Việt Nam Thời Báo

Những ‘ổ khoá tình yêu’ ở Paris: Rác hay Nghệ thuật?

Truyền thống các cặp tình nhân tới Paris – gài ổ khoá vào những cây cầu rồi ném chìa khoá xuống dòng sông thay cho lời ước thề sẽ yêu nhau mãi mãi – bị đả kích, khi số lượng các ổ khoá ngày càng trĩu nặng, đe doạ làm sập các cây cầu bắc qua sông Seine.

Paris thủ đô nước Pháp, thường được biết đến dưới tên gọi mỹ miều chẳng hạn như Kinh Đô Ánh sáng, là điểm đến sáng giá đối với khách du lịch khắp nơi, Giòng sông Seine chảy qua thành phố là nơi hò hẹn lý tưởng của những cặp tình nhân.
Bắc qua Sông Seine là những cây cầu, mỗi chiếc cầu là một công trình kiến trúc có nét độc đáo riêng, tất cả đều đóng góp và tô đậm thêm nét đẹp và sức cuốn hút của thành phố Paris.
Một trong những cây cầu bắc qua sông Seine là Pont des Arts – Cầu của những Bộ môn Nghệ thuật. Chính tại nơi này đã xuất hiện một truyền thống được duy trì nhiều năm khi những cặp tình nhân đến gài vào hai bên thành cầu những ‘ổ khoá tình yêu’ trên có ghi thông điệp về cuộc tình, rồi ném chìa khoá xuống dòng sông.
Thoạt tiên được coi là một truyền thống đáng yêu, biểu tượng cho tình yêu bất diệt, nhưng qua năm tháng, cây cầu đã bắt đầu trĩu dưới sức nặng ước lượng 45 tấn của gần một triệu ổ khoá bằng kim loại, mà giới ủng hộ cho là trông giống như một tác phẩm điêu khắc đương đại, trong khi giới chỉ trích mô tả là một thứ ung nhọt bằng kim loại không ngừng lây lan, phá hoại nét đẹp kiến trúc của cây cầu và mỹ quan thành phố.

‘Rác rưởi’
Đối với những người chỉ trích, các ổ khoá tình yêu là “rác rưởi làm ô nhiễm thành phố”. Một trong những người chỉ trích là Lisa Taylor Huff, một nhà văn người Mỹ sinh sống ở Paris. Lisa là người đã cùng với một người bạn, phát động một phong trào trên Facebook để vận động tháo gỡ những cái gọi là ‘ổ khoá tình yêu’.

Bà Huff nói Paris đã hy sinh mỹ quan thành phố để phát triển du lịch. Mặc dù cũng có những cặp tình nhân người Pháp để lại kỷ vật trên Cầu Pont des Arts, nhưng theo tờ New York Times, đa số cư dân Paris đều chống đối việc này, và cho rằng những ổ khoá đó đã phá hoại vẻ đẹp của một trong những chiếc cầu đẹp nhất Paris.

Những người khác có quan điểm trung hoà hơn. Một nghệ sĩ người Bỉ, Marianne Truffine, 49 tuổi, đang ở thăm Paris với mẹ và con gái nói: “những ổ khoá không làm cho cây cầu đẹp hơn, nhưng mặt khác, chúng là bằng chứng của tình yêu, và tất cả những bằng chứng tình yêu đều đẹp.”
Đối với những người khác, trung tâm thành phố Paris, kể cả cầu Pont des Arts đã trở thành một sân khấu. Những cặp tình nhân sắp cưới ở các nước lân cận dùng Paris và Cầu Pont des Arts làm phông cho những ảnh kỷ niệm chụp trước lễ cưới. Một cặp đến từ London gài ổ khoá vào vách cầu trước ống kính máy hình. Cặp đôi này đã mướn một nhà nhiếp ảnh chuyên chụp hình cưới đi theo họ suốt một ngày để thu lại những hình ảnh đẹp tại Paris, sẽ được dùng cho album kỷ niệm ngày cưới sắp tới.

Cảnh sát theo dõi cảnh này, không phải để bắt giữ cặp tình nhân, mà để bắt những người bán ổ khoá, bởi vì luật hiện hành nghiêm cấm hoạt động bán ổ khoá trên Cầu Pont des Arts hoặc các địa điểm kế cận. Nhưng khi chiều tàn, cảnh sát hoàn tất ca trực, thì từ bóng tối người ta lại thấy xuất hiện những người rao bán những ổ khoá mới, lớn nhỏ đủ loại với giá biểu từ 5 tới 10 euro.

Cô Lisa Anselmo tự coi mình là một cư dân bán thời của Paris, nói rằng những ổ khoá ấy là một sự nhượng bộ để thu hút và làm vừa lòng du khách, nhưng lại gây hại cho thành phố. Theo cô, Hội đồng thành phố nên tháo dỡ các ổ khoá và tìm một địa điểm thay thế.

‘Bằng chứng tình yêu’
Paris không phải là thành phố duy nhất phải đối phó với thách thức này. Moscova giải quyết vấn đề bằng cách dựng lên những cây bằng kim loại để những cặp tình nhân treo ‘ổ khoá tình yêu’. London và Rome cũng phải đối phó với thách thức tương tự, nhưng không ở nơi nào vấn đề lại nghiêm trọng như ở Paris, với số lượng ổ khoá không sao có thể đếm xuể.
Thành phố Rome thường xuyên vớt những đồng bạc cắc do người qua lại ném vào Giếng Travi để lấy hên. Những xu lẻ ấy mang về cho thành phố 1 triệu 400 ngàn đô la một năm, số tiền này được trao cho Caritas, tổ chức từ thiện Công giáo. Nhưng giải quyết nạn ổ khoá tình yêu đang đe doạ làm sập những cây cầu lịch sử ở Paris không đơn giản như thế.

Các ổ khoá được dùng làm bằng chứng tình yêu bắt đầu xuất hiện ở Paris vào năm 2008, mặc dù truyền thống ấy khởi sự cách đây gần100 năm, xuất xứ từ một chuyện tình buồn của Serbia trong Thế Chiến thứ Nhất, một mối tình dang dở giữa một cô giáo trẻ với một quân nhân đang chuẩn bị ra chiến trường. Serbia thất trận, người lính ở lại Hy Lạp nơi anh trú đóng, rồi lập gia đình với một cô gái địa phương và không bao giờ trở về quê cũ.
Cô giáo buồn qua đời với trái tim tan vỡ, các thiếu nữ trong thị trấn muốn tránh hoàn cảnh bi đát của cô giáo, khởi sự gài những ổ khoá tình yêu lên một cây cầu trong thành phố. Chuyện tình buồn lan truyền từ Serbia nhưng dần dà chìm vào quên lãng. Nửa sau của thế kỷ 20 chuyện tình buồn của cô giáo trẻ hồi sinh trong một thi phẩm mang tên “Câu Kinh Tình yêu”. Tác giả là Desanka Maksimovic, nữ thi sĩ nổi danh nhất của Serbia…

Truyền thống các cặp tình nhân tới Paris -gài ổ khoá vào những cây cầu rồi ném chìa khoá xuống dòng sông thay cho lời ước thề sẽ yêu nhau mãi mãi- bị đả kích, khi số lượng các ổ khoá ngày càng trĩu nặng, đe doạ làm sập các cây cầu bắc qua sông Seine. Theo ước lượng, con số các ổ khoá treo trên Cầu Pont des Arts đã vượt quá 700,000 chiếc. Thứ Sáu vừa qua, các giới chức thành phố loan báo bắt đầu tháo gỡ các ổ khoá, và thay thế các thanh sắt bằng những tấm kính dầy, để ngăn không cho các cặp tình nhân gài các ổ khoá mới.

‘Thành phố tình yêu’

Được thiết kế và khởi công từ những năm đầu của thế kỷ 19 và xây lại vào năm 1980 như phiên bản của chiếc cầu nguyên thuỷ, cầu Pont des Arts là tâm điểm của trận chiến giữa một bên là những người có óc thẩm mỹ truyền thống và Hội bảo vệ các di tích lịch sử, và một đàng là một thế hệ dân mạng thời đại muốn thể hiện tình cảm riêng tư một cách công khai qua các phương tiện như Facebook và Instagram.
Trận chiến đó diễn ra trên phông là một thành phố Paris hoa lệ, từ lâu đã là biểu tượng của tình yêu lãng mạn đối với cư dân địa phương cũng như với du khách quốc tế.
Pont des Arts không phải là chiếc cầu duy nhất ở Paris thu hút những cặp tình nhân muốn để lại kỷ vật tại ‘thành phố của tình yêu’. Các cặp tình nhân còn gài ổ khoá tại 2 cây cầu khác là Pont de l’Archevêché và Passerelle Simone de Beauvoir, gây ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa Hội bảo trì Di tích Lịch sử và các tổ chức du lịch ở Pháp, khiến cho tân Thị trưởng Anne Hidalgo phải can thiệp.

Trong một thông cáo công bố sau khi Hội đồng thành phố quyết định tháo gỡ các ổ khoá, Hội đồng thành phố Paris nói: “Paris là thủ đô của tình yêu, chúng tôi rất tự hào về điều đó nhưng có rất nhiều cách để biểu lộ tình yêu, ngoài những ổ khoá”.

Với quyết định đó, hình ảnh các ổ khoá trên Cầu Pont des Arts, nhiều chiếc có khắc tên của cặp tình nhân, dần dà sẽ chỉ còn là kỷ niệm, xuất hiện đâu đó trong những bộ phim quay ở Paris, để lại niềm nuối tiếc khôn nguôi cho những cặp tình nhân đã từng ghé ngang qua Paris và bỏ lại thành phố hoa lệ này một kỷ vật về mối tình đẹp của họ.

Theo Hoài Hương (VOA)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.