VNTB: Một lần nữa trong nhiều lần, báo chí quốc doanh như Infonet lại lên tiếng mỉa mai xen giễu cợt đối với các con số nợ xấu do Ngân hàng nhà nước công bố.
Một lần nữa trong rất nhiều lần, Ngân hàng nhà nước vẫn làm theo cách thức “minh bạch” nhất của họ là báo cáo số liệu trước Quốc hội mà không kèm theo thuyết minh cụ thể nào. Vì thế, các đại biểu quốc hội vẫn chỉ biết nghe và sau đó là “gật”.
Từ năm 2011 khi phát sinh khái niệm “nợ xấu” đến nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã “nhảy múa” ít nhất 10 lần tỷ lệ về nợ xấu. Lần thay đổi đột biến nhất là vào kỳ họp quốc hội giữa năm 2013 khi tỷ lệ nợ xấu từ 3% vọt lên 10%, không có lấy một chút giải trình chi tiết.
Vào phiên họp Ủy ban thường vụ quốc hội trước khi Quốc hội khai mạc kỳ họp lần này, lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Bình thừa nhận con số nợ xấu là 500.000 tỷ đồng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình (người chắp hai tay ở phía sau) đang “cầu nguyện” tại chùa Mahabodhi, bang Bihar, Ấn Độ vào ngày 27/10/2014
——————————-
Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 5,43% xuống 3,88% trong vòng…nửa tháng
Ngày 28/9 lãnh đạo NHNN cho biết nợ xấu cuối tháng 9 là 3,88% trong khi báo cáo công bố ngày 29/9 cho thấy nợ xấu lại ở mức 5,43% tính đến giữa tháng 9.
Theo số liệu được cung cấp tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2014, từ khi triển khai Đề án xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng từ năm 2012 đến tháng 10/2014, cả nước đã giảm tỷ lệ nợ xấu từ 17% xuống còn 5,43%; giảm từ khoảng 460 ngàn tỷ đồng xuống còn 252 ngàn tỷ đồng (giảm 54,3%).
VAMC đến hết tháng 9 đã mua vào khoảng 125 ngàn tỷ đồng nợ xấu và phấn đấu hết năm 2014 mua từ 130 đến 150 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Hiện VAMC cũng đã bán được 4.000 tỷ đồng nợ xấu và tiếp tục bán khi thị trường đảm bảo việc bán nợ xấu có lợi nhất.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, việc xử lý nợ xấu thời gian qua đạt kết quả khả quan. Tính đến giữa tháng 9, nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng là 5,43% và đến cuối năm 2015, có thể đạt được mục tiêu đưa nợ xấu về mức 3%.
(Nguồn: Chinhphu.vn)
Về triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu hiệu quả, Chính phủ chỉ đạo NHNN tiếp tục lộ trình xử lý nợ xấu, giảm nợ xấu từ mức 5,43%, tính đến giữa tháng 9/2014 xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015 như mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý và công cụ cho VAMC làm tốt hơn việc xử lý nợ xấu, không dùng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu.
Những thông tin đưa ra tại phiên họp thường kỳ cho thấy nỗ lực giảm nợ xấu của nền kinh tế đã có những kết quả hết sức tích cực. Tuy nhiên, đối chiếu với số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố chỉ cách đó 1 ngày thì dường như nợ xấu đang giảm một cách …bất ngờ.
Cụ thể, tại buổi họp báo thường kỳ của Ngân hàng Nhà nước diễn ra ngày 28/9, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 9 là 3,88%! Đại diện NHNN khẳng định: “Mức nợ xấu này đã có chiều hướng giảm so với thời gian trước. Cụ thể, tháng 6 nợ xấu là 4,17%, tháng 7 là 4,11% và tháng 8 là 3,9%”.
Thông tin về hoạt động của VAMC cũng gây ngạc nhiên khi phiên họp của NHNN công bố VAMC từ khi hoạt động đến nay mua được 95 ngàn tỷ đồng nợ xấu, trong khi số liệu cung cấp 1 ngày sau đó lại là 125 ngàn tỷ.
Việc các số liệu “vênh” nhau cũng đã từng xuất hiện một vài lần trước đó. Mới nhất là số liệu về tăng trưởng tín dụng. Còn nhớ hồi giữa tháng 9, tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Tăng trưởng tín dụng của NHTM Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Trường Đào tạo & Phát triển Nguồn nhân lực- Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 16/9/2014, ông Nguyễn Tiến Đông – Vụ Trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết: Tính Đến cuối tháng 8/2014 tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam đạt 5,82% so với cuối năm 2013.
Tuy nhiên, tại báo cáo giải trình, phục vụ cho phiên chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 29/9 thì trưởng tín dụng đến ngày 29/8/2014 lại tăng 6,21% so với cuối năm 2013 và tăng 12,35% so với cùng kỳ năm 2013.
Tùng Lâm
Theo Infonet