Việt Nam Thời Báo

Ông Bá Thanh và lá phiếu lòng dân

Tin ông Nguyễn Bá Thanh qua đời không làm dư luận ngạc nhiên vì từ nhiều tháng qua câu chuyện về ông chủ yếu xoay quanh căn bệnh hiểm nghèo và thời gian ông sống được bao lâu.
Nhưng hiện tượng Nguyễn Bá Thanh và tinh thần chống tham nhũng của ông thì vẫn tiếp tục sống trong sự ngưỡng mộ của không ít người dân Việt Nam.
Về cá nhân ông Nguyễn Bá Thanh, các thành tích, những điều ông đã làm được hay chưa sẽ còn là chủ đề người Việt Nam trong và ngoài nước bình luận.
Nhưng vì ông qua đời trong bối cảnh đầy kịch tính nên hình ảnh riêng này lại có thể sống tiếp, thậm chí trở thành huyền thoại mà không nhất thiết phải có liên quan gì đến con người thật vì một số lý do sau:
Đầu tiên là sự nuối tiếc về các phát biểu hừng hực sức mạnh của ông và sự lụi tàn của phong trào chống tham nhũng.
Đây là tâm lý rất phổ biến khi dư luận cho rằng có một bộ máy nào đó cản trở một gương mặt mới muốn làm những điều vượt lên bình thường.
Tình cảm này càng trở nên sâu đậm khi nhân vật đó chết hoặc bị loại khỏi trung tâm quyền lực.
Ta còn nhớ Sergei Kirov, nhà lãnh đạo năng nổ ở Leningrad được tín nhiệm hơn cả Stalin, chết ở tuổi 48 để lại nhiều nỗi niềm cho người dân Liên Xô khi đó.
Ông Anwar Ibrahim, lãnh tụ thanh niên và phó thủ tướng Malaysia cũng bị ‘phái già’ trong đảng UMNO loại khỏi chính trường và nay bị tù vì các cáo trạng ông luôn bác bỏ.
Ở Trung Quốc có ông Bạc Hy Lai, ngôi sao đang lên của Thành Đô cũng ngã đài trong cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ, khiến dân Tứ Xuyên đến nay vẫn nhớ tiếc.
Thứ nữa, sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Bá Thanh dù có vẻ hơi nghịch lý lại phản ánh một tâm lý ở Việt Nam tin rằng bộ máy Đảng Cộng sản vẫn có khả năng tự chống tham nhũng.
Sergei Kirov bị bắn ở tuổi 48 năm 1934 để lại nhiều thương tiếc cho người Leningrad
Các phát biểu kiểu ‘Tiểu Bá Thanh’ đã, đang và sẽ còn lan ra báo chí, với độ thực thà khác nhau nhưng có mục tiêu giống nhau là thu hút dư luận.
Đây cũng là vấn đề của Việt Nam hiện nay vì bộ máy lớn tiếng chống tham nhũng quá yếu so với bộ máy âm thầm và mạnh mẽ tham nhũng.
Ở Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn, một cựu Phó Thủ tướng lão luyện về kinh tế, sau khi nắm hết các đường đi nước bước của bộ máy kinh doanh trong và ngoài nước mới sang nắm Ban Kỷ luật Trung ương Đảng.
Tới nay, ông đã cho bắt hoặc xử lý hàng vạn cán bộ tham nhũng từ cấp thượng tướng, bí thư tỉnh, chủ tịch thành phố lớn trở xuống trong niềm tin rằng Đảng Cộng sản có thể chống được tham nhũng.
Cũng ở Trung Quốc, hệ thống ‘song quy’ cho Đảng Cộng sản lập ra nhà tù riêng, có các thẩm tra viên khét tiếng đã từng dìm chết cả quan chức khi điều tra.
Còn ở Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thanh và Ban Nội chính Trung ương không nắm trong tay cơ quan chấp pháp và muốn làm gì cũng vẫn phải thông qua bộ máy tư pháp, hành pháp và công an.
Vì thế, phạm vi hoạt động của ông về sau hẹp đi nhiều và ông cũng xoay ra các chiêu mang tính vận động dư luận để dồn các đối tượng chống tham nhũng vào một thế yếu nào đó rồi may ra thì xử lý được.
Nhưng trên thực tế, sau khi ông không vào được Bộ Chính trị, dư luận Việt Nam vốn rất nhạy bén với chuyện ai có thực lực, cũng bắt đầu qua ‘cơn sốt Bá Thanh’.
Trang www.facebook.com/FanNguyenBaThanh từng kêu gọi lấy 1 triệu chữ ký ủng hộ ông đã chỉ có khoảng 30 nghìn sau khi ngưng hoạt động hẳn giữa năm 2013.

Chính trị Hà Nội

Ông Vương Kỳ Sơn không có con cái gì và đang chỉ đạo chống tham nhũng quyết liệt tại Trung Quốc
Nhưng muốn hiểu hết hiện tượng Nguyễn Bá Thanh và sự thất bại của ông, ta cần nhìn vào góc độ văn hóa chính trị của Việt Nam qua chiều dài lịch sử.
Trên thực tế, sau khi Việt Nam Cộng hòa bị tiêu diệt, hai trung tâm quyền lực Nam và Bắc chỉ còn lại một thì chính trị Việt Nam chủ yếu là chính trị Hà Nội.
Ta cũng không nên dễ dàng đi theo cáo buộc thường thấy trên báo chí nước ngoài rằng cứ ai từ Trung hay Nam ra thì đều là cải cách, tự do, còn miền Bắc hay Hà Nội là bảo thủ.
Cứ nhìn vụ báo Người Cao Tuổi và cách ứng phó của báo này với chính bộ máy sẽ thấy cuộc đấu tranh tại chính Hà Thành tinh tế hơn thế rất nhiều và không nhất thiết phải nằm ở cán cân quyền lực ai nắm bộ nào, có bao nhiêu tiền, được nước nào hỗ trợ.
Từ Đà Nẵng ra và hô to những khẩu hiệu đánh vào thành trì các nhóm lợi ích cả Nam và Bắc, ông Nguyễn Bá Thanh đã gặp số phận giống như nhiều nhân vật chính trị địa phương trong quá khứ, ngã ngựa trước một trong mấy cửa ô của Bắc Thành.
Không phải ngẫu nhiên mà từ thời Bắc Thuộc, khu vực Đại La đã chi phối toàn bộ Giao Châu và kể từ các triều đại độc lập Ngô, Lý, Trần, Lê về sau đây là nơi có nền chính trị tinh vi nhất Việt Nam.
Đó là thứ chính trị cần chiều sâu và tầm nhìn, cảm quan văn hóa.
Nguyễn Huệ giỏi chiến trận như vậy và đã làm rể đất Thăng Long mà triều đại Quang Toản cũng nhanh chóng tan rã.
Chúa Nguyễn Ánh, nhân vật kỳ tài lập được các bang giao với Phương Tây, với Xiêm La để phục quốc mà sau khi thu lãnh thổ về một mối vẫn e ngại, coi ‘Bắc Hà là nước cũ của nhà Lê’ và rất thận trọng lúc bổ nhiệm quan chức ra Bắc.
Nói như vậy không phải để so sánh người thời nay với thời xưa vì tầm vóc quá khác nhau, mà để thấy chính trị Hà Nội và vùng phụ cận có những tiêu chuẩn, những đường đi nước bước của riêng nó.
Đây là truyền thống có bề dày ít nhất từ thế kỷ 7 khi thiền sư Vô Thông Ngôn nói ‘Đất này Tây Thiên’ hàm ý tự chủ đã đến trong ý thức văn hóa, mở đường cho độc lập dân tộc thoát khỏi Hán sau đó.
Hồ Gươm không có sóng to, nhìn qua chỉ thấy xanh xanh mờ mờ nhưng là trái tim theo nhịp đập của dòng sông Hồng lúc bồi lúc lở và đã nghìn năm cuộn cuồn chảy ra biển.
Các chính trị gia từ địa phương cần rất nhiều thời gian để nắm bắt được sự thâm sâu này.
Một khi nắm được thì động lực văn hóa mới phát huy và tạo năng lượng cho cải tổ, cải cách hay cách mạng.
Chưa nắm được nguồn lực này thì dù mạnh đến đâu, chính trị gia nào có hành vi quá nổ, quá trớn, trong vận động chính trị cũng như trong làm ăn riêng tư, đều gây phản cảm cho dân Bắc Hà và ngay lập tức bị mất điểm.
Trong cuộc chạy đua quyền lực từ nay tới năm 2016, một lần nữa Hà Nội sẽ lại là sân khấu cho nhiều nhân vật khác nhau thi thố khả năng.
Các tác động quốc tế đang đến thẳng trung tâm Hà Nội
Chính trị Hà Nội cũng thay đổi và các tác động vùng miền và quốc tế sẽ còn buộc nó phải chuyển động nhanh hơn, bất kể quá khứ hào hùng là gì.
Ước vọng vào một nhà lãnh đạo hay một một phép màu giúp quốc gia vượt lên tình trạng hiện nay, giúp chính thể thoát thân khỏi cơ chế hiện nay vẫn còn nguyên.
Ông Nguyễn Bá Thanh đã có công gợi ra ước vọng đó.
Không chỉ người Đà Nẵng đang thương tiếc ông mà người Hà Nội, Sài Gòn cả cả nước cũng nên cảm ơn ông đã giúp chúng ta nhận ra thêm một chiều kích của tâm lý xã hội là chiều cảm xúc với chính trị Việt Nam.
Trong một xã hội nhiều chuyện ‘vô cảm’ thì đây là một cảm xúc đáng trân quý.
Ta cũng qua đây mà để ra một phút trầm lắng về yếu tố nhân vật và tính cách trong chính trường hiện nay, nơi mà lòng người đang ngày càng chuyển động về các hướng đi mới.
Ai nắm được lá phiếu lòng dân để lập ra kỷ cương cho xã hội, làm bộ máy trở nên liêm chính, đất nước vươn lên một đẳng cấp mới sẽ là người anh hùng của tương lai.
(Theo Nguyễn Giang – BBC)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.