Vũ Hữu Sự (Nông Nghiệp)
Mấy ngày nay, cộng đồng mạng và báo chí hân hoan lan truyền hai thông tin.
Bà Sửu, người nhặt được chiếc ví sau đó nhờ lực lượng CSGT trả lại người đánh rơi.
Thứ nhất là vào khoảng 9 giờ ngày 2/7, một tổ CSGT của công an tỉnh Hà Tĩnh đang trên đường tuần tra thì thấy một bà nông dân chừng 50 tuổi đứng bên đường vẫy. Dừng xe hỏi chuyện, tổ CSGT mới hay người phụ nữ đó tên là Lê Thị Sửu.
Bà vừa nhặt được một cái ví, bên trong có rất nhiều giấy tờ quan trọng cùng 8,15 triệu đồng. Không biết làm cách nào tìm ra người mất để trả lại, bà liền vẫy xe của CSGT, đưa chiếc ví nhờ tìm người mất để trả lại.
Từ một hóa đơn thanh toán trong ví, tổ CSGT đã lần tìm được chủ nhân của chiếc ví và trả lại. Thứ hai là trước đó, ngày 1/7, một người tài xế taxi đã tìm đến kênh VOV giao thông để nhờ đăng tin tìm người khách đã bỏ quên một chiếc Laptop và một gói tiền lớn trên xe của anh.
Giữa cái nóng đỉnh điểm, hầm hập của thời tiết mùa hè. Và giữa sự “nóng rẫy” của dư luận về những vụ cướp giật, lừa đảo, tham nhũng, đặc biệt là việc mấy quan chức đường sắt nhận “lót tay” của một doanh nghiệp Nhật Bản với số tiền lên đến 11 tỷ đồng vừa có cáo trạng truy tố của VKSND, thì những thông tin trên chẳng khác gì những luồng gió mát, khiến bất kỳ ai, khi đọc được, cũng rung cảm.
Bà Sửu rất nghèo, vợ chồng không có nhà, đang phải đi ở nhờ nhà người khác. Chồng bà đau ốm liên miên. Các con tuy đã trưởng thành, nhưng do nghèo nên cũng chưa phụ giúp gì được cho bố mẹ. Bản thân bà rửa bát thuê cho một hàng ăn cách chân đèo Ngang vài cây số, đồng lương hàng tháng chẳng đáng bao nhiêu. Còn anh lái xe taxi, cũng là một người lao động nghèo giữa Thủ đô.
Đời sống của họ, so với những quan chức đường sắt kia hẳn là thấp hơn cả nghìn lần. Nhưng đồng tiền đã không khiến họ bị lóa mắt. Được nhà báo hỏi, bà Sửu đã trả lời “Tôi nghĩ ở đời, cái tình là quý nhất. Số tiền ấy đúng là lớn với tôi thật.
Nhưng tiền nhiều mấy thì tiêu ít bữa rồi cũng hết. Mà trong ví còn bao nhiêu giấy tờ của họ nữa. Với tôi, những giấy tờ đó là vô nghĩa. Nhưng với người mất, có khi là cả cuộc đời họ, là miếng cơm manh áo của họ. Nghĩ vậy, nên tôi nhờ mấy bác công an tìm người mất trả lại cho họ”. Còn anh tài xế taxi, khi được nhà báo hỏi, đã trả lời “Tôi làm thế để các con tôi nhìn vào mà làm theo”.
Thật là bình dị, nhưng đầy cao cả. Những đứa con của anh tài xế taxi kia, dù cuộc sống còn nghèo, còn không ít khó khăn, nhưng hẳn là rất hạnh phúc, khi có một người bố như vậy.
“Đói cho sạch, rách cho thơm”. Đừng nói những gì cao xa, chỉ mong càng nhiều quan chức của chúng ta đọc được những thông tin này, càng tốt.
Vũ Hữu Sự
(Nông Nghiệp)