Việt Nam Thời Báo

Phát tờ rơi cảnh báo: Cái tát và nhiệm vụ

Hòa Cầm
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Nhiều ý kiến cho rằng, việc công an Sài Gòn phát tờ rơi cho khách du lịch là “bôi nhọ đất nước”. Điều này không đúng, nếu như đứng về phía du khách với quyền được biết của họ, và phòng chống tội phạm phải tính đến yếu tố phòng vệ.

Nạn cướp giật – đặc sản

TP. Hồ Chí Minh – mảnh đất đầy màu mỡ cho nạn cướp giật công khai. Dù có nhiều nỗ lực của phía chính quyền. Mà gần đây nhất là việc cho lắp đặt các camera giám sát ở quận 1, quận Gò Vấp, kế hoạch 676…

Tuy nhiên, không vì thế nạn nạn cướp giật có chiều hướng giảm đi. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, cướp giật bắt đầu nhắm vào người nước ngoài đang lưu trú, du lịch tại đây.

Việc đó làm ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch Việt Nam nói chung và bản thân thành phố nói riêng.

Cướp giật trở thành món đặc sản mà thành phố này bất đắc dĩ phải nhận lấy và ăn hàng ngày.

Nạn cướp giật dù công khai, nhưng lại đủ các thành phần, đa phần theo hướng túng làm liều, chứ ít khi theo băng chuyên nghiệp.

Nó cho thấy tính phức tạp của loại hình tội phạm này, nếu đặt trong môi trường có 10 triệu dân. Đồng thời, phần nào thể hiện sự bất lực của hệ thống công an tại đây. Ít nhất là việc trấn áp và các biện pháp trấn áp đề ra trước đây đối với loại hình tội phạm này chưa đạt nhiều hiệu quả.

Do vậy, tiến hành các biện pháp mới, trong đó nâng cao việc chống lại nạn cướp giật thông qua việc tiến hành đồng bộ yếu tố “phòng trừ” ở lực lượng công an, nhân dân bản địa, cư trú và kể cả khách du lịch là điều cần thiết.

Việc cho tiến hành phát tờ rơi là một trong những yếu tố đó.

Hoan nghênh thay vì bài trừ

Việc Công an Quận 1 cho phát tờ rơi cảnh báo. Đúng như ông Trưởng công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 (TP.HCM), Nguyễn Văn Phước chia sẻ với báo Thanh Niên “để nhắc nhở du khách cẩn thận, tránh bị mất cắp khi ra đường chứ không vì mục đích gì.”

Đáng lý ra, việc này phải được tiến hành từ lâu.

Nhất là khi việc cảnh báo về nạn trộm cướp tại thành phố Hồ Chí Minh được tiến hành nhiều năm nay trong lớp các hướng dẫn viên, công ty lữ hành… chứ không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Và bản thân các du khách cũng phần sẽ bắt gặp vấn đề này khi tìm hiểu về điểm đến của mình.

Sự ra mặt của chính quyền trong vấn đề này đã cho thấy sự nghiêm trọng của sự việc, nhưng đồng thời cũng cho thấy đó là một hành động dũng cảm, dù có hơi vụng về về phía lực lượng công an quận 1.

Do đó, trước mắt cần phải ghi nhận đó là việc làm tốt và khuyến khích thay vì bày trừ nó vì cái lý do trời ơi – “bôi nhọ đất nước.”

Bởi một du khách bất kỳ, họ có quyền được biết rõ về tình hình an ninh tại nơi mình lưu trú. Chứ không phải là một sự che đậy, giấu kín, để rồi, sau khi họ va chạm với tệ nạn cướp giật sẽ gây ra một ảnh hưởng xấu lớn hơn nhiều. Nếu đứng về phía họ, thì họ cần biết, họ cần thông tin và hiểu về địa điểm mình đang ở.

Thông tin này giá trị hơn, đáng lưu tâm hơn nếu nó được phát bởi chính quyền và lực lượng công an.

Chính tờ rơi tưởng chừng như đơn giản đó lại giúp ích rất nhiều trong gia tăng tính phòng vệ, góp phần cùng với các biện pháp triển khai “tấn công tội phạm”, sẽ làm giảm tính tệ nạn này. Nhất là trong việc, các du khách không tự biến mình trở thành con mồi trước những kẻ cướp giật theo lối “túng làm liều”.

Vì thế, việc phát tờ rơi nên được tiếp tục. Ít nhất là cho đến khi đảm bảo được tình hình trật tự – trị an phố phường.

Đừng vì sự va chạm một chút quyền lợi về lượng khách mà bỏ rơi khách du lịch, mặc kệ họ sống chết ra sao khi ra đường.

Và cũng đừng sĩ diện mà đẩy Công an Quận 1 và bản thân chính quyền TP. Hồ Chí Minh vào thế khó. Khi không tính đến tính đặc thù của thành phố này với dân số, nền kinh tế, và tính nhỏ lẻ, bần cùng của các đối tượng cướp giật.

Cái tát và nhiệm vụ

Để xảy ra nạn cướp giật đến nỗi buộc phải phát tờ rơi, cũng nên được xem là cái tát vào mặt chính quyền TP. Hồ Chí Minh và bản thân lực lượng công an tại đây, khi không làm tròn trách nhiệm, vai trò của mình.

Do đó, chính quyền Hồ Chí Minh cần phải được hưởng một đặc thù phòng chống tội phạm mới thông qua việc tiến hành các chính sách phòng trừ tội phạm của riêng thành phố. Từ việc gia tăng ngân sách cho phòng trừ, trấn áp tội phạm cho đến việc đẩy số lực lượng công an mặc thường phục đi tuần hàng ngày lên, tăng cường các đội kiểm tra liên ngành ở từng tuyến đường trọng điểm, nơi phức tạp… Thậm chí, mạnh tay cho phép tiến hành một hướng xử lý riêng lẻ đối với loại hình tội phạm này tại TP. Hồ Chí Minh.

Lực lượng tội phạm đang gia tăng nhanh, trong đó nạn cướp giật là điều đáng xấu hổ. Và nó nên đặt trước “thế lực thù địch” để theo đó, là nhiệm vụ ưu tiên “đánh thẳng, đánh mạnh, đánh quyết liệt” đối với chính quyền, công an TP. Hồ Chí Minh. Và phải là câu nói đầu môi của ông Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang.

Vì trật tự trị an cần phải đảm bảo trước sự tấn công của các cá nhân nhỏ lẻ, thay vì tính đến câu chuyện to tát hơn – “lực lượng thù địch”.

Nhất là trong số liệu gần đây cho thấy tình hình tội phạm đang ngày một gia tăng. Năm 2014, tăng 2% so với 2014, trong đó có 34.962 vụ xâm phạm sở hữu, 20.934 vụ trật tự xã hội, 14.977 vụ tội phạm ma túy…

Tin bài liên quan:

Chính quyền Bình Dương bị tư thù hóa

Phan Thanh Hung

Ẩn số X: Chỉ cần khéo léo một chút…

Phan Thanh Hung

Hà Nội, không vội chạy… tượng đài!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo