Cát Linh, phóng viên RFA
2017-03-07
Đinh Nhật Uy (bên trái) chụp cùng mẹ, bà Nguyễn Thị Kim Liên trong ngày xử phúc thẩm Đinh Nguyên Kha, 16.8.2013.
Courtesy photo of VRNs
Ngày 8 tháng 3 năm nay, bên cạnh việc tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam thành công trong xã hội, xin dành thời gian nhắc đến những người vợ, người mẹ đang có chồng hoặc con là tù nhân lương tâm bị chịu án tù. Họ mong đợi gì trong ngày hôm nay?
Trong thời hiện đại
Trong lịch sử nghìn năm văn hiến của Việt Nam, mặc cho một thời gian dài chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ đè nặng lên cuộc sống của người phụ nữ, họ vẫn luôn được nhắc đến với những đức tính kiên cường, bất khuất, son sắt thuỷ chung.
Rồi qua bao năm tháng, cứ tưởng đâu hình ảnh người vợ, người mẹ tảo tần một nắng hai sương, chẳng quản đêm ngày làm “cái cò lặn lội bờ sông, gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”, hay nàng Tô Thị phải hoá đá chờ chồng chỉ gắn liền với điển tích hay thân phận của người phụ nữ dưới chế độ xã hội phong kiến cũ. Ngày nay, hình ảnh ấy vẫn còn đâu đó trong xã hội hiện đại này.
Bốn năm mấy nay kể từ ngày Đinh Nguyên Kha con trai tôi bị bắt, cuộc sống của tôi chỉ gói gọn trong mảnh vườn, tự chăm lo buôn bán nông sản để nuôi con tôi.
– Bà Nguyễn Thị Kim Liên
Họ là những người vợ, người mẹ như bao người phụ nữ khác. Thế nhưng, có khác chăng, họ là vợ, là mẹ của những người tù nhân lương tâm bị bắt giữ vì lên tiếng cho nhân quyền dân chủ.
Đó là bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha, người đang chịu bản án 4 năm tù giam.
“Bốn năm mấy nay kể từ ngày Đinh Nguyên Kha con trai tôi bị bắt, cuộc sống của tôi chỉ gói gọn trong mảnh vườn, tự chăm lo buôn bán nông sản để nuôi con tôi. Nhờ có bà con ủng hộ tôi cũng có đủ kinh phí trang trải đi thăm tù nó.”
Đó là Linh Châu, vợ của Nguyễn Văn Oai, cũng là mẹ của một đứa trẻ sắp chào đời. Từ ngày mặc áo cô dâu đến nay được một năm, cũng có nghĩa chỉ mới một lần cô được đón nhận niềm vui trong ngày mà cả thế giới giành cho người phụ nữ. Linh Châu kể lại kỷ niệm ấy trong nụ cười hạnh phúc.
“Tôi nhớ là ngày mùng 8/3, chồng tôi dậy sớm, đi chợ và tự nấu ăn và nói những lời tốt đẹp với tôi, cũng như với mẹ anh.”
Ngày 8 tháng 3 năm nay, cô một mình với đứa con trong bụng, không biết ngày nào gặp lại chồng mình. Từ ngày Nguyễn Văn Oai bị bắt, một mình cô quán xuyến việc trong việc ngoài. Sức khoẻ của người phụ nữ đang mang thai đã đôi lần làm cho cô không đứng vững.
“Trước khi ảnh bị bắt, mọi chuyện trong gia đình ảnh lo hết. Bây giờ ảnh đi rồi thì cuộc sống cũng khó khăn. Thứ nhất là có mẹ già. Thứ hai nữa tôi cũng đang mang bầu hơn 2 tháng rồi. Tôi cũng ốm lên ốm xuống. Tính đến khi ảnh bị bắt thì tôi nhập viện cũng ba đến bốn lần rồi.”
Chị Linh Châu và anh Nguyễn Văn Oai trong ngày cưới. Photo: facebook
Thực tế cho thấy, trong xã hội Việt Nam hiện nay, không phải bất kỳ người phụ nữ nào cũng được biết đến ngày 8 tháng 3. Đời sống mưu sinh với những khó khăn vất vả trong cuộc sống làm cho ngày 8 tháng 3 đối với họ như “một món hàng đắt giá, xa xỉ”. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha ngập ngừng cho biết:
“Nói thiệt là từ ngày thằng Kha nó bị bắt trở về trước, tôi không biết ngày 8 tháng 3, ngày phụ nữ là ngày gì hết, chỉ lo đi làm, mần ăn sinh sống. Nhưng từ ngày thằng Kha, thằng Uy bị bắt, ngày 8 tháng 3 các anh em trên Sài Gòn về thăm tôi, tặng hoa, tặng quà tôi mới biết.”
Con đường đi đòi công lý cho chồng, cho con của những người phụ nữ này chưa bao giờ dễ dàng. Hình ảnh của bà Kim Liên, một bà mẹ từng vượt ngàn dặm đến tận trời Tây để kêu oan cho con trai mình. Câu nói “thân gái dặm trường” của người xưa bao giờ đúng hơn khi đặt lên hình ảnh của vợ luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Vũ Minh Khánh đi gõ cửa nhiều nơi trên thế giới để vận động trả tự cho chồng mình.
Không chùn bước
Nhưng chính con đường xa vạn dặm ấy đã chứng minh những khó khăn vất vả, những bất công của nền pháp trị không thể quật ngã những người phụ nữ nhỏ bé ấy. Từ ngày Đinh Nguyên Kha chịu án, bà mẹ quê của anh là người lên tiếng mạnh mẽ chống đối những bản án oan sai, mong đòi lại công bằng cho con mình và những người yêu nước khác.
“Bốn năm mấy năm mấy nay, chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc khuất phục. Chưa bao giờ! Chừng nào có độc lập tự do trong nước Việt Nam này tôi mới ngừng bước chân đi tìm công bằng công lý cho con tôi nói và cho người Việt Nam nói chung.”
Nói về chữ nản lòng thì tôi chưa bao giờ nản lòng, nhưng có đôi lúc vào thăm nuôi chồng…chính quyền không cho gặp anh, nên đôi lúc tôi cảm thấy buồn.
– Vợ của Nguyễn Văn Oai
Vợ của Nguyễn Văn Oai cũng chưa bao giờ nhục chí:
“Nói về chữ nản lòng thì tôi chưa bao giờ nản lòng, nhưng có đôi lúc vào thăm nuôi chồng, đường xá xa xôi mà tôi thì đang mang bầu, người mệt, đi vào chính quyền không cho gặp anh, nên đôi lúc tôi cảm thấy buồn. Nhưng được mọi người xung quanh yêu thương, giúp đỡ và tin tưởng chồng tôi làm việc tốt, đã động viên tôi rất nhiều nên tôi có thêm ý chí để mà động viên anh, ủng hộ anh trong công việc đi đòi tự do công lý cho đất nước của mình.”
Còn rất nhiều những người vợ, người mẹ khác, mà lẽ ra, họ phải được đón nhận những đoá hoa tươi thắm, những cái ôm xiết chặt để bày tỏ lòng thương yêu từ người chồng của mình, từ những cậu con trai của mình trong ngày 8 tháng 3. Thế nhưng, với xã hội hiện tại, họ phải chấp nhận quay trở lại với “thân cò lặn lội” hoặc phải làm “nàng Tô Thị chờ chồng”, không biết ngày nào được gặp lại.
Người chúng tôi nói đến là chị Kim Thoa, vợ của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức. Tuy không góp mặt được trong bài phóng sự này, nhưng chị đã chia sẻ với chúng tôi, chị biết thời gian chồng mình phải chịu án còn rất dài. Và ai trong hoàn cảnh này cũng đều phải cố gắng, cố gắng thật nhiều. Nói về những người phụ nữ đồng cảnh ngộ khác, chị cho biết hoàn cảnh của ba mẹ con chị còn may mắn hơn nhiều gia đình có người thân bị giam cầm.
Mơ ước
Tuy không biết đến bao giờ có ngay đoàn viên, nhưng như bao cô gái trẻ khác, Linh Châu cũng mơ ước những ước mơ rất đỗi đời thường trong ngày 8 tháng 3:
“Tôi cũng như bao người phụ nữ khác trên thế giới này, tôi cũng ước rằng được đón một ngày 8 tháng 3 bên cạnh chồng, được chồng nói những lời chúc tốt đẹp, được chồng chăm sóc, lo lắng trong ngày này….”
Mẹ của Đinh Nguyên Kha không mong gì hơn được nhìn thấy con mình và những tù nhân lương tâm khác được tự do. Cũng có cùng chia sẻ như vợ của ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Kim Liên tự nhủ còn rất nhiều những người vợ, người mẹ khác đang chịu vất vả, khó khăn hơn bà nghìn lần trong xã hội hiện nay.
Xin được tri ân những người vợ, người mẹ ấy, họ là người đã và đang nối tiếp lịch sử kiên cường bất khuất của những nữ anh hùng đất Việt.