Ngụy Hữu Tâm
(VNTB) – Trí thức không phải là nguyên nhân gây bất ổn xã hội, không là mối nguy hiểm cho chế độ.
Hôm nay, ngày 11. 09., Việt Nam Thời báo sẽ ra số báo giấy đầu tiên. Xin chân thành chúc mừng TBT và BBT VNTB về sự kiện trọng đại này. Mong cho càng ngày tờ báo càng phát triển hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thông tin trung thực của bạn đọc tiếng Việt, cả trong lẫn ngoài nước về thông tin như thế, nhất là khi báo lề phải và fakenews tung đủ thứ tin lên môi trường.
Nhưng mong muốn lớn nhất của tôi và chắc chắn chẳng phải của riêng cá nhân tôi mà của tất cả các bạn đọc trong nước được thấy tờ báo giấy này được in và phát hành công khai tại đất nước đã sinh ra nó chứ không phải vượt qua tường lửa như hiện nay. Tôi vững tin ngày đó không xa, ngày mà tự do ngôn luận cũng được thực thi ở đất nước Việt Nam sống trong độc tài toàn trị này quá lâu rồi, cũng được hít thở không khí tự do, không còn dịch cúm Tàu, để chúng tôi, những bạn đọc và bạn viết, cộng tác viên thân thiết và trung thành của tờ báo sẽ có thể ôm hôn anh Phạm Chí Dũng, anh Nguyễn Tường Thụy và tất cả các anh chị ở tờ báo ở SG, hòn ngọc Viễn Đông chứ không còn phải là „thành phố mang tên Bác“ nữa.
Ngày đó sẽ và nhất định sớm đến.
Ngày này cũng là ngày kỷ niệm đúng hai mươi năm nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan do Bin Laden chỉ huy, đã đánh bom Tòa Tháp đôi New York giết chết trên 3.000 nhân mạng và đưa thế giới vào một cuộc chiến mới, cuộc chiến chống khủng bố và độc tài, vì tự do và dân chủ. Hơn bao giờ hết, toàn thể nhân loại tiến bộ càng ngày càng nhận thức rõ điều này. Ngày hôm nay thì ngoài Hồi giáo cực đoan, Trung Cộng cũng là thách thức hết sức lớn cho toàn thể nhân loại tiến bộ, thậm chí còn lớn hơn nhiều và là chủ yếu, vì Trung Cộng mạnh, giảo hoạt và khốn nạn hơn Hồi giáo cực đoan nhiều lần. Thế nhưng tôi vững tin rằng tất cả chúng ta sẽ nhanh chóng vượt qua được giai đoạn cam go này của nhân loại để loài người được sống trong tự do, dân chủ, văn minh và thịnh vượng.
Nhớ ngày này 20 năm trước, khi đó tôi đang ở Kiel, thành phố ven biển Bắc Đức, nên có thể cảm nhận tình cảm chân thành, đầy cảm thông của nhân dân Đức với nhân dân và chính phủ Mỹ trước mất mát vô cùng to lớn đó. Nay thì chắc chắn tình cảm hết sức thân thiện đó không chỉ là của nhân dân Đức mà của toàn thế giới tiến bộ, trong đó có nhân dân Việt Nam, cái mà mấy hôm trước chưa thể hiện công khai được khi Bà Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến thăm Hà Nội, duy nhất chỉ vì họ đang phải sống trong bạo lực và cường quyền. Nhưng điều đó đang thay đổi, có khi còn rất nhanh là đằng khác.
Mới hôm qua Vương Nghị cũng sang Hà Nội, y mang chiếu chỉ gì cho TBT hay chỉ là ngoại giao vắcxin, có trời mới hiểu, nhưng chắc chắn rằng TBT ứng xử với y khác với Bà Phó Tổng thống, đại diện của Thiên triều, cánh tay phải của „lang sói“ họ Tập cơ mà, nhưng lại là bạn tốt „như môi với răng“. Chỉ có điều, TBT có thể quên chứ nhân dân Việt Nam không bao giờ quên những gì họ Đặng đã làm ở biên giới Việt Nam năm 1979 và ngày nay họ Tập đang làm với ngư dân Việt Nam trên vùng biển của họ…
Lễ 2/9 vừa qua 9 ngày, lockdown chưa qua nên có nhiều thời gian, cho phép tôi sau lời mở đầu ngắn gọn ấy, trước hết làm cái việc mà bài trước chưa, mới chỉ tóm gọn, còn nay là bình luận đôi chút về bài của nhà văn Trần Trung Đạo Lịch sử Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản đến nay là lịch sử của những ngộ nhận, và ngộ nhận lớn nhất là ngộ nhận giữa yêu nước và bán nước.
Theo tôi, ý quan trọng của bài này là tất cả các nước tiến bộ, dân chủ trên thế giới, dĩ nhiên gồm có EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia…xin tạm gọi là phương Tây, chỉ trừ Trung Cộng của họ Tập, đều muốn thấy Việt Nam trở thành một nước tự do dân chủ trong một Đông Nam Á hòa bình và ổn định. Nhưng dân chủ không phải là món quà ai mang tặng, mà phải bằng nỗ lực của chính dân tộc Việt Nam.
Một dân tộc chia rẽ, cấu xé nhau, không có một hướng đi chung, không thể vận dụng được sự ủng hộ từ quốc tế và cũng không xứng đáng để được quốc tế ủng hộ.
Bởi vì, chỉ có một dân tộc Việt Nam đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ mới có khả năng làm cho đất nước giàu mạnh, mới thật sự tập trung được sức mạnh tổng hợp của dân tộc và là nền tảng cho một Việt Nam hòa hợp lâu dài. Đó là bài toán hòa giải mà ĐCSVN cứ nói mà không thực hiện chỉ vì muốn mãi mãi giữ quyền lợi ích kỷ của họ. Tất cả mọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước, chỉ khi hòa giải được mới hằng mong đấu tranh để có một nhà nước pháp quyền, đa nguyên thật sự để tất cả mọi nguồn lực của đất nước dồn cho việc xây dựng nó giàu mạnh.
Theo tôi, chừng nào nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước chưa đồng lòng, trong hòa giải, đấu tranh để thuyết phục được ĐCSVN phải từ bỏ bạo lực, đặng trao quyền lực cho nhân dân, thì nước ta chưa dân chủ, văn minh, hòa đồng với thế giới tiến bộ được và mãi mài nằm trong vòng kim cô của Trung Quốc. Còn nếu chưa được thế thì bản thân những người (đã chuyển hóa hay từ của „Đảng ta“ là „diễn biến hòa bình“) trong đảng phải làm điều đó, và điều này dễ dàng xảy ra hơn.
Nói đến đây tôi xin mở ngoặc nói về nước Đức, thống nhất 32 năm nay mà không mất một giọt máu – nói chi đến Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn mất 4 triệu nhân mạng nên hàn gắn khó khăn là đương nhiên – tuy nhiên giữa Ossi, người phía Đông, và Wessi, người phía Tây, tương tự như người Hà Nội và người SG ở ta, vẫn chưa hòa đồng. Xem bài báo của BS tâm lý Helga Schubert trên tờ Spiegel số 24, 2021: Wir fremden Wesen im Osten-chúng tôi những sinh linh kỳ lạ ở phía Đông, tôi mới hiểu ra, chỉ có thể hòa giải nếu không dùng bạo lực.
Người Đức năm 1989 đã thành công nhờ thế, để sau này bà Merkel, một Ossi, làm Thủ tướng từ 2005 đến nay là 4 nhiệm kỳ. Cũng phải nói bà Merkel đã làm cán bộ nghiên cứu của VHLKH CHDC Đức, Berlin, những năm tôi làm nghiên cứu sinh ở đó, cũng có anh Châu Diệu Ái, đang làm post-doc., sau về làm viện trưởng Viện Hình sự BCA VN. Hai người quen biết nhau nên bà Merkel rất tình cảm, theo bạn bè tôi trong SG kể, mỗi lần có dịp ghé thăm SG, mà 4 nhiệm kỳ là nhiều lần lắm, bà đều mời anh Ái đến nói chuyện.
Anh Ái lứa đi Đức đầu tiên năm 1954 từ Miền Bắc sau Hiệp định Genève, còn có anh Bạc và anh Khôi mà tôi đã có dịp kể cho bạn đọc ở những bài trước, chúng tôi vốn rất thân quen với tất cả các anh vì họ là những người đi trước đã giúp đàn em học tiếng Đức và làm quen với văn hóa Đức. Về anh Ái, tôi còn phải kể một chuyện nữa mà nhân đây là một dịp mà không phải lúc nào cũng có, đó là về nhân cách của anh, làm tôi phải nể phục. Đó đã là những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước, anh Ái chắc đã mang hàm thượng tá CA sang làm post-doc., dạng dài hạn để bảo vệ TS B-habilitation tức bằng cấp chính thức bước lên bục giảng dạy đại học, chứ không còn phải là trợ giảng, bài đi Algeria tôi có nói qua, chứ tôi mới chỉ được đi 3 tháng, ngắn hạn để dần dần tích điểm đặng khi đủ thì sang Đức lâu để viết luận án và bảo vệ.
Khi ấy thì anh Bích, người cùng khóa tôi ở ĐHTHHN trên Đại từ, Thái Nguyên, mới được lò dò sang Đức vì anh, dẫu cho là con TBT, nhưng lại đã theo học ngành Văn, mà đã là ngành khoa học xã hội thì „Đảng ta“ vốn dị ứng, sợ tiêm nhiễm „tư tưởng“ của những „thế lực thù địch“ chứ không như dân khoa học tự nhiên bọn tôi, chỉ là dân tính toán máy móc, sẵn sàng làm cái „chân gỗ“ cho Đảng. Anh Bích con TBT, lại là con út nên thời nhỏ chắc được mẹ chiều nên khi lớn, biết nói thế nào nhỉ, hơi „lêu lổng“, tuổi ấy rồi mà còn đi nhảy với lũ trẻ con Tây vì thời ấy cả phía ta lẫn phía Tây đều „cởi mở“ hơn trước nhiều, chứ không còn như thời xưa chúng tôi, Sứ quán cấm ra đường một mình, đi đâu cũng phải có hai người, ngay đến khi ở Algeria cũng vậy, đủ biết cộng sản máy móc thế nào.
Ở cái hội này, Bích ta lại lỡ trớn, „sàm sỡ“ một đứa bé mà nó có bố đi kèm, nên ông này mới làm toáng lên. Sứ quán ta không biết phải hành xử thế nào, đuổi về nước như thông lệ ư, đụng đến TBT có mà „bỏ mẹ“. Thế mà anh Ái lanh thế, điện ngay về nước cho cơ quan chủ quản của cả Bích lẫn vợ Bích, UBKHXHVN, cử vợ Bích sang. VHLKH CHDC Đức bố trí ngay căn hộ đường hoàng cho hai anh chị. Anh Ái hay thật, tôi kính nể, anh là „đảng viên nhưng mà tốt“. Ổn thỏa về mặt tổ chức thôi, nhưng về mặt cá nhân thì chẳng nhất thiết phải như thế. Khi về nước thì cặp vợ chồng Bích ly dị. Đời không biết chữ ngờ!..,
Nhà văn Trần Trung Đạo còn có một bài hay nữa, là Bài học tranh chấp biên giới giữa Trung Cộng và Bắc Hàn mà tôi xin phép cũng không đi vào chi tiết, để bạn học tham khảo, chỉ xin dẫn ra những câu kết luận rất quan trọng của ông như sau:
“Nước nhỏ chưa hẳn là nước yếu. Bang giao quốc tế là một cuộc đấu tranh chính trị cân não. Trong thời đại toàn cầu hóa, sự phụ thuộc giữa các quốc gia sâu sắc hơn thời kỳ Chiến tranh Lạnh và hai cuộc thế chiến trước đây, do đó, cuộc đấu tranh lại càng khó khăn, phức tạp và có thể phải chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Cho dù theo đuổi bao nhiêu mục tiêu, đối với một quốc gia, tại mỗi thời kỳ nhất định, chỉ có một ưu tiên tối thượng. Bảo vệ sức mạnh trung tâm là ưu tiên tối thượng của Trung Cộng. Những nhân nhượng của Trung Cộng qua các tranh chấp về biên giới cho thấy rõ một điều quốc gia nào cũng cần ổn định để phát triển nhưng Trung Cộng cần ổn định hơn bất cứ quốc gia nào khác. Trong thời kỳ Liên Xô còn tồn tại, Bắc Hàn khai thác xung đột giữa hai đàn anh CS để có lợi cho mình và nay đang khai thác mâu thuẫn Mỹ-Trung để củng cố vị trí của Bắc Hàn trong bàn cờ địa lý chính trị vùng Nam Á.
Người viết không phân tích hay đối chiếu cách xử sự của lãnh đạo CS Việt Nam và Bắc Hàn bởi vì một người có hiểu biết chính trị căn bản nào cũng biết mục tiêu tối thượng của lãnh đạo CSVN là duy trì quyền cai trị trên đầu trên cổ nhân dân Việt Nam bất chấp đất đai, rừng, biển của tổ tiên để lại bị chiếm đoạt.
Tập Cận Bình biết rõ gan ruột của lãnh đạo CSVN nên rất khinh thường họ. Sự kiện máy bay Trung Cộng vi phạm không phận Việt Nam không chỉ một lần mà mấy chục lần là một ví dụ điển hình. Nếu báo chí quốc tế không lên tiếng trước rồi lãnh đạo CSVN cũng tiếp tục “ngậm bồ hòn làm ngọt” như đã từng chịu nhục suốt 40 năm qua.”…
Chỉ xin bổ sung thêm rằng, có lẽ khác biệt nằm ở điểm là họ Kim không phụ thuộc Mao như họ Hồ. Về mặt lịch sử thì theo hiểu biết của tôi, họ Hồ tuy cũng là cộng sản nhưng ngay khi sang Nga đã không được Stalin ủng hộ, nên nếu có về nước thì khi đó cũng đã có đảng cộng sản rồi không thể làm lãnh tụ được nên phải đi qua ngả Trung Quốc và thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930 với sự trợ giúp của Trung Cộng thông qua Mao và Chu, độc lập với Đảng Cộng sản Việt Nam trong nước của Hà Huy Tập và những đồng chí khác. Thế cho nên nói cũng không ngoa là ĐCSVN là con đẻ của Trung Cộng.
Cứ thế tiếp tục cho đến đỉnh điểm là Hiệp ước Thành Đô năm 1990 do Nguyễn Văn Linh và đồng bọn ký mà xin khẳng định rằng, đó là một sự bán nước, điều mà cho đến giờ phút này, ban lãnh đạo ĐCSVN vẫn giấu „như mèo giấu cứt“. Thế thì còn gì nữa mà …để bàn.
Còn một khác biệt nữa nằm ở tính cách, họ Kim rắn hơn họ Hồ nhiều, dám giết cả chú dượng và anh cùng cha khác mẹ. Họ Hồ chỉ không dám lên tiếng khi đàn em giết người tình và cũng không dám nhận ba người con do chính mình sinh ra. Còn điểm chung thì quá rõ, người cộng sản họ chỉ quan tâm đến việc bảo vệ quyền lực bất chấp nhân dân, mà một cách mị dân không ngượng mồm họ Hồ còn gọi là „đầy tớ“.
Những bài đáng đọc gần đây, còn có bài của luật sư, TS Nguyễn Vân Nam, giáo sư đại học Humboldt, CHLB Đức, có tựa đề: “Việt Nam cần Trí thức vì nước, không vì hư danh” đăng lại bởi bbc nhân ngày anh mất vì mắc Covid vào tối 07/09/2021 tại SG, mà ở đây tôi xin thắp một nén nhang để tỏ lòng kính trọng và thương tiếc. Bài cũng dài nên tôi chỉ xin trích dẫn những câu cuối cùng, quan trọng nhất, mong bạn đọc thứ lỗi.
“…Nói một cách khác, Trí thức vừa là người tạo ra các giá trị tư tưởng, vừa là người phê phán chúng; vừa là người ủng hộ chính quyền, vừa là người đối lập.
Nhưng, tự bản chất của mình, Trí thức thực thụ không bao giờ là mối nguy hiểm cho xã hội, không bao giờ là người phản bội tổ quốc.
Những Trí thức có thể hình thành một mối quan hệ đặc biệt và không chính thức với nhau để hình thành một nhóm, một cộng đồng Trí thức.
Nhưng đó là phải là một cộng đồng hình thành trên cơ sở tuyệt đối tự do, tự nguyện và không ràng buộc.
Các tổ chức, Hiệp hội đặt dưới sự lãnh đạo của một đảng cầm quyền, của chính quyền, hoặc có lãnh đạo là các cán bộ đảng, chính quyền về hưu, không thể là cộng đồng có thể hình thành Trí thức, hay bảo đảm được sự hoạt động của Trí thức.
Sự dấn thân của Trí thức thể hiện trước hết ở lòng dũng cảm và bằng mọi cách nói lên những vấn đề xã hội quan tâm hoặc cần phải quan tâm, dù có thể nghịch tai nhà cầm quyền.
Khi truyền thông chính thức không có chỗ cho những buổi tranh luận công khai, khi phải trình bày ý kiến của mình trong khuôn khổ một tổ chức chính thống, theo một gợi ý bắt buộc về nội dung, người Trí thức chắc chắn sẽ tìm đến những khả năng khác.
Ngày nay, sự kết nối dễ dàng – và không thể ngăn chặn – với các trang mạng xã hội, các tổ chức truyền thông quốc tế, đã tạo ra những diễn đàn thuận lợi cho hoạt động của Trí thức ở bất kỳ quốc gia nào.
Chúng ta gọi các sinh viên mới tốt nghiệp, nhà văn, nghệ sĩ trẻ,…là trí thức, trong khi họ chưa thể là Trí thức; gọi các nhà khoa học trưởng thành, văn nghệ sĩ “cây đa, cây đề” là trí thức, trong khi thiếu hẳn các điều kiện xã hội, các buổi tranh luận tự do, công khai, để họ có thể trở thành Trí thức.
TS Nguyễn Vân Nam (1956-2021) cho rằng trí thức thực thụ không bao giờ là mối nguy hiểm cho xã hội
Nhưng lại trông đợi, hy vọng và đòi hỏi họ phải có đầy đủ những giá trị và tác động tích cực của một Trí thức đúng nghĩa. Đó là một nghịch lý không thể chấp nhận, không thể tiếp tục dung dưỡng.
Muốn xây dựng được một xã hội văn minh dân sự, một đất nước phát triển mạnh mẽ bằng sức sáng tạo, chúng ta sẽ phải cần Trí thức. Nhưng, người ta không thể đào tạo Trí thức, mà chỉ có thể tạo điều kiện để hình thành Trí thức.
Ở Việt Nam, ngoài việc phải cải tổ một cách căn bản hệ thống giáo dục và quan niệm đúng đắn về Trí thức, có lẽ chỉ cần loại bỏ những rào cản, trở ngại, hiện đang không khuyến khích sự xuất hiện Trí thức, đồng thời cần minh định rõ: Trí thức không phải là nguyên nhân gây bất ổn xã hội, không là mối nguy hiểm cho chế độ.”