ Tết Táo quân là vậy nhưng hiện nay, nhiều người đã hiểu sai nên có những hành vi mua sắm hàng mã một cách tùy tiện và thiếu văn hóa.
Lòng tham là nguồn gốc của sự biến tướng

Tao quan
Đồng tình với ý kiến của GS. Ngô Đức Thịnh, trao đổi với PV, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, việc cúng Táo quân hiện nay đang bị hiểu sai, thậm chí đi trái ngược hoàn toàn với ý nghĩa sâu sắc của tục lệ truyền thống này.
Trước hết, việc cúng Táo quân khởi nguồn từ bếp lửa, tượng trưng cho sự ấm no, sung túc. Việc dân gian sáng tạo ra câu chuyện “hai ông, một bà” nó thể hiện khát vọng hòa thuận, sum vầy. Vì quanh năm ở trong bếp nên nhà Táo quân biết hết mọi chuyện hay dở, tốt xấu của mọi người. Khi lên Thiên đình, Táo quân sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng về việc “bếp núc”, làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới trong năm qua. Câu chuyện này thực chất là cách giáo dục sâu sắc của tổ tiên chúng ta với mọi người về tính chịu trách nhiệm cử chỉ, hành động, công việc của mình.
Ngoài ra, ý nghĩa của ngày 23 tháng Chạp còn thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của tổ tiên chúng ta. Ngoài thế giới mặt đất hiện hữu con người đang sống còn có sự giám sát của thế giới thần linh. Nhờ thế giới thần linh đó mà con người biết sợ làm những việc xấu.
Việc đốt vàng mã trong ngày lễ ông Công, ông Táo là thể hiện sự biết ơn với các vị thần linh và cũng thể hiện mong muốn được họ phù trì bảo hộ. Tuy nhiên, con người ngày nay thực dụng hơn, họ đốt vàng mã và nhiều thứ hiện đại “trần sao âm vậy” để mong các cụ phù hộ cho rất nhiều thứ.
Chính bởi sự tham danh, hám lợi khiến nhiều người chạy đua trong việc đốt thật nhiều vàng mã. Xu hướng, đốt thật nhiều vàng mã trong ngày Tết ông Công, ông Táo gây lãng phí lớn. Nó báo hiệu sự xuống cấp đạo đức trong việc ứng xử với người đã khuất, với thần thánh. Đó chính là sự tham nhũng tinh thần, nghĩ cái gì có lợi cho mình thì vơ vét thật nhiều.
Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS. TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa phát triển (học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: “Tết ông Công, ông Táo gắn bó với truyền thống văn hóa lúa nước của người Việt từ bao đời nay. Đây là nghi lễ chuẩn bị chuyển giao năm cũ sang năm mới.Ngày này là ngày những vị thần quản lý hạ giới sẽ lên thiên đình báo cáo Ngọc Hoàng cả một năm.
Trong truyền thống của người Việt, ngày Tết Táo quân cũng là dịp để người Việt ước muốn, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, hy vọng vào năm mới có sức khỏe, bình an và những điều tốt đẹp nhất”.
(Theo Phúc Phương – Đời sống & Pháp luật)
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)