Tại Zimbabwe, nhiều “tỷ phú” thậm chí không thể mua nổi thức ăn nuôi sống bản thân. Một số người phải đào bới các ngôi mộ để bán đất, cát mưu sinh.
Ai cũng là “tỷ phú”
Thông thường, tỷ phú được hiểu là người sở hữu tài sản tỷ đôla. TạiZimbabwe, đồng đôla nội tệ là những tờ giấy in con số hàng triệu, hàng nghìn tỷ.Ở đây, người dân cần 1 tỷ đôla Zimbabwe mới có thể mua trứng. Đó là lý do “tỷ phú” không đồng nghĩa với giàu có tại quốc gia châu Phi này. Lạm phát hàng năm lên tới 400.000% là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người Zimbabwe bất chấp nguy hiểm rời khỏi quê hương. Những đứa trẻ phải học cách bò qua hàng rào thép gai với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn nơi đất khách.
Một số người còn sử dụng đôla Zimbabwe làm giấy vệ sinh. Ảnh: Zerohedge.
Đối với những người sinh sống tại Zimbabwe, giá cả hàng hóa được tính theo số ngày họ phải đợi ở ngân hàng để rút tiền. Họ cần 1 ngày để mua xà phòng, thêm 1 ngày nữa cho muối và 4 ngày mới có thể mua bột ngô.
“Đó là cách chúng tôi sống sót”, Moyo, một nông dân, chia sẻ. Đối với cô, không chấp nhận đồng nghĩa với không thể tồn tại. Hàng triệu “tỷ phú” Zimbabwe khác cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự.
Các “tỷ phú” làm không đủ sống
Edwin Makotore, một người Zimbabwe, hàng ngày vẫn cùng vợ và con lăn lộn kiếm sống từng bữa. Edwin là người duy nhất trong gia đình có công việc ổn định. Tuy nhiên, với tình trạng siêu lạm phát, Edwin không đủ khả năng lo cho gia đình, theo Guardian.
Tại quốc gia này, chỉ 1/5 dân số trưởng thành có việc làm. Đối với người dân tại quốc gia này, có việc làm là yếu tố sống còn. Tuy nhiên, do tiền kiếm được liên tục mất giá, Edwin vẫn không đủ trang trải cuộc sống.
“Vợ thậm chí phải cho tôi tiền để có thể di chuyển tới chỗ làm. Chúng tôi không đủ tiền cho con đi học, vì thế nó phải phụ mẹ ra đường kiếm sống. Vợ tôi không kiếm được việc, phải buôn thúng bán mẹt để lo cho gia đình”, anh tâm sự.
Hàng hóa ở đất nước nghèo đói này không rẻ, so với thu nhập bình quân của người dân. 1 lon Coca có giá 2 USD, 1 hộp bơ đậu phộng 4 USD. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người tại đây là 600 USD, thấp thứ 3 thế giới.
Những con số trên cho thấy nhu yếu phẩm cơ bản tại Zimbabwe có giá đắt hơn hẳn so với các nước có thu nhập cao hơn tại châu Phi. Thậm chí, tại Nam Phi, quốc gia có thu nhập trung bình cao gấp 19 lần Zimbabwe, chi phí cho nhu yếu phẩm cơ bản rẻ hơn nhiều.
Khi “tỷ phú” đào mộ để sống sót
Theo tính toán của Chính phủ Zimbabwe, một người dân nước này cần 1,16 USD/ngày để tồn tại. Còn theo World Bank, mức sống dưới 1,25 USD/ngày bị liệt vào danh sách cực kỳ nghèo đói.
Tình trạng đói nghèo ở Zimbabwe đã trở nên tồi tệ đến mức, nhiều người kiếm sống bằng cách đào bới các ngôi mộ để lấy cát, đá bán.
Nhiều người Zimbabwe kiếm sống bằng cách đào bới các ngôi mộ lấy cát, đá bán. Ảnh: BBC.
Tình hình kinh tế Zimbabwe rất tồi tệ trong nhiều năm trở lại đây. Nông nghiệp vốn là ngành nghề chủ đạo ở quốc gia này vừa trải qua một cuộc khủng hoảng lớn khi hạn hán kéo dài.
Theo thống kê từ Mạng lưới Cảnh báo Nông nghiệp Quốc tế, quốc gia châu Phi này mới chỉ sản xuất đủ một nửa lượng lương thực cần thiết cho đến mùa thu hoạch 2016. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố không hỗ trợ cho đến khi Zimbabwe trả đủ số tiền đang nợ.
“Chúng tôi đang chứng kiến nghèo đói diễn ra ở khắp nơi. Thậm chí, ngay tại Harare (thủ đô Zimbabwe), tôi dễ dàng chứng kiến cảnh người chết vì không có thức ăn. Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn ở vùng nông thôn, và chúng tôi không biết kêu cứu ai”, một người Zimbabwe nói trong tuyệt vọng.
Theo Tô Đức
Zing