Phú Mỹ Hưng – mặt trái của sự phù hoa

Kiều Phong
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Phú Mỹ Hưng – khu cảnh đồi

Nam Sài Gòn (NSG), với khu trung tâm Phú Mỹ Hưng (PMH) đã nên hình hài, là dự án quy hoạch và phát triển đô thị quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam từ sau 1975. Cùng với Khu chế xuất Tân Thuận, dự án là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, bước chân vào dòng chảy tư bản và văn hóa toàn cầu trong lĩnh vực kiến tạo đô thị. Nhưng cũng giống như bất cứ dự án nào khác ở cùng quy mô và tham vọng, những dự án này mang theo những bài học có giá trị về kiến tạo đô thị và ẩn chứa những mâu thuẫn và mặt trái.

Những lời tán tụng

Trung tâm NSG, đô thị PMH được quy hoạch với một ngôn ngữ đô thị đơn giản, mạch lạc và nhấn mạnh tới sự tương tác giữa các thành tố của đô thị. Mạng đường ô bàn cờ với một số đoạn uốn theo địa thế mặt nước. Công trình lớn thường bao lấy thế đất, khéo léo dấu sân trong hoặc bãi đậu xe phía sau. Các công trình cũng có khoảng lùi nhỏ, hoạt động gắn liền với vỉa hè, có mặt tiền uốn theo hướng của đường và do đó định hình và tương tác không gian công cộng phía trước công trình. Cạnh ngắn của một ô phố điển hình đồng nhất ở 90m đối với khu dân cư và 110m đối với khu thương mại. Do ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại trong quy hoạch, Những thành tố đô thị này, vốn tìm thấy nguyên vẹn trong trung tâm cũ của Hà Nội và TP HCM xây dựng từ thời Pháp, hầu như không còn tìm thấy trong các đồ án kiến trúc và quy hoạch đương đại ở Việt Nam .

PMH được thiết kế để trở thành một trung tâm đa chức năng với các công trình đa dạng từ nhà ở tới văn phòng, trường học quốc tế, khu thương mại, khách sạn và cả một nhà triển lãm quy mô lớn. Không có một yếu tố nào của “bộ công cụ kiến tạo đô thị hậu-hiện đại hoàn cầu” bị bỏ sót. Thiết kế nhấn mạnh tới sự đa dạng và chuẩn mực của đường phố và công viên mà tác giả đồ án ghi nhận trong các khu dân cư truyền thống của Sài Gòn vốn nổi tiếng về sức sống và sự sôi động của chúng .

Về thiết kế đô thị, PMH là một đồ án chuẩn mực và xứng đáng được nghiên cứu và so sánh một cách cẩn trọng với phương pháp thiết kế đô thị đang thực hành và giảng dạy trong các trường kiến trúc tại Việt Nam – vốn dường như thiếu nền tảng lý luận và bị ảnh hưởng nặng về hình ảnh của Chủ nghĩa Hiện đại.

Tác giả của đồ án PMH John Kriken lại tự hào về việc đảm bảo 95% diện tích cây xanh dọc bờ sông phục vụ các hoạt động công cộng và giữ một tỷ lệ cây xanh đáng kể trong đồ án. Thực tế là 50% diện tích công viên của TP HCM 10 triệu dân đang nằm ở Phú Mỹ Hưng – đô thị hướng tới mục tiêu 100.000 dân – một chỉ dấu phản ánh cả chất lượng sống lẫn sự tương phản với thực tiễn đô thị TP HCM.

Là một trong những đồ án khu đô thị mới được quy hoạch hoàn chỉnh đầu tiên ở Việt Nam từ sau 1986 và là “thành phố được quy hoạch tổng thể theo chuẩn mực thế giới lớn nhất ở châu Á” , Nam Sài Gòn nói chung và Phú Mỹ Hưng nói riêng nhận được sự khen ngợi của giới chuyên môn trong và ngoài nước.

Sự ghi nhận sớm nhất là Giải thưởng Kiến trúc đô thị lần thứ 42 do Tạp chí Progessive Architecture (PA, Hoa Kỳ) trao tặng năm 1995. Các giám khảo khen ngợi sự tỉ mỉ và sự hài hòa trong thiết kế ở các tỷ lệ khác nhau cũng như cách tiếp cận về khí hậu và địa lý. Tuy nhiên, mặc dù xác nhận sự nỗ lực của tư vấn trong tìm kiếm một mô hình đô thị từ văn hóa địa phương, các thành viên BGK vẫn đắn đo về “những “chiến binh” phương Tây đến nói cho một dân tộc khác cách họ tổ chức đô thị” .

Năm 1997, Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (AIA) trao cho đồ án Giải thưởng danh dự về thiết kế đô thị – đồ án khu đô thị đầu tiên ở châu Á nhận được vinh dự này.

Gần 10 năm sau sự ghi nhận của quốc tế, khu đô thị Phú Mỹ Hưng mới được trao giải thưởng chính thức trong nước nhưng là cho công trình đã hoàn thiện. Cũng năm 2008, Phú Mỹ Hưng được Hội kiến trúc sư Việt Nam công nhậnCông trình kiến trúc tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới và Bộ Xây dựng công nhận là Khu Đô Thị Kiểu Mẫu . Mặc dù chỉ có hai khu đô thị ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn ĐTKM, tiêu chuẩn này thực ra đánh giá chủ yếu trên quy mô dự án (rộng trên 50 hecta, có trên 5000 dân), mức độ xây dựng (hạ tầng lấp đầy 70% diện tích), và tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý vốn (về nguyên tắc) phải đạt được để được phê duyệt.

Bên cạnh những sự khen ngợi , đô thị NSG/PMH cũng nhận được những câu hỏi và phê phán về xã hội, văn hóa và môi trường.

Chỉ người giàu mới được tiếp cận

Nằm không xa những khu vực nghèo nhất của thành phố và khu chế xuất Tân Thuận, nơi hàng chục ngàn công nhân có mức lương cả năm chỉ đủ mua 1 m2 sàn ở PMH, dự án nổi lên như một ốc đảo về xã hội và kinh tế trong lòng TP HCM. Nhà nghiên cứu xã hội ĐH Haiwaii, giáo sư Douglass nói PMH tách rời khỏi thực tế xã hội, và được xây dựng và quản lý nhằm phục vụ riêng cho tầng lớp mới và nhóm nhỏ chuyên gia ngoại quốc tại Việt Nam .

Tác động tiêu cực nổi bật nhất là hiện tượng đầu cơ đất đai (giá đất tại PMH tăng trung bình tăng 1000 lần sau 15 năm).

PMH cơ bản là một dự án tư nhân mà trong đó không gian công cộng không còn thực sự công cộng bởi camera và lực lượng an ninh luôn túc trực để đảm bảo không có những đối tượng không mong muốn trong khu vực. Tấm biển “cấm chụp hình” bền ngoài khu dân cư có tường rào an ninh (gated community) ở PMH là một trong số rất nhiều chỉ dấu rằng những gì từng là công cộng nay trở thành tư hữu và bị hạn chế nghiêm ngặt. PMH cố gắng “văn minh hóa” công dân của họ bằng cách triệt tiêu các cộng đồng – không người lạ, không tiếng ồn, không hàng rong, không tự tập đông người – bằng cổng rào và nhân viên an ninh. Sự đối lập với vỉa hè ở Sài Gòn không thể mạnh mẽ hơn. PMH thiếu vắng đời sống xã hội khiến nó trống rỗng về sự sinh động và vui thú.

Giáo sư Waibel còn nhận định rằng: “Ngày càng có vẻ như là các cư dân tương lại ở Nam Sài Gòn sẽ không phản ánh xã hội Việt Nam, như là thể hiện trong quảng cáo của PMH”. Giáo sư Waibel muốn ám chỉ quảng cáo ấn tượng với khẩu hiệu “wanted: one million residents” (“mong muốn: một triệu cư dân”) của PMH trong đó có mặt nhiều của nhiều thành phần xã hội trong dự án này. Người bình thường không được sinh sống ở PMH đã đành, khoảng 50% dân số PMH là người ngoại quốc, mặc dù phần lớn trong số họ thuê lại nhà của chủ sở hữu người Việt.

Công ty PMH cho rằng họ đã đưa ra rất nhiều loại hình nhà ở với chi phí khác nhau cho người có thu nhập trung bình như 11 tòa nhà thuộc dự án Sky Garden có giá từ 400-500 triệu đồng. Khách hàng có thể trả góp và vay trả góp qua ngân hàng. Nhưng rất ít người thu nhập trung bình có cơ hội sở hưu nhà PMH với mức giá trên. Thông qua đầu cơ, giá nhà ở một khu đô thị có môi trường sống tốt gia tăng rất nhanh bất chấp nỗ lực của CĐT.

Việc hình thành đô thị NSG/PMH ở ngoại vi cũ của TP HCM là một quá trình ngoại ô hóa kèm theo quốc tế hóa hoạt động kiến tạo nơi chốn vốn xảy ra ở nhiều quốc gia trong khu vực. Trong quá trình này, nền kinh tế TP HCM và Việt Nam xích gần hơn tới thị trường vốn và kỹ nghệ thiết kế quốc tế và những người có mức thu nhập cao di chuyển ra ngoài đô thị để thoát khỏi những vấn nạn của thực tại đô thị đồng thời tiếp cận những tiện ích mới được cung cấp thông qua các nhãn hiệu quốc tế. Về mặt xã hội, việc xây dựng các đô thị mới thông qua vai trò của các nhà đầu tư lớn như trường hợp PMH, vốn tối ưu hóa lợi nhuận bằng cách nhắm vào một số phân khúc thị trường nhất định, sẽ đẩy xa khoảng cách giàu nghèo trong không gian sống cũng như làm đơn điệu hóa và tư hữu hóa không gian công cộng


Ngập lụt cho vùng xung quanh

Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh năm 1998 đề xuất phát triển ở những khu vực có rủi ro ngập lụt trong khi sử dụng khu vực có nền đất cao và tốt cho hoạt động nông nghiệp và công nghiệp. Nhưng PMH lại đi ngược lại tinh thần xây dựng tiến bộ đó.

Trước rủi ro về Biến đổi khí hậu và ngập lụt đang và sẽ đe dọa cuộc sống người dân TP HCM, địa điểm xây dựng dự án và sự tác động của nó vào việc thoát nước tự nhiên giờ đây là vấn đề nhiều học giả phê phán. Người lên tiếng sớm nhất và bền bỉ nhất có lẽ là giáo sư Lê Huy Bá. Ông đặt ra câu hỏi về việc phát triển NSG có là một chính sách phát triển bền vững:

Phú Mỹ Hưng được ca ngợi nhiều nhưng có mấy ai chú ý: trong lòng Phú Mỹ Hưng thì đẹp thật nhưng các điểm ngập lụt ở Q.8 tăng nhiều hơn và cao hơn trước đó.

Việc xây dựng PMH đi kèm bê tông hóa vùng đệm sinh thái của TP HCM khiến gia tăng rủi ro ngập lụt cho toàn thành phố và dẫn đến khả năng xì phèn vì đô thị hóa vội vàng vùng đất phèn, khiến cho một diện rộng đất đai bị thoái hóa. Riêng với PMH, đặc tính của đất với độ mặn cao và nền đất yếu sẽ khiến cho kết cấu công trình và hạ tầng bị ăn mòn và kém ổn định .

Những nghiên cứu định tính về mối tương quan giữa đồ án NSG/PMH với tình trạng ngập lụt của TP cũng như những phân tích chi phí – lợi ích (cost-benefit analysis) về kinh tế, xã hội và môi trường của dự án này cũng như chính sách phát triển về phía Nam hình như bị một thế lực nào đó cố tình kìm hãm.

Kết

Nhà nước cần phải xem xét các dự án nhỏ, tránh vồ vập các dự án lớn nhằm cho phép sự công bằng, đa dạng, phong phú và sinh động – để các đô thị Việt Nam tồn tại trong sự hài hòa.

Về quy hoạch, NSG/PMH tạo đà cho một chính sách và xu hướng đầu tư xây dựng đô thị về phía Nam TP HCM. Trong bối cảnh ngập lụt và biến đổi khí hậu, PMH là bài học để các nhà quy hoạch cân nhắc cẩn trọng và tìm cách giảm thiểu rủi ro trong việc đầu tư mở rộng TP.HCM về phía nam trong tương lai. Vấn đề là mô hình phát triển như thế nào để hạn chế tối đa việc tác động tiêu cực vào hệ thống chứa và thoát nước tự nhiên cũng như đẩy gánh nặng hạ tầng của một khu đô thị cao cấp sang ngân sách nhà nước và túi tiền eo hẹp của người dân sinh sống trong những khu đô thị hiện hữu.

Thế hệ các nhà quy hoạch TP HCM trong thế kỷ của biến đổi khí hậu sẽ phải trả lời.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)