Việt Nam Thời Báo

Phá nát Đà Lạt?!

( VNTB) – Việc cố tình chọn xây dựng trên nền công trình di sản, bên cạnh ý chí lợi ích riêng của nhà đầu tư và của một số lãnh đạo địa phương, còn có sự tiếp tay của kiến trúc sư thiếu chữ Tâm.

Đà lạt sẽ bị phá nát 

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn

 + Lại đề xuất cao tầng hóa để xóa bỏ Khu phố Việt Di sản Hòa Bình!

+ Controversial Proposal to Erase Hoa Binh Heritage Quarter of Dalat for making Real Estate Projects!

Thật đáng thất vọng chỉ sau vài tháng Đà Lạt đề ra chủ trương phấn đấu trở thành đô thị di sản, mà sáng 14-8, UBND TP lại cho triển lãm phương án Khu Hòa Bình lấy ý kiến người dân trong 1 tháng.

Đồ án triển lãm này chỉ chú trọng tô vẻ thêm bề ngoài, nói chung là vẫn giữ nguyên đề xuất phá bỏ di sản để cao tầng hóa Khu lịch sử phố Việt Hòa Bình của Đà Lạt, hoàn toàn phớt lờ các đề nghị bảo tồn Khu Hòa Bình của cộng đồng, và các cơ quan chức năng (Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam,… ), và các chuyên gia trong nước và nước ngoài.

Thật ra, dự án này vẫn có thể có giá trị cho Lâm Đồng, nếu chọn xây ở một khu đất trống phù hợp hơn tại Đà Lạt. Hiển nhiên, việc cố tình chọn xây dựng trên nền công trình di sản, bên cạnh ý chí lợi ích riêng của nhà đầu tư và của một số lãnh đạo địa phương, còn có sự tiếp tay của kiến trúc sư thiếu chữ Tâm. Để chống chế cho các thiết kế phá hỏng không gian di sản Đà Lạt, tác giả thường nhắc đến ba công trình hiện đại từng bị phản đối mạnh mẽ tại Paris, sau đó trở thành di sản kiến trúc thể kỷ 21 được mọi người công nhận, là…

+ Tháp Eiffel

+ Kim tự tháp kính của bảo tàng Louvre

+ Trung tâm Văn hóa Pompidou

… , với ngụ ý tự xem mình là một “kiến trúc sư vĩ đại” đi trước thời đại khi thiết kế cao tầng hóa Khu Hòa Bình, và hậu thế sẽ xem những công trình thế này là di sản.

Nhưng thật ra đây chỉ là một cách ngụy biện, thiếu cơ sở văn hóa và khoa học, chỉ dùng để thuyết phục chính quyền Đà Lạt, vì cả ba công trình trên không hề đề xuất phá bỏ di sản quý giá nào của Paris để xây dựng mới, vì …

+ Tháp Eiffel xây trên một khu đất trống;

+ Kim tự tháp kính của bảo tàng Louvre được thực hiện với yêu cầu tạo nên lối vào chính cho phần diện tích công trình mở rộng chính, hoàn toàn nằm dưới lòng đất, để bảo vệ cho di sản bảo tàng Louvre;

+ Trung tâm Văn hóa Pompidou xây trên một khu vực không có giá trị di sản phải bảo tồn.

Cả ba công trình này bị phản đối ban đầu, chỉ vì lúc đó người dân chưa quen nhìn thấy các kiến trúc hiện đại quy mô, nằm trong không gian kiến trúc cổ điển của Paris, chứ không hề có nghĩa người dân ủng hộ cho việc phá các công trình di sản quý giá để hiện đại hóa Paris.

Điển hình là việc đề xuất phá bỏ di sản khu trung tâm để xây cao tầng cho thành phố Paris của kiến trúc sư (KTS) Le Corbusier (một KTS nổi tiếng thế giới hơn rất nhiều so với ba vị KTS làm 3 công trình trên của Đà Lạt) gặp sự chống đối mạnh mẽ và bác bỏ hoàn toàn của người dân.

Ngày nay, các nhà nghiên cứu văn hóa trên thế giới đều phải công nhận, tuy đây là một đề xuất mang tính đột phá về tư duy quy hoạch, nhưng lại đặt sai chỗ, phải nói là điên rồ khi mơ tưởng xây dựng mới như vậy trên nền di sản đô thị Paris. Rất đáng mừng không chỉ cho người dân Paris mà cả cho nhân loại, khi thành phố Paris đã sớm bác bỏ dự án này.

Do đó, nói một cách thẳng thắn, nếu Đà Lạt chỉ có hai khu di sản chính là (1) Khu di sản phố Pháp và (2) Khu di sản phố Việt Hòa Bình. Việc nhất quyết phá bỏ di sản để xây dựng mới tại đây chỉ làm lợi cho nhà đầu tư, bất chấp mọi thiệt hại cho giá trị đô thị di sản của Đà Lạt.

Nếu thành phố lại quyết định chỉ giữ di sản phố Pháp, và phá hại khu di sản phố Việt Hòa Bình để làm dự án địa ốc, đây sẽ là một vết nhơ đáng xấu hổ với tiền nhân, của không chỉ người dân Đà Lạt, mà của cả chính quyền trung ương và địa phương, cũng như của những kiến trúc sư Việt Nam.

Hành động phá bỏ di sản này không hề vinh quang mà có thể ví như việc …

+ Đề xuất xây dựng mới Khu đô thị cao tầng, trên nền tảng phá bỏ khu trung tâm di sản Paris của Le Corbusier.

+ Đập bỏ nhà thờ Notre Dame để xây Tháp Eiffel.

+ Đập bỏ bảo tàng Louvre để xây một Kim tự tháp kính lớn hơn.

+ Đập bỏ Nhà hát Opéra Garnier để xây Trung tâm Văn hóa Pompidou.

… Mà chắc chắn người dân có văn hóa của Paris không bao giờ cho phép xảy ra, dù với bất kỳ lý do nào!

Khu Hòa Bình không chỉ là di sản riêng của Đà Lạt, mà còn là một phần di sản quan trọng của kiến trúc đô thị Việt Nam, rất mong những người quan tâm hãy tiếp tục cùng chúng tôi bảo vệ cho di sản này của Đà Lạt, khuyến nghị chủ đầu tư hãy xây dựng dự án này ở rất nhiều khu đất trống khác ở Lâm Đồng.

Nói thêm, cả ba phương án đề xuất đều không ổn, vì bản chất của việc đưa một công trình khối tích lớn lên đỉnh đồi đã sai cơ bản về tiêu chí quy hoạch bảo tồn di sản – cho dù che dấu dưới lớp diễn họa không gian đồi xanh quanh công trình như một phương án Pháp, thì ban đêm đèn của công trình vẫn phải chiếu sáng tạo thành một khối ánh sáng khổng lồ, chưa kể đến việc phải điều hòa nhiệt độ cho toàn bộ công trình…

(https://www.facebook.com/NgoVietArchitects/posts/10222636279436835)

***

Hãy để yên cho Đà Lạt, làm ơn…

Chỉ cần gìn giữ, phục hồi các yếu tố bản sắc chứ chưa cần nói đến đầu tư xây dựng mới, Đà Lạt đã rất thu hút rồi.

Tháng 3-2019, tỉnh Lâm Đồng tổ chức công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). Khu vực quy hoạch này có diện tích 30 ha, trong đó khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng có diện tích 4,43 ha, là khu thương mại, dịch vụ cao cấp; tại đây có cụm khách sạn cao 10 tầng ngay trên đỉnh núi để tạo điểm nhấn.

Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng theo đồ án quy hoạch này thì khu vực Dinh tỉnh trưởng rất xa lạ với Đà Lạt. Dinh tỉnh trưởng là một công trình có giá trị lịch sử, có giá trị về kiến trúc, văn hóa sẽ “bị” di dời nguyên khối đến một “góc” nào đó, để thay bằng khối khách sạn cao 10 tầng với kiến trúc mang dáng dấp của Hồi Giáo, Ấn Độ.

Lần này, tỉnh Lâm Đồng trưng bày 3 phương án kiến trúc công trình khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng. Cả 3 phương án đươc trưng bày đều gìn giữ khối kiến trúc Dinh tỉnh trưởng. Đặc biệt phương án 1 đưa Dinh tỉnh trưởng lên cao 28m so với hiện nay. Phương án 2 cũng giữ nguyên Dinh tỉnh trưởng, bao quanh là khối nhà hình chữ U cao 10 tầng. Còn phương án 3 cũng để Dinh tỉnh trưởng “yên vị” nhưng cạnh đó là khối khách sạn đồ sộ hình vòng cung, tựa như kiến trúc trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

Có người nói, đến được Quy Nhơn, Tuy Hòa thì có thể nguôi nguôi nỗi nhớ Nha Trang. Thế nhưng để thỏa nỗi nhớ Đà Lạt thì chỉ còn cách xách gói về miền đất lạnh. Không gian, hồn cốt Đà Lạt là một cõi riêng, chỉ một mình mình có.

Bạn tôi, một ký giả lang thang, từ cao nguyên nhắn tin: “Về cơ bản, hồn cốt Đà Lạt đã bị phá nát rồi!”. Tôi hiểu ý bạn: Đà Lạt đã và đang bị “hành hạ” đủ kiểu, với lớp lớp rừng thông ngã xuống, đồi đất đỏ ứa ra để nhà cửa xây dựng tầng tầng, các khu du lịch “xanh đỏ tím vàng” nghễu nghện mọc lên. Đà Lạt đang nóng lên nhanh quá, thời gian mặc áo ấm của người dân ngày càng bớt lại.

Không ai buộc Đà Lạt phải dừng chân trầm tư mãi. Thế nhưng Đà Lạt đang “nóng nảy và vô tốc”. Đà Lạt phải phát triển, phải xây dựng. Nhưng không thể là kiểu bê tông hóa, cao tầng, bất chấp cảnh quan. Sự bán buôn nhã nhặn, chân thật, giá cả phải chăng của người Đà Lạt đã mai một quá nhiều.

Lắm du khách và người dân tại chỗ đã không còn tín nhiệm nhiều khu vực bán buôn ở Đà Lạt. Nhiều khách du háo hức đến Đà Lạt rồi “lủi thủi” ra về cũng vì sự tàn phai phong cách “ngàn vàng” của thành phố “một mình mình” này.

Có phải tôi đòi hỏi Đà Lạt nhiều quá không?

(Đ.Đ.Tuấn, bạn đọc)

Tin bài liên quan:

VNTB – Kế sách tháo kẹt xe cho Đà Lạt: đã có từ lâu!

Phan Thanh Hung

VNTB – Tầm nhìn trăm năm cho TP.HCM: Kịch bản phát triển kinh tế biển nào cho Cần Giờ?

Phan Thanh Hung

Rốn nước Đà Lạt Đankia – Suối Vàng đang chết

Phan Thanh Hung

2 comments

Loi Tran 21.08.2020 2:07 at 02:07

Đà Lạt giờ chỉ còn cái lạnh nhưng cũng gần mất rồi.

Reply
Năm Phạm 21.08.2020 2:07 at 02:07

Cái văn hóa của kẻ phàm tục nó phải khác chứ .

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.