Nguyễn An Dân (Sài gòn Báo)
Theo những nguồn tin đã công bố thì Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, Ông Nguyễn Phú Trọng, sẽ có chuyến thăm nước Mỹ trong 3 ngày từ 7/7/2015-9/7/2015. Tuy nhiên, ngày 25/6/2015 vừa qua, khi được phóng viên hỏi về lộ trình chuyến đi thì Bộ Ngoại Giao VN chưa thông báo thời gian nêu trên là chính thức.
Theo báo chí VN mấy hôm nay thì chuyến đi này “rất quan trọng và có tính lịch sử”, nhưng như thế vì sao phía Mỹ đã công bố lịch trình mà phía Việt Nam đến nay chưa xác nhận Nếu việc ông Trọng đi thăm Mỹ được coi là một bước tiến ngoại giao có lợi cho đất nước như đảng cầm quyền Việt Nam đã nói thì vì sao đến nay chưa công bố chính thức để người dân có lý do vui mừng ?
Cho đến khi tôi đang viết bài này thì mới thấy ban đối ngoại Trung Ương đảng thông báo chính thức ông Nguyễn Phú Trọng cùng phái đoàn quan chức Việt Nam sẽ thăm Mỹ như trên.
Các đề mục nghị trình
Theo những nguồn tin hành lang thì các nội dung mà Mỹ sẽ thảo luận với ông Nguyễn Phú Trọng sắp đến gồm có vấn đề cảng Cam Ranh, TPP và vấn đề tuy không phải quan hệ chính trị của hai nước nhưng chiếm vai trò vật cản lớn từ lâu trong quan hệ Việt-Mỹ, đó là Nhân Quyền ở Việt Nam.
* Cam Ranh
Mỹ dĩ nhiên coi Cam Ranh như một vị trí lý tưởng để hoàn thiện vành đai phòng thủ châu Á-Thái Bình Dương của họ. Việt Nam lâu nay với khả năng quân sự còn yếu nên chưa tận dụng được mấy ưu thế của cảng này, gần như coi nơi này như một món quà để mang ra mặc cả với các quốc gia có nhu cầu như Nga, Mỹ. Cho đến lúc này thì nơi này với Nga là lợi nhất, họ được sử dụng nguồn lực Cam Ranh cho các hoạt động quân sự của mình nhiều hơn Mỹ.
Phía Mỹ dĩ nhiên không hài lòng, mới đây Mỹ đã chính thức lên tiếng phản đối phía Việt Nam cho máy bay quân sự Nga dùng Cam Ranh để tiếp dầu khi hoạt động không kích.
Trong bối cảnh Việt Nam cần Mỹ hiện diện ở Việt Nam một cách tương đối đủ để làm Trung Quốc e ngại thì có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng sẽ mở ra một khả năng cho Hải quân Mỹ hiện diện ở Cam Ranh nhiều hơn mức độ trước đây hầu làm Mỹ hài lòng. Tuy nhiên, căn cứ trên tình hình hiện tại có lẽ ông Trọng cũng sẽ không đáp ứng cho Mỹ dùng Cam Ranh như Mỹ mong muốn vì không muốn mất lòng Trung Quốc. Cam Ranh sẽ tiếp tục là cái bàn xích đu cho đảng chơi trò đu dây giữa ba cường quốc.
Bên cạnh đó, Mỹ đang xây dựng một kế hoạch thiết lập các căn cứ tiếp liệu cho các hoạt động quân sự của họ tại Biển Đông, có Việt Nam nằm trong kế hoạch này và cũng sẽ được mang ra bàn thảo trong cuộc gặp. Tôi nghĩ rằng trong tương lai, nếu xu thế ngả về phương Mỹ của ban lãnh đạo sau đại hội đảng chiếm đa số thì điều này có thể xảy ra chứ còn với ông Trọng hiện nay thì e rằng khó. Khả năng cao nhất là Mỹ và ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có một thỏa thuận cho phép cố vấn Mỹ hiện diện tại Việt Nam, nhằm cân bằng lại với ảnh hưởng của cố vấn Trung Quốc vẫn thường xuyên hiện diện ở Hà Nội.
* TPP và kinh tế Việt Nam
Vấn đề thứ hai là ông Trọng sẽ có vai trò xúc tác góp phần vào việc Mỹ đồng ý cho Việt Nam gia nhập TPP nhanh hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế đã “hết động lực và hết đà để phát triển” như nhận định của nhiều chuyên gia lẫn quan chức của Việt Nam hiện nay, và việc Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng AIIB do Bắc Kinh khởi xướng đang xúc tiến với ý đồ lập một vành đai kinh tế Thái Bình Dương không có Mỹ thì TPP được coi như một “cú hích” bắt buộc phải có cho trong ngắn hạn. Cũng như nó sẽ là một lối thoát cho sự “thoát Trung” về kinh tế mà nhóm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang kêu gọi thực hiện.
Theo đó thì việc ông Nguyễn Phú Trọng phải đồng ý một số điều khoản quan trọng mà Mỹ đưa ra để VN sớm gia nhập TPP mà lâu nay phía Việt Nam còn do dự là điều có thể dự đoán được. Với sự thúc ép từ tài chính quốc gia Việt Nam hiện nay đang khủng hoảng, với sự phá hoại và trừng phạt thương mại từ phía Trung Quốc cùng với sức ép của nhóm chính phủ đang có ưu thế trong nội bộ đảng của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng đang ở vào thế phải đồng ý nhanh chóng để cùng Mỹ tháo gỡ bớt các khó khăn trong đàm pháp TPP Mỹ-Việt để VN gia nhập nhanh hơn (rất nhiều khả năng sẽ đến trước khi Tổng Thống Mỹ Obama hết nhiệm kỳ).
* Nhân Quyền
Có tin hành lang cho rằng ông Trọng e ngại khối việt kiều chống cộng sẽ tổ chức biểu tình chỉ trích ông khi ông đến Mỹ. Ông Trọng cần lưu ý là đảng của ông luôn kêu gọi kiều bào hòa hợp hòa giải nhưng ý chí của kiều bào là Việt Nam phải cải cách chính trị chứ không phải là hoà hợp hoà giải. Ông Trọng nên lưu ý rằng nếu muốn xây dựng một quan hệ tốt với chính phủ Mỹ thì đảng cầm quyền Việt Nam không thể bỏ qua khối kiều bào không cộng sản ở Mỹ. Điều này đã được ông Obama đề cập đến trong cuộc gặp với ông Trương Tấn Sang năm 2013. Tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu ông Obama, trong cuộc gặp với ông Nguyễn Phú Trọng, sẽ chỉ cho ông Trọng thấy một rừng cờ vàng do kiều bào giơ lên phản đối ông Trọng bên ngoài cửa sổ phòng họp.
Mỹ đã luôn chỉ trích đảng cầm quyền Việt Nam nhiều lần trong quá khứ về các đàn áp nhân quyền thô bạo và bắt bỏ tù những người dân tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ. Tuy nhiên có lẽ lần này sẽ có những thay đổi nhẹ nhàng từ cả 2 phía ông Trọng và chính phủ Mỹ để đạt được mục đích chính trị có lợi cho cả hai bên.
Về phía Mỹ, tôi đánh giá rằng Mỹ cần sớm hiện diện tại Việt Nam và hậu thuẫn cho nhóm thân Mỹ trong đảng lên cầm quyền trong trung hạn sắp đến nên hành pháp Mỹ có thể sẽ nương nhẹ các yêu cầu của họ. Đòi hỏi ông Nguyễn Phú Trọng một lời cam kết giảm bớt đàn áp dân chủ là tất yếu , cùng với một danh sách tù nhân chính trị sẽ được đính kèm để đề nghị trực tiếp ông Nguyễn Phú Trọng phải can thiệp với an ninh để tha bổng là 2 điểm mấu chốt Mỹ sẽ làm.
Đề tài nhân quyền là đề tài mà bản thân ông Trọng tránh né không muốn thảo luận nhiều nhất. Tuy nhiên trong tư thế đàm thoại trực tiếp ở Mỹ sẽ buộc ông Trọng phải nhân nhượng nhiều hơn so với khi ông ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng sau chuyến thăm, để đạt được mục tiêu cùng kềm chế Trung Quốc, ông Trọng sẽ chỉ đạo tha bớt các tù chính trị tranh đấu cho dân chủ-nhân quyền để Mỹ tạm hài lòng nhưng sẽ không tha những người tù kiên quyết kêu gọi chống lại bành trướng của Trung Quốc. Một kịch bản thương thảo nhân quyền như vậy sẽ tương đối hài hòa cho quan hệ Mỹ -Việt và Viêt-Trung lúc này theo quan điểm chỉ đạo chính trị lâu nay của ông Trọng
* Biển Đông
Trong bối cảnh đảng cầm quyền Việt Nam đang mắc kẹt vào tư duy “thân Trung Quốc thì (có thể) mất nước, thân Mỹ thì (có thể) mất đảng” như dư luận đang nhận định, thì bất kỳ hoạt động chính trị ngoại vận nào của đảng cũng chỉ mang giá trị về hình thức chứ chưa đi vào thực chất đủ để Trung Quốc chùn tay trong việc xâm lấn Việt Nam. Tôi nhận xét “đảng anh” Trung Cộng quá hiểu “đảng em” Việt Nam như họ từng tuyên bố “Ngoài nền ngoại giao theo thông lệ quốc tế hai nước (Trung – Việt) còn có một nền ngoại giao gọi là ngoại giao lề đảng”, nên Trung Quốc sẽ không quan ngại quá nhiều về chuyến đi của ông Trọng và họ sẽ tiếp tục âm thầm xâm lấn. Chừng nào những người tù chính trị vì kêu gọi chống bá quyền Trung Quốc còn nằm trong nhà tù Việt Nam thì Trung Quốc còn không quan tâm nhiều đến các chuyến đi ngoại vận của lãnh đạo đảng dù là đến Mỹ.
Dư luận đang có những quan ngại về việc Trung Quốc sẽ tấn công vũ trang vào những đảo ở Trường Sa mà Việt Nam còn đóng quân gìn giữ là một quan ngại có cơ sở. Tuy nhiên, tôi đánh giá là Trung Quốc nếu có muốn tấn công chớp nhoáng ngoài Biển Đông thì sẽ phải sau cuộc gặp Obama- Tập Cận Bình vào tháng 9/2015 tới đây tại Mỹ. Trung Quốc tuy hung hăng với các nước nhỏ, nhưng họ vẫn biết nhìn sắc mặt nước Mỹ trước khi hành động.
Tin ngoài lề
Tôi nghĩ ông Trọng trong chuyến đi này cũng đang gánh chịu áp lực tâm lý rất lớn khi mà hậu trường chính trị Việt Nam đã có nhiều biến động từ khi ông ta và ông Nguyễn Tấn Dũng cùng nhau cầm nắm quyền lực. Cái chết đột ngột khi đang phong độ đương chức của một số quan chức cao cấp trong hệ thống của hai ông trong khóa này của đảng đã gieo ra vô vàn suy đoán, thắc mắc trong quần chúng dù đảng đã công bố là “chết vì bệnh”.
Có vẻ như các bệnh ung thư và nan y đang tấn công vào nhiều quan chức cao cấp tầm ủy viên trung ương và đang tại vị trong cả hai hệ thống đảng và chính phủ ngày càng mãnh liệt. Thống kê sơ bộ “mắc bệnh mà chết khi đương chức” khóa này của đảng (2006-2016) thì có thượng tướng Thi Văn Tám (mất 2008), thượng tướng Phạm Quý Ngọ (mất 2014) hai ông cùng kiêm chức thứ trưởng Bộ Công An, ủy viên trung ương đảng. Rồi thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên (tổng tham mưu trưởng , ứng cử viên cho chức danh bộ trưởng quốc phòng khi đó cũng mất vào năm 2010) , Thêm đến ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban nội chính trung ương (đầu năm 2015), Mới đây nhất và cao cấp hơn là Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh, ủy viên bộ chính trị, cũng đang có tin chính thức là bị bệnh nặng (thông báo chính thức ngày 01/07/2015) nên đột ngột vắng mặt trong các sinh hoạt chính trị quan trọng.
Nhưng dù thế nào, việc một TBT đầu tiên của đảng CSVN được TT Mỹ mời thăm và tiếp đón cũng là một sự kiện quan trọng trong bối cảnh mới của Thái Bình Dương và trong chính sách “xoay trục” của Mỹ. Về phía Việt Nam, quyết định cử TBT đảng thăm Mỹ, dù bản thân ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ra đi sau ĐH 12, cũng cho thấy ban lãnh đạo đảng CSVN đang chuẩn bị cho những bước đột phá chính trị đối nội và đối ngoại quan trọng trong bối cảnh quan hệ Việt-Trung và biển Đông ngày càng căng thẳng bất lợi cho đất nước Việt Nam và cho uy tín của chính đảng CS. Những gì xẩy ra sau chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng và nhất là sau Đại Hội đảng CSVN đầu năm 2016 sẽ cho chúng ta thấy rõ điều này./.
Nguyễn An Dân
(Sài gòn Báo)