Khánh An
VOA
Ảnh Trịnh Công Sơn tại Nhà tưởng niệm Trịnh Công Sơn ở Bình Quới, TP.HCM.
Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn vừa cho biết bài hát “Nối Vòng Tay Lớn,” cùng với các bài “Huế-Sài Gòn-Hà Nội,” “Ca Dao Mẹ,” “Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa được cấp phép lưu hành.
Sự kiện này xảy ra ngay sau khi nhà chức trách Việt Nam đưa ra danh sách 5 bài hát trước năm 1975 bị cấm lưu hành vào tuần trước, trong đó có “Con đường xưa em đi” của nhạc sĩ Châu Kỳ, gây ra sự phản đối mạnh từ nhiều giới trong công chúng.
Bốn ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tình cờ bị phát hiện không nằm trong danh mục hơn 2.500 bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến khi gia đình cố nhạc sĩ cùng với Đại học Y – Dược Huế xin phép tổ chức chương trình ca nhạc “Nối vòng tay lớn” vào ngày 21/4.
Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, ông Nguyễn Đăng Chương, được VnExpress dẫn lời nói “Dù bài hát ‘Nối vòng tay lớn’ phổ biến và được sử dụng trong nhiều buổi hội họp, chương trình văn nghệ, thực chất mọi người hát đều chưa xin phép.”
Cách đây 42 năm, vào đúng ngày 30 tháng Tư, 1975, vào lúc 3 giờ chiều, đích thân Trịnh Công Sơn đã hát Nối Vòng Tay Lớn tại đài Phát Thanh Sài Gòn.
Nối Vòng Tay Lớn vốn là một trong số những bài hát phổ biến được hát trong phong trào tranh đấu của sinh viên – học sinh trước năm 1975. Ca khúc này sở dĩ được cho phép sử dụng rộng rãi sau đó là vì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhà nước trọng dụng, theo nhận định của nhà thơ Bùi Chí Vinh.
“Bắt đầu từ ông Võ Văn Kiệt. Lúc đó, ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư Thành ủy, rồi sau làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tức Thủ tướng, đã cho phép bài đó hát rất rộng rãi. Đến bây giờ tự nhiên có sự xét lại. Điều này nói lên sự bất tất của hệ thống cầm quyền mới, của những nhân sự mới”, vẫn lời nhà thơ Bùi Chí Vinh.
Nhạc sĩ Phú Quang, nổi tiếng với các ca khúc về Hà Nội, nói với VOA rằng sự kiện này không có gì lạ đối với ông. Trước đây, ông cũng từng có kinh nghiệm về những rắc rối liên quan tới các bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Ông kể: “Hồi tôi còn làm công tác sinh viên, người ta cũng ra lệnh cấm bài này, cấm bài kia, bài này không được hát, bài kia không được hát. Tôi có trả lời rằng ‘Các anh theo tiêu chí gì mới được chứ?’ Bây giờ anh kiên quyết cấm bài Hạ Trắng, nhưng lại cho phép bài Biển Nhớ. Tôi thì tôi phân tích cả hai bài đều về tình yêu trai gái. Giá mà bảo thí dụ là tình yêu đồng tính, thì lúc ấy cấm cũng còn có thể hiểu được. Chứ còn cũng là nhớ với nhung các thứ, mà tại sao Biển Nhớ thì được mà Hạ Trắng thì không. Tôi cho cái đấy là cái ấu trĩ của một số người thôi.”
Riêng với Nối Vòng Tay Lớn, nhạc sĩ Phú Quang nói: “Bài đó, theo quan điểm của tôi, chả có gì để phải cấm cả. Thật ra trong chùm những bài phản chiến của Trịnh Công Sơn, thì bài đấy là bài tốt. Bấy lâu nay chúng ta cũng đang kêu gọi hòa hợp thì tại sao lại xếp bài ấy là bài phản động được”.
Người nhạc sĩ tự nhận mình “chẳng quan tâm gì tới chính trị” cho rằng sự kiện này “chắc là do một người nào đấy cố tình hiểu sai. Tôi nghĩ một chuyện như thế này ở Việt Nam thì người ta cũng lại sửa lại thôi.”
Vụ “lọt sổ cấp phép” 4 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn ra lệnh cấm lưu hành vĩnh viễn 5 ca khúc được sáng tác trước năm 1975, bao gồm Cánh Thiệp Đầu Xuân của nhạc sĩ Lê Dinh-Minh Kỳ, Rừng Xưa và Chuyện Buồn Ngày Xuân của nhạc sĩ Lam Phương, Đừng Gọi Anh Bằng Chú của nhạc sĩ Diên An và Con Đường Xưa Em Đi của nhạc sĩ Châu Kỳ-Hồ Đình Phương.
Nhà chức trách khẳng định 5 ca khúc bị cấm “không có vấn đề về tư tưởng, chính trị”, nhưng vì “sai lời so với bản gốc”.
Tuy nhiên, công chúng có vẻ không thỏa mãn với giải thích trên. VnExpress ngày 7/4 dẫn lời vợ nhạc sĩ Châu Kỳ, “Tôi và chồng tự sửa lời bài Con Đường Xưa Em Đi.”
Một số người được VOA phỏng vấn nói họ nghi ngờ có “những câu chuyện phía sau” lệnh cấm các ca khúc trước năm 1975.
Nhà thơ Bùi Chí Vinh dẫn chứng: “Bài Con Đường Xưa Em Đi cũng bình thường thôi, nhưng mà nếu cấm vì viện dẫn lý do có những câu nói về Việt Nam Cộng Hòa, nói ‘chiến trường nào anh bước đi’ có ý ám chỉ nhạc sĩ sáng tác về nhạc miền Nam, thì tôi thấy cái đó là tiểu nhân, bới lông tìm vết”.
Trong số 4 ca khúc “chưa được cấp phép” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nối Vòng Tay Lớn đã trở thành một bài hát của quần chúng, “gần như là một bài đồng dao”, Luật sư Phạm Công Út, từ Sài Gòn, nhận xét với VOA, rằng Việt Nam hiện không có quy định pháp lý cụ thể trong việc cấm lưu hành các tác phẩm nghệ thuật.
“Có thể là ở đây họ đặt yếu tố về tư tưởng cao hơn, do luật pháp không có quy định cụ thể bằng luật. Tuy nhiên có thể họ có những văn bản dưới luật, mang tính chất nội bộ, để quản lý, cấp phép biểu diễn hoặc tạm dừng tác phẩm nào đó đã cấp phép”, vẫn lời luật sư Út.