Theo Trí thức trẻ
TS. Nguyễn Đức Độ
Nợ xấu là cục máu đông làm tắc nghẽn nền kinh tế. Điều đó đã được các chuyên gia đầu ngành nhắc đi nhắc lại từ nhiều năm nay.
Nhưng trong bối cảnh hiện tại, lãi suất huy động có dấu hiệu tăng, có ý kiến cho rằng nợ xấu là tội đồ, là nguyên nhân chính làm cho lãi suất biến động, và theo họ những ngân hàng quản lý tốt chất lượng nợ thì họ không phải bon chen về huy động vốn song ở những ngân hàng có nợ xấu cao họ phải huy động vốn để tăng thanh khoản.
Khi trao đổi về ý kiến này tại buổi tọa đàm về Đường đi lãi suất năm 2017 do báo Trí thức trẻ phối hợp với CafeF tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Hùng Linh đến từ công ty chứng khoán SSI phân tích rằng nợ xấu cao là một nguyên nhân khiến thanh khoản ngân hàng giảm và buộc ngân hàng phải tăng huy động. Song ông lại cho rằng ở thời điểm hiện tại nợ xấu không phải là nguyên nhân chính yếu làm cho lãi suất tăng.
Lý do theo ông Linh là hiện tại, NHNN đang kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng để tránh chạy đua lãi suất như 5-6 năm trước. Và thứ 2, các Ngân hàng có nợ xấu nhiêu, bán cho VAMC và nhận trái phiếu, thời điểm vừa rồi bán 284 nghìn tỷ, nhận về trái phiếu 240 nghìn tỷ đặc biệt, trái phiếu này có thể cầm đến NHNN cầm cố để lấy tiền, bù đắp thanh khoản nên rủi ro thanh khoản xuất phát từ nợ xấu là không lớn.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ trong khi đó khẳng định rằng nợ xấu là nguyên nhân quan trọng nhất. Tất nhiên, bên cạnh nợ xấu có nhiều nguyên nhân khác, như USD, khi sóng tăng người ta cũng đổ dồn vào USD nhưng có lẽ nó ngắn hạn, quy mô chưa phải là quá lớn trong thời gian gần đây.
Theo TS. Độ, lạm phát hiện tại chưa phải là cao, song chính vì lạm phát thấp dẫn đến lãi suất thực cao. Ông tính toán, những bước nhảy về lãi suất thực từ năm 2012 tới nay rõ liên quan đến nợ xấu, phần do lạm phát giảm… Và rõ ràng nợ quy mô lớn thì trong ngân hàng họ vẫn phải huy động, tranh huy động với các ngân hàng khác.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực nói thêm rằng nợ xấu không phải vấn đề mới, việc một số NH nhỏ khó khăn nợ xấu cao phải huy động lãi suất cao hơn là điều đã và đang xảy ra.
TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng xu hướng lãi suất năm nay và thời gian tới biến động thế nào, phần lớn phụ thuộc vào quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là nhóm ngân hàng đã được mua lại với giá 0 đồng. Khi giải quyết quyết liệt nhóm này thì dòng vốn sẽ chảy đến đúng địa là các doanh nghiệp và lĩnh vực lành mạnh, từ đó giúp giảm lãi suất và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Nhóm PV
Theo Trí thức trẻ