
Hòa Cầm
(VNTB) Đảng cần phải minh bạch và rõ ràng trước nhân dân và chịu trách nhiệm về sự tồn vong của chính mình trước các đảng viên lão thành cách mạng. Việc từ chối quyền bị giám sát là cách làm cho Đảng sớm bị tiêu vong nhanh nhất bởi các bước biến chuyển thời cuộc.
Giám sát Đảng là một trong những nội dung quan trọng của việc ngăn chặn hiện tượng “đảng hóa nhà nước” – một trong những biến dạng sai lệch về cấu trúc – chức năng – vai trò của Đảng trong đời sống chính trị, đưa đến tính chuyên quyền, độc đoán, lấy mệnh lệnh làm chỉ huy khiến cả bộ máy nhà nước trở nên quan liêu, phi dân chủ.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị – xã hội, và các cá nhân tiêu biểu ở mọi tầng lớp trong ngoài nước, được xem như ứng viên duy nhất cho nhiệm vụ cao cả và chính thống trên trong giai đoạn hiện nay.
Thế nhưng, dự thảo Luật MTTQ (sửa đổi), vai trò này lại bị phản đối bởi nhiều lý do khác nhau.
Một trong số đó là viện sự không phù hợp với nguyên tắc Đảng “lãnh đạo MTTQ Việt Nam” được quy định tại Điều 4 của dự thảo luật.
Nguyên tắc của Đảng và trách nhiệm Mặt trận
Việc duy trì quan điểm Mặt trận không thể giám sát Đảng do không phù hợp theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, buộc phải xem xét lại toàn bộ tổ chức MTTQ là tổ chức như thế nào và đại diện cho ai.
Bởi Điều 9 (Hiến pháp 2013) quy định Mặt trận là: “Tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Những nhiệm vụ đề ra đó là xuất phát từ cơ sở khoản 2, Điều 4 của Hiến Pháp 2013: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.”
Nhưng cơ chế nào, cách thức nào để giám sát và buộc Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân mới là vấn đề cần bàn. Và vai trò mà Mặt trận đảm nhiệm thông qua Điều 9 (Hiến Pháp 2013) cũng phải xuất phát từ việc, Mặt trận phải đóng vai trò là giám sát, điều chỉnh hành vi lãnh đạo của Đảng để thực hiện dân chủ, đồng thuận xã hội.
Tất nhiên, không thể lấy yếu tố cảm tính, “mật thiết với nhân dân từ khi ra đời” để thay thế cho một luật hoặc tổ chức giám sát Đảng, buộc Đảng phải “chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình” trong đời sống chính trị, xã hội. Bởi tính trách nhiệm trong quyết định về chủ trương, đường lối không nằm ở mật thiết, mà nằm cách thức để tạo sự giám sát tối đa (luật, tổ chức). Nếu không có nó, nguyên lý “Đảng lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội nhưng Đảng không làm thay công việc của Nhà nước” hoàn toàn không có cơ sở để tồn tại.
Do đó, nếu trên nguyên tắc “lãnh đạo” để bác bỏ sự giám sát thì bản thân nguyên tắc trên đã đi vào con đường một chiều, tức là nó nhân danh lãnh đạo để độc tôn mọi hành vi điều chỉnh trong xã hội.
“Mèo khen mèo đuôi dài”
Quan điểm đưa “nguyên tắc lãnh đạo Đảng” ra, thậm chí còn cho rằng, Mặt trận giám sát Đảng là chưa cần thiết, vì đã có các “quy định trong các văn bản của Đảng” là một cách để làm khó vai trò Mặt trận.
Lấy quy định về giám sát trong “văn bản của Đảng” để loại bỏ sự giám sát từ phía Mặt trận, thể hiện tư duy lấp liếm, không nghiêm túc trong việc ngăn chặn Đảng hóa nhà nước. Bởi ngay khi có sự giám sát trên cơ sở văn bản kiểu đó, thì nó cũng chỉ mang tính chống chế, tạm thời và gần như bị vô hiệu về sau. Cụ thể, với quy định 46-QĐ-/TW (2011) về “công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong chương VII và VIII điều lệ Đảng khoá XI”, theo đó, chủ thể kiểm tra và giám sát lại chính là “chi bộ, đảng ủy, bộ phận cấp ủy, ủy ban…”, chẳng khác nào tình trạng “mèo khen mèo đuôi dài.”
Cũng chính vì giám sát dựa trên sự “giác ngộ” bên trong, đã khiến cho các tổ chức Đảng và đảng viên tiếp tục “ỷ vào vai trò lãnh đạo độc tôn của Đảng”, các hành vi khi vi phạm chỉ bị xử lý, kỷ luật theo Điều lệ Đảng là chính, cùng với tinh thần phê bình – tự phê bình đã khuyến khích sự tha hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ đảng viên, tổ chức Đảng, dẫn đến hiện tượng lạm quyền, chuyên quyền, coi thường pháp luật ngày càng lớn. Văn bản Đảng soạn thảo, đưa ra, thực thi, thì lấy cơ sở nào để Đảng có thể tự giám sát, khống chế mình, thậm chí là tước đi quyền lợi trong tiến trình độc tài hóa nhà nước? Nói cách khác, chính tinh thần giám sát dựa vào văn bản Đảng đã thúc đẩy cho các tổ chức, cá nhân trong Đảng tránh được sự trừng trị thích đáng của pháp luật nhà nước, dần hình thành bên trong Đảng những phe nhóm cục bộ, lợi ích, cho phép Đảng lãnh đạo trở thành đảng trị, với những đặc quyền, đặc lợi khác nhau mà nhà nước không thể chạm tay vào xử lý triệt để (vùng cấm).
Sự ỷ lại vào sức mạnh của văn bản Đảng cũng dẫn đến quan điểm hạ thấp vai trò của Mặt trận trong đời sống chính trị – xã hội của đất nước. Cụ thể, một tổ chức được xem là liên hiệp giữa các giai tầng, tổ chức chính trị – xã hội trong và ngoài nước nhưng việc giám sát lại dừng ở ngưỡng “giám sát hoạt động của Chính phủ, chứ không phải là giám sát chủ trương, đường lối của Đảng”, như ông Chủ tịch Mặt trận Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, và sự tán đồng của ông chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Điều này khiến Mặt trận đánh mất tính trách nhiệm và vai trò to lớn về mặt “liên hiệp chính trị – xã hội” của mình, bởi cách giám sát ở ngưỡng chính phủ, không giúp ngăn chặn được các chủ trương, chính sách sai lầm của Đảng về đối nội, đối ngoại, nhất là khi Đảng đóng vai trò quyết định đường lối, chủ trương trong quản lý Nhà nước, mặc dù về danh nghĩa là “thuyết phục nhà nước”.
Và thế là, văn bản Đảng đã vô tình xóa bỏ cơ chế “giám sát của nhân dân” thông qua Mặt trận, được quy định cũng tại chính Điều 4 Hiến Pháp?
Đảng muốn một mình một chợ?
Nếu hiểu chính quyền cũng là một dịch vụ xã hội và các đảng phái giống những công ty cung cấp dịch vụ, thì quy luật thị trường sẽ giúp điều tiết được sự lãnh đạo của đảng phái, đảng nào tốt thì được dân bầu và ngược lại. Tuy nhiên, trong thể chế xã hội một đảng, việc tiến hành giám sát là phương thức tốt nhất để thực hiện sự điều tiết trên. Mệnh đề “vì đảng lãnh đạo tổ chức X nên tổ chức đó không được giám sát”, là một mệnh đề bất khả thi, ngăn trở việc giám sát Đảng, bởi nếu muốn Mặt trận giám sát Đảng, thì Đảng buộc phải từ bỏ quyền lãnh đạo, mà điều này chỉ có thể xảy ra trong một cách mạng kế tiếp.
Sự rình rang lúc đưa ra dự thảo, khi đề nghị thành lập bộ này, cơ quan kia để đại diện nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của Đảng cuối cùng đổi lại, vẫn là chưa có cơ sở, chưa ổn định. Liệu rằng, lòng tin yêu của nhân dân đối với Đảng sắp tới sẽ còn bao nhiêu nếu quyền lãnh đạo phủ nhận nghĩa vụ bị giám sát?
Băn khoăn của ông Nguyễn Thiện Nhân về việc Đảng phải trả lời trước Mặt trận cũng như việc công khai các trả lời này là hoàn toàn nằm trong vai trò của Mặt Trận, và quy định của Hiến pháp về tổ chức này. Cụ thể, Mặt Trận là đại diện giám sát của nhân dân, và nếu không thể giám sát được đối với hành vi, thì làm sao có thể tiến hành tập hợp phản biện “về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, khi bản thân Đảng vẫn mang một cốt cách lãnh đạo duy nhất, không hề muốn bất kỳ sự chi phối, tác động (giám sát) của bất kỳ tổ chức nào trong xã hội?
Việc không có luật nào điều chỉnh hoạt động của Đảng, hay không có tổ chức nào dám giám sát đã khiến tính chất độc tài trong chủ trương, đường lối của Đảng ngày tăng lên. Các ý kiến giám sát/ phản biện thì bị ép khung vào điều 258 theo cung cách “Đảng luôn đúng; nếu đảng sai, mày là phản động.”
Và vì chỉ mỗi quy định chung chung là “nhân dân giám sát” nên dẫn tới tình trạng suy thoái về mặt quan liêu trong con người và tổ chức Đảng, như nhận định trong hội nghị Trung ương 4 khóa XI (12-2011) đã chỉ ra. Trong con người, đó chính là sự thoái hóa, biến chất, nhất là ở cán bộ cấp cao, làm cho các chủ trương – chính sách tổn thương nặng về mặt thực tiễn, phi dân chủ, xóa bỏ tính pháp quyền trong hệ thống nhà nước. Hay nói cách khác, giữ quyền lãnh đạo, phủ bỏ giám sát, đưa đến nguy cơ tiêu vong về mặt thực thể nhà nước.
Phải chăng, Đảng vẫn tiếp tục muốn một mình, một chợ để làm “kim chỉ nam cho mọi hành động. Là ánh sáng chân lý soi sáng 90 triệu dân”?
Tiêu vong hay tồn tại khi nhân dân làm chủ?
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng thừa nhận: “Đúng! Chúng ta đã thắng Hoa Kỳ. Nhưng bây giờ chúng ta đang bị rung chuyển trước nhiều vấn đề. Chúng ta không đủ ăn. Chúng ta là một nước nghèo, kém phát triển. Tiến hành chiến tranh, thật đơn giản; nhưng quản lý một đất nước, thật cực kỳ khó khăn”.
Những năm qua, đã cho thấy chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng “chỉ đạo” nhà nước đem lại một hệ quả cực kỳ tệ hại về mặt chính trị – xã hội – kinh tế. Khiến cho uy tín và năng lực lãnh đạo của Đảng ngày càng đi xuống trong mắt người dân. Điều đó cho thấy, việc độc diễn của Đảng trên khán đài chính trị đã trở nên lỗi thời, và cần một sự khống chế, giám sát tăng cường bởi chính các tổ chức chính trị – xã hội khác trong quá trình lãnh đạo của mình, nhằm đạt lấy hiệu suất cao nhất trên cơ sở đồng thuận xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm trong lần góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng từng thẳng thắn nhận xét về vấn đề này: “Nhân dân đồng tình, thống nhất giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Thế nhưng, điều người dân quan tâm là Đảng chịu trách nhiệm như thế nào về quyền lãnh đạo đó? Nhân dân muốn có cơ chế để giám sát tính chịu trách nhiệm của đảng”.
Mặt khác, việc giám sát Đảng cũng cho thấy người dân là trung tâm, quyền làm chủ của dân là xuyên suốt, chứ không phải là nhân tố phòng hờ cho việc chống chế sự độc tài trong lãnh đạo. Là cơ sở tạo hành lang pháp lý cho Đảng thực thi tốt vai trò, và sứ mệnh của mình trong phương thức lãnh đạo. Nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Lê Quang Vịnh: “Nếu chỉ nói về chuyện tổ chức Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân song không xúc tiến để ban hành luật thì sẽ chỉ là khẩu hiệu, là mệnh lệnh mà thôi.”
Qua đó để thấy rằng, lấy lại niềm tin vốn rất lớn lao của nhân dân ta đối với Đảng là không khó, vấn đề là Đảng có dám làm hay là không. Đảng cần phải minh bạch và rõ ràng trước nhân dân và chịu trách nhiệm về sự tồn vong của chính mình trước các đảng viên lão thành cách mạng. Việc từ chối quyền bị giám sát là cách làm cho Đảng sớm bị tiêu vong nhanh nhất bởi các bước biến chuyển thời cuộc.