Việt Nam Thời Báo

Những viên ngọc kiến trúc của Việt Nam đang dần biến mất

Tác giả: Zanna K. McKay
Dịch giả: Trần Văn Minh
4-3-2017
Sự thay đổi nhanh chóng hình dáng bầu trời của TP HCM, từng được gọi là Sài Gòn. Nhiếp ảnh gia Alexandre Garel sẽ phát hành cuốn sách ảnh ghi lại các trang web di sản và sự hủy hoại của chúng trong 5 năm qua (Ảnh: Alexandre Garel).
Từng là viên ngọc kiến trúc mang tính biểu tượng từ thời Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, Thương xá Tax [Sài Gòn] với mặt tiền nghệ thuật Art Deco giờ đây hầu như chỉ còn là đống gạch vụn.
Mặc dù có một chiến dịch thu thập chữ ký của phong trào bảo tồn lịch sử đang lớn dần, tòa nhà đã bị phá hủy trong những tháng gần đây. Thay vào đó, các công ty xây dựng đã hoạch định một khu phức hợp cao 43 tầng nối kết với tuyến tàu điện ngầm đầu tiên trong của phố.
Thương xá Tax, được xây vào năm 1924, là một trong nhiều tòa nhà lịch sử trong 20 năm qua đã bị phá hủy hoặc bị biến đổi nghiêm trọng, theo một trung tâm nghiên cứu liên chính phủ Pháp-Việt.
Các nhà bảo tồn cho biết, các công ty xây dựng và các quan chức chính phủ đang có ý định làm cho thành phố này trở nên hiện đại và rất ít quan tâm đến những di tích của thời thuộc địa quá khứ. Tuy nhiên, phá hủy quá nhiều tòa nhà lịch sử, họ cảnh báo, sẽ làm cho thành phố kém hấp dẫn hơn đối với du khách – có thể làm giảm sự tăng trưởng kinh tế mà chính phủ đang nuôi dưỡng hy vọng.
Kiến trúc sư Trần Hữu Khoa, 27 tuổi, là người đứng đầu chiến dịch ký kiến nghị để cứu Thương xá Tax nhưng không cứu được, nói: “Khi càng có nhiều người bị cuốn vào lối sống tiêu thụ, thì càng khó chuyển tải những vấn đề được được xem là sự quan tâm “xa xỉ” như việc bảo tồn di sản. Nhưng tôi lạc quan rằng một phong trào quần chúng mạnh mẽ đang phát triển ở Việt Nam”.
Trang mạng của Tổ chức Bảo vệ Di sản ra mắt vào cuối tháng Giêng, mở rộng cho bất cứ ai muốn kêu gọi sự chú ý đến bất kỳ tòa nhà lịch sử nào bị đe dọa ở bất kỳ thành phố nào của Việt Nam. Thông tin sẽ được chuyển tới chính phủ và các nhóm dân sự có khả năng can thiệp.
Chính phủ chưa có hệ thống sẵn sàng như vậy. Các nhà nghiên cứu, sử gia và những người khác liên quan đến việc bảo tồn kiến trúc nói rằng, một cuộc kiểm kê toàn diện là bước đầu tiên quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về giá trị của kiến trúc lịch sử.
“Chúng ta không thể bảo tồn hoặc bảo vệ bất cứ điều gì nếu chúng ta không biết nó ở đâu”, Daniel Caune, nhà phát triển phần mềm người Pháp đứng đàng sau trang mạng, là người đã làm việc ở Việt Nam trong 7 năm. Tổ chức Bảo vệ Di sản đã có 130.000 bức ảnh lịch sử với phụ đề đang được lưu trữ.
Ông Caune cũng đang phát triển một ứng dụng iPhone để nhắc nhở người dùng chụp lại hình ảnh các địa điểm di sản mà họ thăm viếng, đồng thời giáo dục họ và sử dụng vị trí địa lý để đánh dấu địa điểm trên bản đồ.
Ông Caune đang nhờ các nhóm Facebook như “Saigon – Chợ Lớn: ngày ấy và bây giờ” với 5.500 thành viên, đăng những bức ảnh lịch sử và hiện tại về các di sản văn hóa ở thành phố Hồ Chí Minh. Caune và Tim Doling, một nhà sử học người Anh và là người sáng lập nên nhóm Facebook, nói rằng, người trẻ Việt Nam đang đi đầu trong phong trào bảo tồn [di sản văn hóa].
Kevin Đoan, kiến trúc sư ở thành phố Hồ Chí Minh, là người tổ chức các sự kiện của tổ chức Bảo vệ Di sản, cho biết, sự thiếu thốn thực phẩm và nhà ở là mối quan tâm chính sau chiến tranh. “Bây giờ nền kinh tế đã mở ra và những người của thế hệ trước đã có tiền, họ cho rằng việc tạo dựng một căn nhà mới là một bước cải tiến lớn”.
Ông nói, “Nhưng ngày càng có nhiều thanh niên đăng ký vào tổ chức bảo tồn di sản”.
Những người trẻ đang bắt đầu tham gia, bất chấp các nguy cơ liên quan đến việc chống chính quyền một cách công khai. Việc bắt giữ một blogger nổi tiếng, được biết đến với tên “Mẹ Nấm”, cho thấy sự đàn áp đối với giới bất đồng chính kiến vẫn là một mối đe dọa.
Ông Caune hy vọng, hội bảo tồn di sản sẽ là một danh mục liệt kê các tòa nhà lịch sử, bất kể chúng có bị trở thành mục tiêu phá hủy hay không.
Ông Mark Bowyer, người điều hành trang mạng rustycompass.com, và đã viết rất nhiều về ngành du lịch Việt Nam, nói: “Đây không chỉ là một vấn đề di sản mà còn là vấn đề kinh tế. Sự hủy hoại di sản bất chấp hậu quả ở Sài Gòn làm tổn thương tới ngành du lịch – và thậm chí tệ hơn, nó làm tổn hại đến đời sống của thành phố, thương hiệu toàn cầu và kế đến, những lợi ích kinh tế lâu dài. Di sản không còn là mối quan tâm đặc biệt đối với người nước ngoài ở Việt Nam”.
An Pham, 18 tuổi, một sinh viên ngành kỹ sư, làm việc với Caune để đưa địa điểm đầu tiên lên trang mạng của hội Bảo vệ Di sản, là Hội An, một thị trấn ở miền Trung Việt Nam, làm ví dụ về những gì có thể xảy ra khi các di tích lịch sử được bảo tồn và quảng bá cho du lịch.
Trung tâm thị trấn, phố cổ Hội An, là di sản thế giới được UNESCO công nhận. Phố cổ thuộc sở hữu của nhà nước, đã ra tuyên bố là một địa điểm văn hóa quốc gia vào năm 1985. Kế hoạch dài hạn là liên kết phố cổ với khu bảo tồn sinh thái Cù Lao Chàm gần đó và chỉ định đây là “thị trấn sinh thái” đầu tiên của Việt Nam.
Cuối năm ngoái, một công trình tu bổ 1,5 tỷ USD, Thành phố Hội An Mới, đã khai trương tại một địa điểm bờ biển giáp với thị trấn. Công trình bao gồm nhà chung cư, trung tâm thương mại và văn phòng. Các công ty xây dựng quảng bá công trình này như là “Trái tim của du lịch Việt Nam”.
Các biệt thự kiểu Pháp với tuổi đời hàng thế kỷ và các tòa nhà chính phủ thời thuộc địa của Việt Nam là điểm hấp dẫn đối với 8 triệu du khách đến thăm đất nước mỗi năm.
Tổng Lãnh sự Pháp Emmanuel Ly-Batallan, nói: “Ngay cả ở Pháp chúng tôi cũng không có nhiều ví dụ về những lan can và cầu thang sắt đẹp như bạn thấy ở đây”.
Những mái nhà nặng trĩu được thiết kế để chịu đựng các cơn bão và cửa sổ lớn được đặt ở vị thế thích hợp để hứng gió. Lãnh sự quán, hiện đang bị một tòa nhà chọc trời đang xây dựng che khuất, được coi là một trong những ví dụ điển hình về kiến trúc Cochinchina, tên tiếng Pháp của miền Nam Việt Nam.
Một đề xuất của Hội đồng Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh để hạn chế việc phá dỡ các biệt thự tư nhân trong vòng các biệt thự có ít giá trị lịch sử và văn hóa, hiện đang chờ sự phê duyệt của chính quyền thành phố. Rào cản lớn nhất là tạo lập ngân quỹ để giúp chủ nhà bảo tồn các tòa nhà lịch sử. Nhiều chủ nhà đã phải phá hủy biệt thự một cách miễn cưỡng, nói rằng chúng đang đổ nát.
Ví dụ, mùa hè năm ngoái, một biệt thự ở trung tâm thành phố với những hàng cột và cổng vòm chạm trổ, đã bị phá hủy một phần trước khi những người hàng xóm yêu cầu quan chức địa phương can thiệp. Báo Tuổi Trẻ cho biết, chủ nhà đã bỏ ra 10 tháng để xin giấy phép trước khi bắt đầu phá dỡ. Biệt thự vẫn còn đó, một phần đã bị phá hủy, trong khi chủ nhà chờ đợi quyết định của chính phủ.
Chủ nhà, Phạm Công Lưu nói với báo Sài Gòn Giải Phóng rằng, nhu cầu của cuộc sống hiện đại và sự thiếu quan tâm của các quan chức địa phương, làm cho việc bảo tồn biệt thự khó thực hiện.
Các cuộc biểu tình và kiến nghị thường ít có ảnh hưởng, đặc biệt khi công ty xây dựng có tiền. Xưởng đóng tàu Ba Son, được xây dựng vào năm 1790 cho hải quân Hoàng gia Việt Nam, đã bị phá hủy vào năm 2015, mặc dù xưởng đã được chỉ định là một di sản quốc gia.
Xưởng được bán cho các công ty tư nhân để phát triển. Một khu phức hợp ven sông với những căn nhà sang trọng được bao quanh bởi công viên, trung tâm văn hóa và trung tâm vận chuyển đang được xây dựng ngay trên khu đất của xưởng. Nhiều tòa nhà chọc trời 60 tầng cũng được lên kế hoạch.
“Trong mắt của những người lo lắng về việc bảo tồn di sản, tình trạng này [việc phá hủy xưởng đóng tàu Ba Son] như đã tóm tắt những điều sai trái của thành phố”, ông Doling nói.
Bên trong xưởng Ba Son khi bị phá hủy vào năm 2015. Xưởng vẫn còn nhiều tòa nhà nguyên thủy thời Pháp, gồm một số tòa nhà kiểu kiến trúc công nghiệp từ thập niên 1880. (Ảnh: Aleandre Garel)
Một gói thầu trị giá 5 tỷ USD do công ty phát triển Hàn Quốc EUNSAN bỏ thầu đối với xưởng đóng tàu đã bị từ chối để chọn Vinhomes, công ty phát triển địa ốc lớn nhất tại Việt Nam, với với số tiền không được tiết lộ. Theo tạp chí Forbes, ông Phạm Nhật Vượng, người sáng lập Vingroup, công ty mẹ của Vinhomes, đã trở thành tỷ phú đầu tiên của Việt Nam vào năm 2013.
Bảo tồn lịch sử có thể là một sự khó thuyết phục trong môi trường kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những nhà thờ lâu đời nhất của thành phố, Giáo xứ Thủ Thiêm – được xây dựng năm 1875 – cũng dự định phá bỏ để nhường chỗ cho dự án phát triển 1,2 tỷ USD.
Kiến nghị để cứu Thương xá Tax, tập hợp được 3.500 chữ ký, đã thu hút được sự quan tâm của công chúng đến nỗi công ty xây dựng hứa hẹn sẽ giữ lại một số sắc thái của tòa nhà và cho chúng vào mặt tiền của tòa nhà chọc trời mới.
Cầu thang đôi của Thương xá Tax, rực rỡ với thảm gạch mosaic kiểu Ma Rốc xếp bằng tay, là một trong những ví dụ hàng đầu trong thế giới về sự đam mê nghệ thuật Bắc Phi của thời thuộc địa Pháp. Chủ nhân cũng đã đồng ý giữ lại các thảm gạch mosaic nguyên thủy bên trong tòa nhà, nhưng cầu thang đã bị phá hủy và các viên gạch đã được tháo gỡ mà không nói sẽ làm gì với chúng.
Khi hàng loạt các kiến trúc lịch sử bị mất đi, động lực để bảo vệ chúng bắt đầu thành hình.
An Phạm, sinh viên ngành kỹ sư, nói: “Không có lý do gì để phá hủy tất cả”. Có rất nhiều chỗ trong thành phố cho cả những tòa nhà lịch sử và sự phát triển mới, ông nói. “Nhưng người ta cho rằng họ không thể kiếm được tiền từ các địa điểm di sản”.
Bài viết này được hoàn thành với sự cộng tác của Round Earth Media www.RoundEarthMedia.orgmột tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các phóng viên trẻ nước ngoài trên toàn cầu.

(Ba Sàm)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo