Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần cấp bách thực hiện các biện pháp phá vỡ thế độc quyền của một số lĩnh vực thiết yếu trong bối cảnh các doanh nghiệp ở lĩnh vực này luôn tỏ ra chần chừ đổi mới
Minh họa: Khều. |
Bộ Công Thương hồi năm 2009 từng đưa ra phương án tái thiết kế tổng thể hệ thống điện cạnh tranh và tái cơ cấu ngành điện. Phương pháp đưa ra là gom các nhà máy phát điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý nhằm thành lập một số tổng công ty phát điện hoạt động độc lập theo hướng cạnh tranh; tách Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia hoạt động độc lập, nằm ngoài sự chỉ đạo trực tiếp của EVN. Tuy nhiên, phương án này đã không được EVN chấp thuận với lý do chia tách sẽ làm tầm bao quát của EVN bị thu hẹp.
Đừng để “một mình một chợ”
Câu chuyện của ngành viễn thông là một ví dụ đáng lưu tâm. Hơn 10 năm trước, thị trường mạng điện thoại di động chỉ có một nhà cung cấp, giá cước ở mức cao ngất ngưởng so với thu nhập bình quân của người dân giai đoạn đó với sự độc quyền của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT). Tuy nhiên, khi thị trường ghi nhận sự cạnh tranh ban đầu của Viettel và sau này là các nhà mạng khác thì giá cước đã liên tục giảm, người tiêu dùng hưởng lợi. Do đó, vấn đề phá vỡ thế độc quyền của ngành điện được đặt ra vô cùng cấp thiết và sự thành công của ngành viễn thông chính là một bài học.
Ngay từ 2 năm trước, kỳ vọng về một thị trường phát điện cạnh tranh đã được đặt ra nhưng thực tế đến nay, ngành điện vẫn chưa có thị trường bởi lẽ việc mua bán, điều độ, truyền tải, phân phối, bán lẻ vẫn chỉ trực thuộc một đầu mối duy nhất là EVN. Đó là điều khó có thể chấp nhận và rất khó vận hành được thị trường phát điện cạnh tranh đích thực. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết hiện nay chỉ những nhà máy công suất từ 30 MW trở lên mới đủ điều kiện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh mà những nhà máy này hầu hết do EVN làm chủ đầu tư nên chỉ nhà máy của EVN mới tham gia thị trường. Rất nhiều thủy điện vừa và nhỏ công suất 5-10 MW bị loại ra khỏi thị trường chủ yếu là của doanh nghiệp (DN) ngoài EVN. Trên khía cạnh cơ cấu ngành điện, Cục Điều tiết điện lực cho biết EVN vẫn đang sở hữu 60% công suất đặt của tổng các nhà máy điện, 90% khâu phân phối bán lẻ và độc quyền hoàn toàn trong các khâu truyền tải điện. Cả 3 khâu phát điện, truyền tải điện và phân phối điện hoàn toàn nằm trong tay EVN.
PGS-TS Trương Đình Chiến, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), nhận định: “Sự độc quyền ở DN này ở chỗ vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước vừa thực hiện chức năng kinh doanh và phân phối điện. Về mặt hình thức thì bộ chủ quản của tập đoàn là Bộ Công Thương nhưng trên thực chất, EVN vẫn được tự quyền kinh doanh, phân phối mà cơ quan chủ quản không can thiệp được. Người dân và các DN buộc phải mua điện với mức giá do EVN định sẵn trong khi chất lượng, dịch vụ cung ứng còn nhiều vấn đề”.
Ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng muốn có thị trường điện cạnh tranh, cần sắp xếp lại một số lĩnh vực của ngành điện như đưa công ty mua bán điện ra khỏi EVN và cấp thiết thành lập 3 công ty mua bán điện tại 3 miền. “Đối với 3 công ty phát điện (GENCO) mới thành lập, cần chuyển ra ngoài EVN để hoạt động độc lập trực thuộc Bộ Công Thương. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ quản lý Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia và Trung tâm Điều độ điện quốc gia để bảo đảm hoạt động độc lập, hạch toán minh bạch” – ông Long đề xuất. Theo ông, khi đó, thị phần của EVN chỉ còn lại khoảng 20% và sự độc quyền sẽ giảm đáng kể.
Mở rộng cửa ngành xăng dầu
Chuyên gia kinh tế – TS Ngô Trí Long cho rằng Nghị định 84/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có bất cập lớn nhất là không xác định được thị trường xăng dầu hiện nay là thị trường độc quyền hay cạnh tranh. Bởi lẽ, cơ chế điều hành giá xăng hiện đang ở trạng thái DN được phép tính toán giá cơ sở, định giá theo cơ chế thị trường nhưng mỗi lần điều chỉnh đều phải báo cáo xin phép. “Như vậy là cơ chế thị trường nửa vời, trong nền kinh tế thị trường không có cơ chế nào như vậy. Theo nguyên tắc quản lý giá theo thị trường, những mặt hàng nào thuộc loại tự do cạnh tranh về giá thì phải trả quyền tự quyết định giá cho thị trường. Còn sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực độc quyền thì nhà nước phải quyết định giá thông qua các hình thức quản lý phù hợp. Thị trường xăng dầu hiện nay tuy có hơn chục đầu mối kinh doanh nhưng lại có một DN thống lĩnh đến một nửa thị trường thì rõ ràng là độc quyền nhưng độc quyền mà DN được tự định giá, dù chỉ phạm vi rất nhỏ, thì không được” – ông phân tích.
TS Ngô Trí Long đề xuất nhà nước cần có sự hỗ trợ để các thành phần kinh tế, các DN được tự do tham gia vào thị trường xăng dầu nhằm phá thế độc quyền đối với mặt hàng này. Đối với các DN lớn, cần có những cách chia tách nhỏ bằng cổ phần hóa. Như thế sẽ xuất hiện thêm nhiều đầu mối xăng dầu trên thị trường và thông qua cạnh tranh lành mạnh, thị phần của các DN nhỏ sẽ tăng lên, thị trường sẽ được sắp xếp lại.
PGS-TS Trương Đình Chiến cho rằng cơ chế hiện nay tuy không cấm tư nhân tham gia thị trường nhưng xăng dầu là mặt hàng đặc thù, có những điều kiện riêng và đó chính là rào cản loại họ khỏi thị trường. Cụ thể, muốn tham gia nhập khẩu xăng dầu, DN phải có cầu cảng chuyên dụng tiếp nhận được tàu chở xăng dầu có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn; có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu dung tích tối thiểu 15.000 m3; sở hữu hệ thống phân phối xăng dầu với tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ…
Chuyên gia kinh tế cao cấp – TS Lê Đăng Doanh cho rằng không nên ngần ngại mở rộng thị trường xăng dầu cho DN nước ngoài tham gia bởi mở rộng thị trường sẽ tạo sự cạnh tranh gay gắt bằng giá, dịch vụ chăm sóc nên chắc chắn người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
Kinh tế thị trường là nền kinh tế mà trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
Nên “soi” giá sữa
Mặt hàng có bề ngoài được kinh doanh theo thị trường là sữa đã không ít lần được các chuyên gia kinh tế chỉ ra những dấu hiệu độc quyền. Theo đó, việc các hãng sữa có những đợt tăng giá đồng loạt là dấu hiệu dẫn đến cuộc thanh tra của Bộ Tài chính dành cho 5 “ông lớn” chiếm lĩnh 90% thị trường.
Tuy nhiên, trong kết luận thanh tra, Bộ Tài chính mới chỉ ra những sai phạm về thuế, chi phí quảng cáo, kê khai sản phẩm… Cơ quan quản lý về cạnh tranh và đảm nhận việc điều tra các hãng sữa bắt tay tăng giá là Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương cũng chưa từng có kết luận và thông báo công khai về việc này.
THÙY DƯƠNG