Vietnamnet
Người dân vẫn có quyền hoài nghi về những đường cong mềm mại trong việc thực hiện những quy định pháp luật.
Những ngày qua, dư luận xã hội bỗng quan tâm về vụ việc ở một số địa phương, nơi thành phố, nơi miệt vườn. Đó là vụ cho và nhận những chiếc xe sang bạc tỷ. Bên “cho” ở đây là doanh nghiệp (DN) trong tỉnh, do các tỉnh quản lý và bên “nhận” ở đây là chính quyền các địa phương.
“Nói gần nói xa chẳng qua nói thật”
Ồn ào, bởi cách đây đúng một tháng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh, các bộ, các ngành không được nhận biếu quà Tết. Thực chất, nói gần nói xa chẳng qua nói thật– đó là một hình thức hối lộ, và nhận hối lộ, nhân danh tập quán văn hóa truyền thống dân tộc.
Dư luận xã hội thì vẫn bán tín bán nghi, nhưng con số của Văn phòng CP đưa ra ước chừng việc biếu quà Tết giảm 70%. Không biết trong con số đó, có những tỉnh nào? Chỉ biết, nay, có không ít tỉnh đang phải đối mặt với dư luận xã hội về chuyện nhận xe sang bạc tỷ do DN biếu, với lý do phục vụ công tác điều hành của lãnh đạo các địa phương như chống bão lụt, đi miền núi.
Chiếc xe công vụ đựa đón Bí thư Đà Nẵng sẽ được trả lại doanh nghiệp. Ảnh VietnamNet.
|
Nếu so sánh quà Tết với xe sang, hẳn xe sang có quyền kiêu hãnh về… “đẳng cấp”.
Thật ra, những vụ việc DN “biếu không” xe sang cho các tỉnh không phải chuyện hiếm, cũng không phải mới mẻ gì.
Trước đó, dư luận xã hội đã từng xì xầm vụ việc tương tự ở một tỉnh đồng bằng. Tỉnh này sau đó phải từ chối nhận 03 chiếc ô tô bạc tỷ cũng của một DN ở tỉnh tặng, sau khi Bộ Tài chính cảnh báo, không vì nhận xe mà phải ưu ái, hỗ trợ cho DN. Bởi từ xưa đến nay, của biếu là của lo, của cho là của nợ.
Còn 20 năm trước đây, nhà báo Hữu Thọ có một bài viết thấm thía trên Báo Nhân Dân về chủ đề này- “Gói ruốc và chiếc ô tô”. Câu chuyện về hai cách làm kinh tế. Một chuyện là hai chiếc ô tô – quà biếu của một hãng buôn tàu biển nước ngoài đang muốn làm ăn với địa phương nơi ông đến, biếu ông Bí thư Tỉnh ủy, và Chủ tịch UBND địa phương đó. Một chuyện là gói ruốc- quà của một ông chủ hiệu bán sách vở ở phố Hàng Giấy (Hà Nội)- cho khách hàng của ông ta- những đứa trẻ ngây thơ tuổi học trò.
Món quà hai bên khác xa nhau về “đẳng cấp”. Một bên là hai chiếc ô tô hạng sang, một bên là gói ruốc thịt cho con nhà nghèo- nhưng đều giống nhau ở sự … lọc lõi, cao thủ về phương pháp kiếm lãi của con buôn. Hai ông Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đó chắc chắn phải ưu ái cho hãng tàu biển nọ, cho dù chất lượng tàu biển có xuống cấp, thì cũng là “tiền chùa” chi trả, đâu phải tiền của hai ông? Còn những đứa trẻ mua vở, giấy xấu tệ xấu hại, nhưng lại có gói ruốc kiểu “bia kèm lạc” của ông chủ hiệu cũng vẫn cứ háo hức mua, bằng “tiền chùa”- tiền cha mẹ, có phải tiền của chúng đâu?
Thế nên, vụ việc biếu xe sang bạc tỷ của các DN, tuy nhân danh “đúng quy định, đúng quy trình”, nhưng xét cho cùng, vẫn là sự kế tục…. thủ đoạn kinh doanh – tự cổ chí kim- có đi có lại mới toại lòng nhau.
Bao giờ, “cái nết” đánh chết… xe sang?
Nhưng thời nay cũng là thời của thế giới phẳng. Một vụ việc của quan chức, dù ở tít tận đẩu tận đâu, thậm chí bên kia bán cầu, chỉ một cú nhấp chuột, người dân tỉnh miền núi cao tây bắc của nước Việt, nếu có chút trình độ IT, cũng có thể biết ngay. Còn trong xã hội mà đường cong mềm mại trở thành một khái niệm của sự trục lợi, thì cho dù các quan chức, các chủ DN có thanh minh thanh nga thế nào, người dân vẫn có quyền hoài nghi về những đường cong mềm mại trong việc thực hiện những quy định pháp luật.
Về mặt đạo lý: Câu ca dao xưa Qua sông thì phải lụy đò/ Tối trời nên phải lụy cô bán dầu, để nói cái hoàn cảnh lệ thuộc, phụ thuộc của con người. Và vì lệ thuộc mà con người phải tìm mọi cách, kể cả “miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột” để có thể trục lợi cho mình nhất. Con người thế mà DN trong một tỉnh cũng thế, nhất là doanh nghiệp đang có lợi ích kinh tế ở địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết đã trả lại 2 chiếc ô tô do một doanh nghiệp tặng tỉnh gây xôn xao dư luận những ngày qua. Ảnh: VietnamNet.
|
Thế nhưng, trong trả lời báo chí, có những quan chức khôn mà không ngoan khi ngụy biện cho rằng, thời gian tặng xe lẫn thời gian DN được ưu đãi là chênh lệch và hai chuyện hoàn toàn khác nhau, mà các vị quên mất cái ví dụ so sánh thời gian chênh lệch là chuyện rất … vô nghĩa. Vì bản chất mối quan hệ trục lợi là không đổi.
Và vị này cũng quên mất một điều, khi ưu ái cho một DN “lụy đò” cũng tức là rất có thể tỉnh đã bất công với các DN khác vì họ đã không biết “qua sông”?
Về mặt pháp lý: Trả lời Tuần Việt Nam ngày 25/2, Ts Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, người quản lý không thể nhận quà của đối tượng bị quản lý. Đó là đòi hỏi bắt buộc cả về đạo lý, cũng như pháp lý. Cũng theo ông, cần quan tâm đến quy định của văn bản có hiệu lực cao hơn là Khoản 03, Đ 40 của Luật phòng, chống tham nhũng quy định như sau: “Nghiêm cấm việc tặng quà, nhận quà để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác vì vụ lợi”. Mà các công ty đang phụ thuộc rất nhiều vào các tỉnh, nên chứng minh sự bất vụ lợi của hành vi cho và nhận ở đây là rất khó khăn.
Còn ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra CP) thẳng thắn nhận xét: Quyết định 64/2007/ TTg của TTCP nói rõ, cấm tặng, nhận quà mà liên quan đến hoạt động công vụ. Chuyện DN tặng xe cho địa phương rõ ràng có liên quan đến nhau trong hoạt động công vụ. … Phải xét cho cặn kẽ vì biết đâu kiểu tặng quà này cũng là một hình thức biến tướng của hối lộ, tham nhũng. Hôm nay họ tặng xe, mai họ xin tạo điều kiện cho cái này cái kia thì không thể không ưu ái (VietNamNet, ngày 27/2)
Về mặt quy luật thực tiễn: Xã hội ta đang trải qua những thách thức khắc nghiệt của sự phát triển, mặt trái là sự xuất hiện của vấn nạn lợi ích nhóm, của hiện tượng “chủ nghĩa tư bản thân hữu”- mà nhiều bài báo của Ts Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ từng cảnh báo- bản chất là sự cấu kết của các DN trục lợi với những quan chức có quyền lực biến chất, tạo thành những … sân sau của nhau. Anh sân sau của tôi, tôi sân sau của anh.
Sự cảnh báo đó trong một môi trường xã hội còn thiếu lành mạnh như hiện nay, quả không thừa.
Chính phủ đang gắng thực hiện tuyên ngôn là một CP liêm chính. Sự liêm chính đó cần phản chiếu ở bất cứ cấp lãnh đạo, quản lý nào, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Sự liêm chính cũng đòi hỏi pháp luật quy định phải chặt chẽ hơn, để ngăn ngừa những đường cong mềm mại trong việc thực hiện.
Được biết mới đây, Thủ tướng CP đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính, Thanh tra CP, Bộ Tư pháp kiểm tra làm rõ việc tặng xe sang cho chính quyền ở hai tỉnh- Đà Nẵng, Cà Mau.
Đến bao giờ, cái nết mới “đánh chết” xe sang?
Kỳ Duyên