Người đưa tin
“Người nói sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, Chính phủ và nhân dân về lời nói của mình”, một chuyên gia đưa quan điểm.
Chiều 28/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà có chuyến làm việc tại Formosa và khẳng định: “Luật pháp Việt Nam không cho phép làm ống thải ngầm”. Đồng thời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Formosa phải nâng đường ống thải lên mặt đất ngay.
Thông tin này khiến dư luận “ngã ngửa” bởi trước đó chưa lâu, bên lề cuộc họp chiều 23/4 của lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung với liên Bộ Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, báo giới trong nước cũng đã đăng tải tin tức về việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã khẳng định đường ống xả thải của Formosa đã được cấp phép.
Cũng trong cuộc họp này, trước thông tin, đường ống xả thải khổng lồ của công ty Formosa chạy ngầm dưới đáy biển là trái phép, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT khẳng định hoàn toàn không có chuyện đó.
Ông Nhân trả lời trước báo giới rằng, quy trình xả thải của Formosa đã được Bộ TN&MT cấp phép theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.
Liên quan đến những phát ngôn trái chiều này, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, đại biểu Quốc hội Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Tôi không bình luận ai đúng ai sai mà việc đúng hay sai là phải căn cứ vào các văn bản. Tuy nhiên, cần phải tìm hiểu xem ai nói đúng.
Kể cả việc Formosa được cấp phép thật nhưng việc cấp phép có đúng hay không lại là vấn đề cần phải kiểm tra. Vì Bộ trưởng chỉ nói là theo quy định của luật pháp là không cho phép. Còn chuyện có được giấy phép hay không thì có rất nhiều vấn đề. Giấy phép có thể bị cấp sai, không đúng quy định, đi xin giấy phép v.v…
Cá nhân tôi chưa thấy mâu thuẫn trực tiếp giữa hai lời nói. Bởi một người nói không được phép theo quy định, còn một người nói Formosa được cấp phép lại là chuyện khác. Trên thực tế, vẫn có chuyện cấp phép sai”.
Một chuyên gia (đề nghị không nêu tên) kiến nghị rằng: “Hai người phát biểu cùng là người của một bộ, cùng là lãnh đạo, cùng có trách nhiệm tham gia giải quyết vụ việc này mà nói khác nhau thì phải có người nói đúng. Người nói sai phải chịu hình thức kỷ luật. Cũng như trường hợp một cấp dưới phát ngôn sai đã bị phía Formosa cho thôi việc”.
“Việc Thứ trưởng nói thì tôi nghĩ Bộ trưởng phải biết. Nếu Bộ trưởng nói đúng thì Thứ trưởng phải bị kiểm điểm, thậm chí bị kỷ luật. Vì đây là vụ việc nghiêm trọng, gây hậu quả lâu dài”, vị chuyên gia này đưa quan điểm.
Cũng theo chuyên gia này: “Bây giờ cần có bằng chứng xác thực để biết ai nói đúng, không gây hoang mang dư luận. Người nói sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước Chính phủ và trước nhân dân về lời nói của mình.
Để biết ai nói đúng ai nói sai thì không khó. Tôi nghĩ trong vấn đề cấp phép này còn nhiều “dích dắc”.
Cá bơi không có biên giới nào hết. Do đó, môi trường là vấn đề rất lớn, mang tầm quốc tế. Hơn nữa, ở Việt Nam, miền Trung là nơi có hệ sinh thái trù phú, giàu có nhất, là nền tảng cho nghề cá ở Việt Nam”.
“Tôi còn được biết, Hiệp hội nghề cá đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này với nội dung xoay quanh việc: Đề nghị không quan tâm đến thủy triều đỏ vì thiếu căn cứ và để tập trung thời gian quan tâm việc độc tố thải ra từ đâu. Thêm nữa, Chính phủ cũng cần cung cấp thông tin cho hiệp hội nghề cá – nơi đại diện cho ngư dân, những điểm xả thải ra biển ở quanh khu vực Vũng Áng”, chuyên gia này đưa quan điểm.
Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.