“Hết cửa” tăng lương trong năm 2015
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh – Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công – cho biết không tăng lương cơ sở trong năm nay.
– Phóng viên: Ngân sách năm 2014 vượt thu 80.000 tỉ đồng, đại biểu Quốc hội (QH) và cử tri đang đặt vấn đề tại sao không tính đến vấn đề tăng lương?
+ Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Tăng thu ngân sách năm qua thì Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận và quyết định chi cho nhiều việc, trong đó có 10.000 tỉ đồng để giải quyết tăng lương 8% cho những người có mức lương dưới hệ số 2,34 và lương hưu. Ủy ban Thường vụ QH đã có Nghị quyết về việc này rồi. Năm nay thì chỉ tăng ở mức đó thôi.
– Mới đây, Phó Thủ tướng đã ký văn bản giao Bộ Nội vụ trong năm 2015 nghiên cứu điều chỉnh mức lương cơ sở dựa trên kết quả tạo nguồn của Bộ Tài chính. Việc này có liên hệ với kết quả tăng thu ngân sách như các đại biểu QH đề cập?
+ Không, việc tạo nguồn trên cơ sở khác. Còn nguồn tăng thu đã quyết định các mục đích chi rồi, quyết định xong rồi.
– Các đại biểu QH cũng đặt vấn đề tăng lương phải là ưu tiên số vì 2 năm qua chúng ta đã phải hoãn lộ trình tăng lương theo kế hoạch cải cách vì kinh tế, ngân sách khó khăn. Người dân cũng đồng hành và chia sẻ khó khăn với Nhà nước. Đây rõ ràng là thời điểm để bù lại khoản “nợ” dân?
+ Ngân sách mấy năm vừa rồi như QH vừa thảo luận là rất khó khăn. Về nguồn thu, chúng ta phải hạ mức độ động viên thuế rất nhanh, từ 25% xuống 22% rồi 20% và thậm chí ưu đãi thì chỉ còn 17% thuế thu nhập doanh nghiệp. Hạ như thế là để khuyến khích đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng đồng thời nguồn thu cũng bị ảnh hưởng. Còn nhu cầu thì còn nhiều lắm, rất là cấp bách, khó có thể làm được việc tăng lương một cách đồng loạt. Chính vì thấy khó khăn như thế nên QH mới quyết định tập trung giải quyết cho những đối tượng khó khăn nhất. Còn việc Ủy ban Cải cách chính sách tiền lương của Nhà nước đang tính đến là để thực hiện theo lộ trình cho giai đoạn tới, cân nhắc bố trí sao để từ 2016 trở đi thực hiện điều chỉnh lương cơ sở được như kế hoạch đề ra là đến 2020 tiền lương cơ sở phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của cán bộ, công chức.
– Nói như vậy, năm nay không còn “cửa” nào cho kỳ vọng điều chỉnh lương, thưa Phó Thủ tướng?
+ Năm nay thì QH quyết định rồi. Dù còn kỳ họp cuối năm nữa nhưng vấn đề ngân sách đã quyết định từ cuối năm trước rồi, không bàn đến việc điều chỉnh lương cơ sở trong năm nay nữa.
– Báo cáo của Bộ Nội vụ vừa gửi tới QH đánh giá lương cơ sở hiện tại rất thấp, chỉ bằng 44% so với lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp. Lương Bộ trưởng cũng chỉ hơn 14 triệu đồng/tháng. Chính phủ có sốt ruột với vấn đề này?
+ Về nguyên tắc thì cần điều chỉnh tiền lương cho phù hợp, đặc biệt là lương cơ bản phải đảm bảo mức sống tối thiểu của cán bộ, công chức, người lao động. Nhưng cũng có một vấn đề khác là đối tượng hưởng lương hiện nay của mình quá lớn mà biện pháp để xử lý vấn đề tăng lương thì không chỉ trông chờ ngân sách vì sẽ chậm. Vậy nên vừa qua Trung ương đã thống nhất quyết định phải giải quyết một loạt các vấn đề, giải quyết rất nhiều chuyện như sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công sao hiệu quả để tạo động lực cho mỗi đơn vị tự vươn lên; sắp xếp lại bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế… Ngoài ra, tạo nguồn tăng lương cũng là một biện pháp quan trọng để tạo cơ sở cho việc giải quyết bài toán cải cách tiền lương đặt ra.
– Trong số 80.000 tỉ đồng tăng thu ngân sách vừa qua, 17.000 tỉ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, đường cao tốc; hơn 1.600 tỉ đồng thưởng vượt thu cho 3 địa phương và chỉ có 10.000 tỷ đồng trong số đó để phục vụ việc tăng lương 8% cho nhóm đối tượng khó khăn. Việc xác định ưu tiên như vậy đã hợp lý chưa, thưa Phó Thủ tướng?
+ Nguồn này theo phân cấp về ngân sách thì Trung ương chỉ có một phần thôi, còn lại là nằm ở các địa phương thì quyền xử lý nằm ở các địa phương. Không phải tất cả nguồn tăng thu ngân sách, Trung ương đều có quyền xử lý, sử dụng.
Việc thưởng tăng thu với các địa phương cũng theo phân cấp như thế. Ví dụ khoản thu 100 tỉ đồng thì địa phương sẽ được hưởng 50 tỉ, Trung ương được 50 tỉ. Vậy giờ nguồn thu tăng lên được 110 tỉ đồng thì người ta cũng vẫn điều tiết với tỷ lệ như thế, các địa phương đã được hưởng phần tăng thu trong đó rồi chứ không phải tất cả ngân sách Trung ương được hưởng hết cả.
Người Lao Động
—————————-
* Tựa đề và hình ảnh do VNTB đặt